Các trò chơi truyền thống được đồng bào người Mông tái hiện tại khu vực chợ vùng cao. Ảnh tư liệu: Trọng Đạt/TTXVN
Đặc biệt, đồng bào các dân tộc sẽ thể hiện nét văn hóa truyền thống với không gian chợ vùng cao, trình diễn dân ca dân vũ, giới thiệu ẩm thực sản vật vùng miền, góp phần quảng bá văn hóa, du lịch của địa phương.
Hoạt động điểm nhấn trong dịp này là Phiên chợ vùng cao vui Tết Độc lập với không gian văn hóa đậm sắc màu các dân tộc vùng Tây Bắc, Đông Bắc, đậm nét chợ vùng cao. Không gian chợ có nét độc đáo của hội xuống chợ, vui chơi gắn với các hoạt động dân ca, dân vũ, trò chơi dân gian, không gian ẩm thực, sản vật với sắc màu đặc trưng của dân tộc Mông, Nùng, Thái, Tày, Dao, Khơ Mú...
Trung tâm của chợ vùng cao là gian hàng của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Sơn La... trưng bày, giới thiệu các sản vật dân tộc, ẩm thực, nét văn hóa - du lịch; trang phục, khăn, vòng tay, đồ lưu niệm thổ cẩm của dân tộc Mông, Thái, Dao, Khơ Mú... Tất cả sẽ tạo nên một không khí nhộn nhịp, hồ hởi, hạnh phúc của đồng bào các dân tộc với Phiên chợ vui Tết Độc lập.
Đặc biệt, đồng bào Nùng đến từ tỉnh Lạng Sơn sẽ giới thiệu đến công chúng nghệ thuật múa sư tử mèo đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể cấp quốc gia năm 2017.
Đây là nét văn hóa truyền thống được hình thành qua nhiều thế hệ và gắn bó lâu đời với đồng bào các dân tộc Tày, Nùng. Hàng năm, khi bước vào các mùa lễ hội như Lồng tồng, mùa Xuân, Tết Trung Thu..., đồng bào Tày, Nùng ở Lạng Sơn lại tưng bừng mở hội múa sư tử mèo. Điệu múa thể hiện tinh thần thượng võ với những động tác múa võ nhanh, uyển chuyển kết hợp với trống. Đồng bào quan niệm, múa sư tử mèo để xua đi những điều xấu nên khuôn mặt mèo càng dữ tợn càng tốt, điệu võ càng mạnh mẽ càng hay.
Giới thiệu nghệ thuật múa sư tử mèo tại không gian chợ góp phần quảng bá di sản văn hóa, tạo không khí vui tươi, phấn khởi, thu hút thiếu niên gợi nhớ về Tết Trung Thu. Du khách sẽ được trải nghiệm làm làm mặt nạ sư tử với các nghệ nhân; thưởng thức chương trình dân ca, dân vũ “Vui Tết Độc lập” mừng đất nước, ca ngợi quê hương, phát huy giá trị bản sắc dân tộc và các trò chơi dân gian.
Lễ cưới của dân tộc Nùng sẽ được tái hiện tại không gian của Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam. Lễ cưới của dân tộc Nùng gồm nhiều thủ tục, lễ nghi khá đặc sắc, trong đó phải kể đến lễ đón dâu. Lễ này phải diễn ra đúng thời gian quy định như đã ước hẹn trong lễ ăn hỏi. Đoàn đón dâu thường là 6 - 8 người hoặc 10 người. Bởi theo quan niệm dân gian của người Nùng, số chẵn là số may mắn (đủ đôi, đủ cặp). Khi xuất hành đến nhà gái, chú rể phải thắp nén hương lên bàn thờ tổ tiên và cúi lạy. Có nơi, sau khi chú rể làm xong các thủ tục đó sẽ bị té nước, bị té nước càng nhiều, càng được nhiều may mắn. Trong lễ đón dâu, ông mối sẽ phải đối đáp bằng lối hát sli với nhà gái để xin rước cô dâu về. Khi đến nhà trai, cô dâu phải đứng ngoài sân làm một số thủ tục rồi mới được vào nhà.
Đồng bào dân tộc Mông tỉnh Cao Bằng tái hiện nghi thức rước ma giữ lửa. Đây là nghi lễ truyền thống lâu đời, mang đậm nét văn hóa riêng biệt trong đời sống của mỗi gia đình, dòng họ người Mông. Họ quan niệm, mỗi dòng họ đều có vị thần giữ lửa riêng nên ngay sau khi kết hôn và dựng nhà mới, người chủ gia đình sẽ chọn ngày lành tháng tốt đưa bàn thờ tổ tiên vào nhà và thực hiện nghi lễ rước thần giữ lửa để vợ chồng hòa thuận và làm ăn gặp nhiều may mắn...
Theo TTXVN