Vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục chảy vào Việt Nam

02/11/2021 - 07:52

Vốn đăng ký mới và tăng thêm giữ xu hướng tăng mạnh cho thấy nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục tin tưởng vào môi trường đầu tư Việt Nam. Dự kiến hoạt động góp vốn mua cổ phần sẽ sôi động trở lại từ đầu năm 2022.

Dây chuyền sản xuất linh kiện điện tử ở Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên. Ảnh: QUANG MINH

Năm 2021, kinh tế Việt Nam đối mặt với những khó khăn chưa từng có do ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19 nhưng kết quả thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vẫn là điểm sáng với xu hướng phục hồi ngày càng rõ nét.

Cơ hội thu hút dự án đầu tư lớn

Đầu tháng 10 vừa qua, Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ chia sẻ thông tin đáng mừng từ buổi làm việc giữa Đại sứ Phạm Sanh Châu và đoàn công tác của Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ với tỷ phú Gautam Adani: Vị tỷ phú giàu thứ hai châu Á và thứ 24 của thế giới cho biết, sẵn sàng tìm kiếm cơ hội mở rộng hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.

Tập đoàn Adani muốn tiếp tục rót nhiều tỷ USD vào Việt Nam theo hình thức liên doanh phát triển mới hoặc đầu tư vào các dự án đã có sẵn trong lĩnh vực cảng biển, nhiệt điện và sân bay. Hiện tập đoàn Adani đã đầu tư vào Việt Nam hai dự án năng lượng tái tạo tại tỉnh Ninh Thuận, gồm dự án điện gió tại Công ty TNHH Điện gió Adani Phước Minh, công suất 27,3 MW và dự án điện mặt trời công suất 50 MW.

Cả hai dự án đều được chuyên gia trong nước đánh giá là đầu tư rất chuyên nghiệp và bài bản. Có nhiều yếu tố để kỳ vọng sẽ có bước ngoặt lớn trong thu hút vốn FDI của Ấn Độ từ buổi làm việc này vì như chia sẻ của Đại sứ Phạm Sanh Châu, con trai của vị tỷ phú đồng thời là một trong ba tổng giám đốc tập đoàn nói rằng, Chủ tịch Gautam Adani rất ít khi hứa hẹn nhưng nếu đã hứa thì có thể làm được ngay và điều đó chứng tỏ ông rất yêu quý Việt Nam.

Để hiện thực hóa cơ hội đón sóng đầu tư lớn từ Ấn Độ, còn rất nhiều việc phải làm. Tuy nhiên sự quan tâm đặc biệt của một tỷ phú USD thế giới với kế hoạch mở rộng đầu tư trong bối cảnh nền kinh tế đang có nhiều biến động trước đại dịch Covid-19 cho thấy cơ hội thu hút vốn ngoại của Việt Nam là rất lớn. Và quan trọng hơn, động thái này thể hiện nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục tin tưởng vào môi trường đầu tư Việt Nam.

Số liệu thu hút FDI trong 10 tháng năm 2021 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa công bố cũng thể hiện xu hướng tích cực đó. Tính đến ngày 20/10, tổng vốn FDI vào Việt Nam đạt 23,74 tỷ USD, tăng 1,1% so cùng kỳ. Trong đó, vốn đăng ký mới đạt hơn 13 tỷ USD, tăng 11,6%; vốn tăng thêm đạt gần 7,1 tỷ USD, tăng 24,2% so cùng kỳ. Như vậy, dòng vốn FDI tiếp tục xu hướng tăng trở lại sau những tháng sụt giảm và tăng mạnh ở vốn đăng ký mới và vốn tăng thêm của các dự án đã đi vào hoạt động.

Các nhà đầu tư nước ngoài đã rót vốn vào 18 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân. Dẫn đầu là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với tổng vốn đầu tư đạt 12,74 tỷ USD, chiếm 53,7% tổng vốn đăng ký. Ngành sản xuất, phân phối điện đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 5,54 tỷ USD, chiếm 23,3% tổng vốn đăng ký, nhờ thu hút các dự án quy mô lớn như: dự án Nhà máy điện LNG Long An vốn đầu tư 3,1 tỷ USD; dự án Nhiệt điện Ô Môn II vốn đầu tư 1,31 tỷ USD tại Cần Thơ.

Giải mã sụt giảm vốn thực hiện

Vấn đề đáng lưu tâm trong bức tranh thu hút FDI hiện nay là vốn đầu tư thực hiện có dấu hiệu suy giảm cùng với xu hướng giảm mạnh của hoạt động góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài. Cụ thể, vốn đầu tư thực hiện trong 10 tháng năm 2021 đạt 15,15 tỷ USD, giảm 4,1% so cùng kỳ. Đây là tháng thứ hai liên tiếp, vốn đầu tư thực hiện quay đầu giảm và giảm mạnh hơn so tháng trước. Giá trị đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần cũng tiếp tục giảm 43,8% về lượt đầu tư và giảm 40,6% về giá trị vốn góp.

