Năm đó, nghĩa là cách nay hơn nửa thế kỷ, ông nội tôi bước lên tuổi năm mươi, thời ấy có thể coi như đã già rồi. Nhưng riêng ông còn tráng kiện lắm. Ông thường rất tự tin nói với chúng tôi rằng: “Tao còn phải sống ba mươi năm nữa, khi nào chú thím Huân mày có con tao mới chịu cho ông trời bắt về hầu hạ ông bà”.
Chú Huân tôi đang học lớp đệ ngũ trên trường huyện, tương đương với lớp sáu bây giờ. Vậy mà bòn cả xã mới được dăm người, trong đó phái nữ độc nhất một người là cô Xoan con út ông lang Kính nhà ở xóm dưới. Cô Xoan vào loại xinh gái nhất làng, lại là con nhà gia giáo nên nhiều ông bà trong xã muốn nhòm ngó cho con trai mình lắm. Nhưng hình như cô đã chọn chú Huân tôi làm ý trung nhân rồi. Ấy là theo con mắt trẻ thơ tôi nhìn vậy.
Trường huyện cách xa nhà gần mười cây số. Sáng nào đi học cô chú cũng đợi nhau cùng sánh bước từ lúc con đường làng còn tối om om. Dưới chân họ chỉ nhìn thấy màu đất trắng nhờ lượn giữa hai rặng tre cành lá rậm rì. Và trùm trên đầu họ là những ngọn tre cong cong xõa xượi gục lên vai nhau âu yếm dập dờn. Tít trên tầng cao vẫn còn vô số những vì sao nhợt nhạt như ngái ngủ. Ông trời đã nhô lên rửa mặt phía chân sông mà chúng vẫn chưa chịu ẩn vào thiên giới cho mây tối bừng lên tươi sắc phớt hồng. Hình như tinh tú cũng tò mò cố tình nán lại nhìn trộm đôi uyên ương đang say đắm hương đồng gió nội, say đắm hương tình. Và hình như ông tôi có ý vui ra mặt khi đoán chừng hai người ấy có ý thương nhau. Nên mỗi sớm ra mở khóa cho chú tôi nôn nóng bước qua hai cánh cổng sau vài tiếng gọi nho nhỏ thanh thanh của cô Xoan, ông thường đứng nhìn hai cái bóng khuất dần trong màn sương mờ lạnh rồi mới quay vào nhà ngồi trên chiếc tràng kỷ có từ thời cụ tôi còn dạy học. Rồi ông kéo một điếu thuốc lào kêu như pháo nổ, miệng bụm lại phun ra từ từ một làn khói mỏng mơ màng. Có lẽ đấy là giây phút ông khoan khoái nhất trong ngày. Bao nhiêu năm sau tôi vẫn luôn ghi đậm trong ký ức trẻ thơ đôi mắt ông có ánh hấp háy cười và lim dim nhìn theo làn khói thuốc màu trắng sữa đang nhè nhẹ bay ra phía cửa mỗi sáng yên hàn ngày xưa cũ.
Đúng năm tôi lên sáu, đến tuổi phải đi học lớp đồng ấu trường làng, cũng là cái mốc đáng ghi nhớ của gia đình tôi. Ấy là trong bữa cỗ giỗ ông cụ cố, ông tôi tuyên bố với cả họ hàng rằng ông sẽ dành ra một nửa vườn để trồng xoan, để mười năm nữa có đủ gỗ dựng cho chú tôi một nếp nhà cưới vợ. Nói rồi ông bắt tay làm thật. Một nửa vườn phía sát ngoài đường làng đang tươi tốt mấy hàng na năm nào cũng cho nhà tôi bao nhiêu là trái to bằng cái bát ăn cơm. Vậy mà sau vài buổi chặt phá cật lực, ông tôi dọn sạch. Thay vào đấy, ông trồng hai dãy xoan đào hơn ba mươi cây thẳng hàng cặp theo mé đường làng. Bà tôi tiếc những gốc na vẫn cho bà đồng ra đồng vào khi mùa trái chín, cứ cằn nhằn ông tôi trái tính trái nết mất rồi. Năm tôi lên lớp ba thì rặng xoan cũng được tròn ba tuổi. Thân cây nào cây ấy thẳng băng và to đều tăm tắp cỡ bắp cày, các tầng lá chen nhau bóng mỡ một màu xanh đậm. Nhiều ngọn xoan đã vươn khỏi mái nhà là điểm đón nhận đầu tiên những vạt nắng bình minh, trông như những chiếc ô vàng lóng lánh che trên đầu các nàng công chúa trong cổ tích. Những chiều thư thả ông tôi thường một mình thích thú đi dạo giữa hai hàng xoan, lúc lúc lại dừng bước dùng hai bàn tay lão nông thô ráp trìu mến vuốt ve những thân cây đang kỳ căng nhựa. Chắc lúc ấy lòng ông tràn đầy mãn nguyện nghĩ đến một ngày sẽ tới, tự tay mình được đốn hạ cả vườn xoan rồi ngâm kỹ để tiến hành khởi công dựng nhà cho vợ chồng chú Huân tôi. Có lần cao hứng ông còn chỉ từng cây rồi rành rẽ nói với tôi cây nào làm cột, cây nào làm xà và những cây còn lại thì dùng làm bẩy làm kèo. “Sẽ là một nếp nhà năm gian toàn bằng gỗ xoan hồng tâm sáng bóng đẹp nhất làng cháu ạ”. Đó là câu ông nhiều lần khoan khoái thốt ra với tôi như là một khẳng định tâm huyết của cả đời mình.
