Khiếu nại đến Báo An Giang, bà Nguyễn Thị Giàu cho biết: “Mẹ con tôi có căn nhà tạm bằng gỗ bạch đàn, sàn lót ván, vách và mái lợp tole, liền kề với nhà bà Lại Thị Kim Phụng. Căn nhà nhỏ tọa lạc gần cầu Lò Gạch, là khu vực khá sầm uất, mua bán được. Do nhà đã xuống cấp, nằm cặp bờ sông bị sạt lở, nên ngày 17-11-2016 bị ngã sập và căn nhà bà Phụng ngã sập theo. Sự cố này xảy ra vô tình, nhưng phía bà Phụng khẳng định do bên nhà tôi gây ra. Đã vậy, phía bà Phụng ngăn cản, không cho gia đình tôi trục vớt tài sản bị mất. Kể từ đó, gia đình bà nhiều lần đến nhà tôi kiếm chuyện, gây khó khăn, đòi phải sửa chữa nhà cho bà, đồng thời hăm dọa đập phá nhà tôi. Gần đây, bà Phụng còn chặn đường, lấy xe Honda của con dâu tôi giao cho Công an xã. Dù sau đó đã được lấy lại tài sản, nhưng sự việc vẫn gây bức xúc cho gia đình tôi. Trước ngày nhà tôi bị ngã sập, 2 cháu trai của bà Phụng tên Thuận Anh, Thuận Em kêu cửa nhà lúc đêm khuya, tôi không mở, nên gây náo loạn, dọa chém chồng tôi và đòi đốt nhà. Tôi đã khởi kiện vụ việc ra tòa án nhờ xem xét, giải quyết nhưng TAND 2 cấp đều xử ép gia đình tôi. Tôi đi khiếu nại, không những không được bồi thường tài sản bị mất, mà còn phải có trách nhiệm bồi thường ngược lại. Đặc biệt, trong nội dung bản án nói con tôi đã rút một phần yêu cầu về bồi thường thiệt hại, nhưng thực tế không như vậy”.
Bà Nguyễn Thị Giàu trình bày vụ việc
Trao đổi với phóng viên, bà Lại Thị Kim Phụng thông tin: “Căn nhà của tôi liền kề, có kết cấu gần giống nhà của bà Giàu. Hai căn nhà đều xây dựng bằng gỗ bạch đàn, đã xuống cấp, ở khu vực dễ bị sạt lở. Khoảng 11 giờ ngày 17-11-2016, ông Trần Thanh Dư tự động cạy ván căn nhà, cưa cây, dọn dẹp, khiêng đồ đạc, nghe nói chuẩn bị xây dựng lại. Tuy nhiên, ông không thông báo cho phía gia đình tôi biết để phòng, chống, bảo vệ tài sản để trong nhà. Trong quá trình dọn dẹp, sửa chữa nhà, có thể ông Dư bất cẩn nên đã xảy ra sự cố, làm sập ngã căn nhà ông. Hậu quả, căn nhà tôi bị liên lụy, hư hại nặng nề, thiệt hại tài sản của tôi đang sử dụng. Tổng cộng số tài sản bị thiệt hại của tôi trên 50 triệu đồng, khó có thể tìm kiếm lại được. Tôi yêu cầu gia đình bà Giàu phải có nghĩa vụ bồi thường số tài sản này. Do họ cứ nói “không có trách nhiệm”, cương quyết không chịu bồi thường, đôi bên nhiều lần xảy ra cự cãi”.
Đại diện UBND xã Lương An Trà thông tin: “Khi xảy ra sự cố sập nhà, chúng tôi cử cán bộ đến hiện trường xem xét, ghi nhận sự việc, ổn định tình hình. Sau sự cố, do 2 phía không thỏa thuận được về cách khắc phục, bồi thường sửa chữa nên đã xảy ra cự cãi nhiều lần, thậm chí có hành vi vi phạm về quyền tài sản của công dân. Chúng tôi đã mời hòa giải, xem xét xử lý vụ việc theo đúng quy định. Tuy nhiên, gia đình bà Giàu không đồng tình và kiện ra TAND. Đến nay, bà vẫn chưa đồng tình, tiếp tục khiếu nại”.
Luật sư Võ Văn Mảo (Đoàn Luật sư tỉnh An Giang, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho gia đình bà Nguyễn Thị Giàu) cho biết: “Không có việc TAND 2 cấp xử ép, tự ý phán quyết như đương sự trình bày. Thực tế, ông Trần Thanh Dư tự nguyện rút một phần yêu cầu về bồi thường thiệt hại và Hội đồng xét xử hôm đó ghi nhận, xem xét, quyết định đúng quy định của pháp luật. Xung quanh vụ việc giữa gia đình bà Giàu và bà Phụng, TAND huyện Tri Tôn xem xét, giải quyết cấp sơ thẩm vào năm 2017. Kết quả, buộc gia đình ông Trần Thanh Dư bồi thường thiệt hại cho gia đình bà Lại Thị Kim Phụng trên 28,6 triệu đồng. Bà Phụng có trách nhiệm bồi thường gần 2,7 triệu đồng do ngăn cản việc trục vớt tài sản của ông Dư. Sau đó, gia đình bà Giàu kháng cáo. Cấp phúc thẩm xem xét giữ nguyên nội dung bản án cấp sơ thẩm, do không có tình tiết mới hoặc quan trọng để xem xét, điều chỉnh. Như vậy, bản án cấp phúc thẩm của TAND tỉnh An Giang đã có hiệu lực pháp luật”.
Bài, ảnh: N.R