10 tháng qua chỉ ghi nhận 3.063 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị vốn góp đạt 3,63 tỷ USD. Đây cũng là xu hướng chung trên toàn cầu, khi hoạt động mua bán, sáp nhập doanh nghiệp đang chững lại vì đại dịch Covid-19. Hơn nữa, việc hạn chế nhập cảnh và chính sách cách ly dài ngày trong thời gian dịch bùng phát trở lại ở Việt Nam khiến nhiều đoàn chuyên gia và nhóm phát triển dự án không thể vào khảo sát và làm các thủ tục đầu tư.

Từ góc nhìn chuyên gia, GS, TS khoa học Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (Vafie) nhận định: Vốn thực hiện giảm hai tháng liên tiếp chưa phải vấn đề đáng lo ngại. Trong thực tế, số liệu vốn đầu tư thực hiện chưa phản ánh đúng thực chất của hoạt động thu hút FDI vào Việt Nam.

Hoạt động góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài có hai hình thức. Một là đầu tư gián tiếp, nhà đầu tư mua cổ phần, cổ phiếu của doanh nghiệp thông qua thị trường chứng khoán để thu về lợi nhuận, không tham gia vào hoạt động quản trị doanh nghiệp. Hai là đầu tư trực tiếp, nhà đầu tư bỏ tiền mua cổ phần, phần vốn góp của doanh nghiệp trong nước để sở hữu vốn điều lệ và tham gia vào hội đồng quản trị, thông qua các hoạt động mua bán, sáp nhập (M&A). Hoạt động góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài vào doanh nghiệp Việt Nam hình thành từ năm 2014 và trở nên sôi động từ năm 2017 với rất nhiều thương vụ đình đám của các nhà đầu tư nước ngoài có tên tuổi trong các lĩnh vực bất động sản, bán lẻ, sản xuất, tài chính ngân hàng...

Đây là một trong những kênh đầu tư chính để doanh nghiệp ngoại rót vốn vào Việt Nam. Qua đó, doanh nghiệp Việt không chỉ được bơm thêm nguồn lực tài chính để sớm triển khai và hoàn thành dự án kịp tiến độ mà còn có cơ hội nâng cao năng lực quản trị, mở rộng thị trường, gia tăng giá trị thương hiệu. Nếu như thu hút dự án mới cần phải có thời gian đưa vốn vào triển khai thực hiện dự án thì hình thức góp vốn mua cổ phần đòi hỏi phải giải ngân ngay theo giá trị tỷ lệ cổ phần nhà đầu tư nước ngoài đang nắm giữ.

Theo GS, TS khoa học Nguyễn Mại, những thương vụ M&A lớn, nhất là đối với khu vực doanh nghiệp tư nhân như: Tập đoàn Masan, Vingroup... không được thống kê đầy đủ cho nên con số về vốn đầu tư nước ngoài thực hiện chưa phản ánh đúng thực tế. Hơn nữa, xu hướng M&A đã thay đổi với tỷ lệ doanh nghiệp trong nước là bên mua ngày càng cao cũng là nguyên nhân khiến vốn đầu tư thực hiện nước ngoài giảm. Về triển vọng phục hồi, hoạt động M&A sẽ dần sôi động trở lại khi Việt Nam bước sang trạng thái bình thường mới.

“Các chủ thể tham gia vào M&A thời gian tới có thể là những doanh nghiệp vừa, quy mô vốn khoảng vài ba trăm triệu đến 500 triệu USD. Ở quy mô này, doanh nghiệp có nhu cầu gọi vốn ngoại để gia tăng tiềm lực tài chính, tiếp tục đầu tư vào các lĩnh vực tiềm năng, mở rộng thị trường và tận dụng cơ hội để tái cơ cấu sau đại dịch Covid-19”, GS, TS khoa học Nguyễn Mại nhận định.

Tại hội thảo “M&A thời đại dịch: Lớn mạnh cùng chuỗi giá trị” vừa diễn ra, các chuyên gia kinh tế cho biết, tính chất M&A đã thay đổi từ thôn tính sang hợp tác liên kết hình thành chuỗi. Cụ thể, giai đoạn 2019 - 2021 chỉ có 11% số giao dịch M&A mang tính chất sáp nhập, tức là triệt tiêu một bên. 80% số thương vụ là mua lại (mua cổ phần chiếm tỷ lệ đa số) để kiểm soát, còn lại 9% là liên doanh. Dự báo hoạt động M&A ở Việt Nam sẽ sôi động trở lại từ đầu năm 2022, khi đại dịch cơ bản được kiểm soát.

Theo TÔ HÀ (Nhân Dân)