Đó là vào mùa xuân, mùa hè khi làng quê tôi còn tạm thời êm ả, chiến sự chưa lan đến, nên nhà tôi còn có được tạm thời những ngày vui vẻ đoàn viên. Vườn xoan ngày ngày mơn mởn lớn lên trông thấy. Vào khoảng cuối tháng hai sang đầu tháng ba hàng năm là lúc đầu những cành xoan đùn ra vô số nụ li ti, rồi chẳng biết lúc nào, từng chùm hoa tím ngát nở bùng ra lẫn vào những tán lá non tơ láng ướt. Hàng tháng liền, vườn xoan nhà tôi lúc nào cũng ngào ngạt mùi hương hoa xoan dìu dịu. Những đêm trời nổi gió xuân, hương thơm đưa xa ngan ngát đầy khắp mấy gian nhà, càng về khuya càng sực nức. Cứ thấy hoa xoan rụng đầy lối đi là tiết trời chuyển sang rét ngọt và lây phây tí chút mưa phùn. Bà tôi dịp ấy bận bịu việc gì cũng tranh thủ ra chợ Xanh mua bằng được mấy giỏ cáy rồi về hì hục giã giã ủ ủ làm nước chấm dùng cho cả năm. Bà bảo cáy đang mùa hoa xoan mới béo mẩy và cho mắm có mùi thơm đặc biệt không mùa nào sánh được. Khi những cành xoan treo lúc lỉu những trái xanh tròn nho nhỏ thì đó là điềm báo hiệu kỳ nghỉ hè sắp tới. Đó là những ngày vui của tuổi thơ tôi náo nức đợi chờ mỗi sáng sáng, trưa trưa từng đàn đông vô kể chim di, chim vành khuyên ở đâu kéo về bất ngờ sà xuống khắp vườn cây rồi lại vô cớ bất ngờ bay đi vùn vụt. Một thoáng chúng lại trở về nhẹ nhàng đáp xuống như một đám khói vàng nhạt tự trời cao rập ràng vương trên những ngọn xoan xanh biếc. Tiếng chúng kêu ríu rít cùng tiếng lá xạc xào nghe vui tai như một khúc nhạc đồng quê êm dịu. Nếu như thỉnh thoảng từ rất xa đâu đó không vọng về tiếng đại bác ì ầm thì khung cảnh làng tôi thuở ấy thực sự thanh bình, thực sự chan hòa hạnh phúc biết bao nhiêu.
