Vun đắp cội nguồn sức mạnh

18/11/2022 - 06:37

 - Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc sắp bước sang tuổi 20 (2003-2023). Trong tuổi “đương xuân thì” ấy, MTTQ đóng vai trò phát huy truyền thống đoàn kết quý báu của dân tộc ta, nhân lên gấp bội tinh thần yêu nước của mọi người Việt Nam, đoàn kết, tập hợp các tầng lớp nhân dân vào một cội nguồn sức mạnh.

Giữ vững khối đại đoàn kết

Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam được thành lập ngày 18/11/1930. Sau 92 năm ra đời và phát triển, MTTQVN do Đảng Cộng sản Việt Nam và Bác Hồ sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện, mang nhiều tên gọi khác nhau, nhưng lòng sắt son hướng về dân tộc, về nhân dân vẫn trọn vẹn như cũ.

Tại An Giang, ngày 20/12/1960, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tỉnh được thành lập tại Ô Lâm - Núi Tô (huyện Tri Tôn). Đến nay, UBMTTQVN tỉnh luôn nghiên cứu đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, có cách làm sáng tạo, linh hoạt, từ đó mang lại hiệu quả. Đó là khối đại đoàn kết toàn dân tộc được giữ vững và phát huy, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. UBMTTQVN các cấp không ngừng nâng cao vai trò phối hợp và thống nhất hành động.

Tết quân - dân. Ảnh: THANH TIẾN

“Các tổ chức thành viên tiếp tục quan tâm chăm lo thiết thực đời sống vật chất và tinh thần của đoàn viên, hội viên; thu hút sự tham gia của các giới, giai tầng trong xã hội vào hoạt động của tổ chức. Các dân tộc phát huy mối quan hệ “bình đẳng, đoàn kết, tương trợ, giúp nhau cùng phát triển”; tín đồ tôn giáo phấn khởi với đường hướng “tốt đời, đẹp đạo”, gắn bó, đồng hành cùng dân tộc.

Nhân dân tích cực tham gia phong trào thi đua, cuộc vận động ngày càng đem lại kết quả thiết thực, đóng góp nhiều nguồn lực, góp phần chăm lo cho người nghèo, an sinh xã hội. Những cố gắng đó của hệ thống MTTQ đóng góp tích cực vào kinh tế - xã hội tỉnh nhà” - Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh An Giang Nguyễn Tiếc Hùng khẳng định.

Đại dịch COVID-19 như cơn bão quét đi tài sản và tính mạng của nhân dân. Nhưng điều lớn lao nhất đọng lại sau “bão” là tình yêu thương, đoàn kết, sẻ chia vô điều kiện của dân tộc Việt Nam. Tính từ năm 2020 đến nay, UBMTTQVN các cấp tiếp nhận trên 153 tỷ đồng của các tổ chức, cá nhân đóng góp vào Quỹ Phòng, chống dịch COVID-19 và hạn hán. Số tiền tiếp nhận đã đến tay người dân bị ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19, cơ sở cách ly tập trung, chốt kiểm soát đang làm nhiệm vụ phòng, chống dịch trên tuyến biên giới và lực lượng tham gia phòng, chống dịch, thậm chí đến với các tỉnh giáp biên (thuộc Campuchia, Lào).

Duy trì và tiếp nối

Hàng năm, nhân Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam (18/11), Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc được thực hiện chu đáo với nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa. Đó là thăm, tặng quà gia đình chính sách, cán bộ lão thành cách mạng, cán bộ MTTQ các thời kỳ và hộ nghèo, gia đình gặp khó khăn tại địa phương…

Bên cạnh đó, tổ chức xây dựng, khánh thành nhà Đại đoàn kết, công trình phúc lợi, công trình dân sinh ở cộng đồng; tổ chức các hoạt động bảo vệ môi trường (trồng và chăm sóc cây xanh, vệ sinh đường làng, ngõ phố, chỉnh trang khu dân cư sạch-đẹp); khen thưởng, biểu dương gia đình tiêu biểu có thành tích xuất sắc trong thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và các phong trào thi đua khác ở địa phương.

Trồng cây xanh, vệ sinh môi trường

Ngày hội là cách thức tuyên truyền, ôn lại truyền thống một cách sinh động nhất, nhằm khẳng định vai trò, vị trí của MTTQVN trong hệ thống chính trị; tôn vinh truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc, quyền làm chủ của nhân dân, sức mạnh của mỗi cộng đồng trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đây là dịp đánh giá kết quả triển khai các mặt công tác của mặt trận, nhất là việc triển khai cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước ở khóm, ấp; động viên nhân dân phát huy truyền thống đoàn kết, gắn bó thắt chặt tình làng, nghĩa xóm trong thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; biểu dương, khen thưởng tập thể, gia đình và cá nhân tiêu biểu xây dựng khối đại đoàn kết ở khóm, ấp trong năm.

Ngày hội được chia thành 2 phần. Ngoài phần lễ (tổ chức họp mặt), nhiều nơi còn tổ chức trò chơi dân gian, văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao, sinh hoạt văn hóa cộng đồng; chú trọng phát huy nét văn hóa truyền thống của dân tộc, của địa phương tạo khí thế sôi nổi trong ngày hội; vận động nhân dân dọn dẹp, tổng vệ sinh tuyến đường, khu dân cư và treo cờ trong ngày 18/11.

“Để tạo không khí đoàn kết, ấm cúng, nhiều nơi tổ chức “Bữa cơm đoàn kết” phù hợp với điều kiện của khóm, ấp. Đặc biệt, theo hướng dẫn của tỉnh, TP. Long Xuyên đang triển khai kế hoạch tổng kết 20 năm tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo điểm nhấn tích cực hướng tới chào mừng Đại hội MTTQVN các cấp nhiệm kỳ 2024-2029. Kết quả tổng kết 20 năm giúp Ban Thường trực UBMTTQVN thành phố và phường, xã có đánh giá khách quan, đề ra giải pháp nhằm đổi mới nội dung, phương thức tổ chức ngày hội phù hợp trong giai đoạn mới” - Chủ tịch UBMTTQVN TP. Long Xuyên Nguyễn Thanh Quang thông tin.

Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc sẽ được tổ chức rộn ràng vào tháng 11 hàng năm, nhắc nhở trách nhiệm của mỗi người dân về bài học đoàn kết, tạo nên nguồn sức mạnh chung, to lớn của cả cộng đồng, tích cóp từng viên gạch xây dựng quê hương, đất nước.

Lễ trao giải báo chí “Vì sự nghiệp Đại đoàn kết toàn dân tộc” lần thứ XV mở đầu cho hàng loạt hoạt động thiết thực hướng tới kỷ niệm 92 năm Ngày thành lập Mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam, thu hút hơn 2.000 tác phẩm dự thi. Phóng sự ảnh “Tìm đồng đội ở xứ người” (Báo An Giang) đoạt giải khuyến khích. Tại buổi lễ, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQVN Lê Tiến Châu mong muốn các nhà báo tiếp tục đồng hành cùng mặt trận, cùng giữ gìn, củng cố, phát huy, khơi nguồn sức mạnh để tạo động lực có ý nghĩa quyết định, bảo đảm thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam

 

 

GIA KHÁNH