Tôi biết mùa hè năm ấy chú Huân tôi và cô Xoan chính thức hẹn hò giao ước với nhau. Hai người đã có nhiều canh khuya thầm thì tình tự trong vườn xoan sau nhà. Tới tận khi sương đêm thấm ướt mái đầu, chú tôi mới khẽ mở cửa phòng ngủ chui vào kéo chăn trùm kín đầu hai chú cháu. Khi cao hứng chú còn huých huých cùi chỏ làm hông tôi đau điếng rồi háo hức thì thầm: “Mày có thích cô Xoan về làm thím dâu không?”. Thực tình lúc ấy tôi chỉ thích ngủ vùi. Tôi nhớ cuối hè năm ấy, hai gia đình chính thức làm lễ ăn hỏi cho cô chú. Nếu yên hàn thì chỉ còn chờ dăm năm nữa vườn xoan đủ tuổi có thể đốn gỗ làm nhà và chú cô cùng học xong tú tài là chú tôi sẽ được mãn nguyện ước mơ đưa nàng về dinh. Nhưng mà làng tôi lúc ấy không khí chiến sự đã nóng bỏng lắm rồi. Lác đác đã có những trận càn nhỏ tụi Pháp xua quân vào làng bắt gà bắt vịt. Đã có một số thanh niên bị bắt đi lính dõng. Thấy tình thế bất an, ông tôi bí mật gửi chú Huân tôi ra vùng tự do khu Bốn học tiếp lớp trên. Cô Xoan phận gái phải bỏ dở lớp đệ ngũ để về nhà phụ giúp việc đồng áng. Khỏi phải nói tâm trạng chú cô tôi lúc ấy buồn bã thế nào. Đêm chia tay của hai người diễn ra dưới những tán xoan đang độ phơi phới lá cành xanh mởn. Tôi nghĩ những ngày sắp tới họ sẽ phải khổ sở vì diết da nhớ thương nhau đến cháy ruột cháy gan. Gà hàng xóm cất tiếng gáy giục giã mấy lần chú tôi mới chịu vào nhà. Đã chui lút đầu trong chăn rồi mà chú đâu có ngủ. Nằm bên, tôi nghe chú thở dài trằn trọc suốt. Rồi sáng hôm sau chú lặng lẽ ra đi. Tôi không ngờ đó là đêm cuối cùng hai chú cháu tôi được ngủ cùng nhau. Và chú cũng chẳng ngờ đó là lần chú ra đi vĩnh viễn. Và cả cô Xoan cũng đâu có ngờ mình sẽ phải suốt đời cạn khô nước mắt khóc thương chú tôi, khóc thương cho mối tình đầu ly biệt. Rồi tai họa bất thần đổ xuống nhà tôi.
Vào một buổi sáng đầu tháng ba năm sau, trời đang đổ mưa phùn lướt mướt, gió may tuy cuối mùa nhưng còn đầy buốt giá không ngừng gào trên những ngọn xoan vừa mọc rậm lá non, hoa xoan đã tím trên những đầu cành đeo long lanh nhiều giọt nước như lệ những nguời thân than khóc tiễn đưa nhau. Giặc Pháp bất ngờ càn vào làng. Ông tôi năm ấy tuy mới ngoài năm mươi tuổi, cũng phải theo thời nuôi một bộ râu chống càn như hầu hết các ông trung niên thuở ấy. Chưa lão cũng cố tỏ cho mình vẻ lão. Để cho Pháp khỏi bắt lính, bắt phu. Nhưng râu ông tôi đen nhánh. Râu cằm thì ít, râu môi trên lại rất dày và cong vểnh ra hai bên mép. Trông ông càng ra dáng quắc thước ngang tàng chứ chẳng có vẻ gì già lão hom hem. Trận càn ấy chúng tập hợp hết dân làng ra đình rồi tuyên bố lập tề và tìm người cam tâm quỳ gối đi theo chúng nó. Thấy dáng vẻ quắc thước của ông tôi, chúng chỉ định ông phải đứng ra đứng đầu xã ủy hội tề. Ông tôi khẳng khái chống đến cùng, nhất định thà chết chứ quyết không làm tay sai cho giặc. Không khuất phục được, giặc Pháp lôi ông tôi ra đường làng, đẩy vào vườn xoan nhà tôi rồi xả súng bắn ông nhiều phát xuyên qua ngực. Ông tôi ngã sấp mặt trên đất vườn nhà, trước mắt bà cháu tôi và cả dân làng kêu than thảm thiết. Chiều chúng rút về đồn, dân làng vực ông tôi dậy. Hai cánh tay ông cứ khư khư trong tư thế vòng ôm chặt cứng một gốc xoan tơ. Bác cả tôi vừa khóc vừa mếu máo khấn vái hồi lâu mới gỡ được mười ngón tay ông ra khỏi gốc cây. Từ giây phút linh thiêng ấy, cả đời tôi đã ghi khắc trong tim vòng tay gân guốc ấy, bàn tay với mười ngón cứng như sắt ấy đã từng mềm mại ôm ấp vỗ về tôi, đã kiên cường một đời bám vào đất làng để sống đời tử tế, sống đúng với tính cách nho phong gia đình tôi vẫn đời nối đời trau giũa luyện rèn. Khi đã đặt thi hài vào quan tài rồi mà hai mắt ông vẫn mở trừng trừng, bác tôi vuốt mãi không được. Bà tôi dùng cả hai bàn tay ủ lên đôi mắt ông rồi phủ phục ôm lấy áo quan mà khóc. Lúc sau như có phép màu, từ trong khóe mắt ông rịn ra hai dòng lệ đục chảy tràn qua kẽ tay bà tôi. Sau mấy cái vuốt nhẹ của bà, hai mi mắt ông từ từ khép lại. Bất chấp thân thể bị nát bươm, vẻ mặt ông tôi giây phút ấy trở nên thanh thản lạ thường. Lúc ấy chẳng ai nỡ đậy lại nắp quan tài. Ai lại nỡ chôn đi một ông già đang ngon giấc ngủ trưa. Vì có tin đồn ngày mai địch lại càn quét sớm, nên ngay đêm ấy đông đủ dân làng cùng gia đình tôi tổ chức lễ tang đưa ông tôi về an nghỉ tại phần mộ họ tộc ở khu đồng giữa. Chắc chắn lúc sinh thời chưa khi nào ông nghĩ khi qua đời, đám ma mình lại phải cử hành vội vã vào một đêm âm thầm không trống không kèn. Và chắc ông cũng không dám nghĩ lúc mình nằm xuống lại được toàn thể dân làng đưa tiễn khóc thương thảm thiết và kính phục như một vị anh hùng đã hy sinh lẫm liệt trước quân thù như vậy.
Mấy ngày sau, tin dữ mới đến được với chú Huân tôi. Vì sự đi lại giữa khu tự do và vùng tề khó khăn nguy hiểm quá, bà tôi không cho chú Huân về nhà chịu tang cha. Sau đó vài tháng chú tôi gửi thư về qua một người tin cẩn xin bà tôi và bác cả cho phép chú bỏ học để gia nhập Vệ quốc đoàn. Cô Xoan cũng nhận được một lá thư của chú. Chẳng biết trong thư nói gì, chỉ thấy hàng ngày cô chăm lên chơi với bà tôi, làm giúp bà tôi khi xay cối lúa, lúc vớt rổ bèo cho ổ lợn sề, y như một nàng dâu hiền nhà tôi vậy. Tôi tuy lúc ấy còn bé nhỏ nhưng cũng nhận thấy dạo này cô như một người khác, ánh mắt thường thảng thốt hướng đến những đâu đâu với một kiểu nhìn khi xa vắng, lúc buồn buồn. Bao nhiêu nhí nhảnh ngây thơ thôn nữ ngày nào giờ mất hẳn. Thời kỳ ấy, làng tôi chưa khi nào Pháp chiếm được theo đúng như chúng muốn. Tình thế cứ đêm Việt minh, ngày tề dõng nhập nhằng cho tới sau chiến thắng Điện Biên. Một nửa nước được hưởng hòa bình độc lập. Khỏi phải kể dân làng tôi sung sướng như thế nào. Nhưng nhà tôi, chú Huân tôi không bao giờ về nữa. Chú nằm lại giữa Nghĩa trang liệt sĩ Điện Biên. Trên vách tường gian giữa nhà tôi từ đấy có treo thêm tấm bằng Tổ quốc ghi công. Bà tôi trở thành mẹ liệt sĩ khi chưa đến sáu mươi mà mái tóc đã trắng phau chẳng biết tự khi nào. Cô Xoan từ năm ấy đau đớn âm thầm để tang chú tôi vĩnh viễn giữa cõi lòng thanh tân mấy tháng trước đây từng ấp ủ bao nhiêu là mộng đẹp.
Khi các trường học được mở lại, cô Xoan nén buồn đi học tiếp. Có một sự đổi thay là cũng con đường ấy nhưng bây giờ hàng ngày chỉ có mình cô lùi lũi đi về một bóng đơn côi. Bước cô đi không còn hăm hở nữa. Và đôi vai cô ngày xưa chú tôi thường không tiếc lời ca tụng đẹp như vai thánh nữ trong tranh thờ tôn giáo, mà bây giờ thu vào xo ro bé nhỏ thế nào cũng không tránh được cái rét mướt lạnh lùng giữa rênh rang trời đất mỗi sớm thu sương. Tốt nghiệp phổ thông, cô học tiếp sư phạm rồi đi dạy học trên huyện. Những ngày chủ nhật, cô vẫn chăm sang nhà tôi. Bà tôi và cô rủ rỉ suốt đêm như hai mẹ con. Nhiều đêm mùa Đông bà tôi bắt gặp cô thơ thẩn giữa vườn xoan. Giá rét sương đông tê tái là thế, tội nghiệp thay những cây xoan không còn lá xanh che phủ đứng trơ trụi thân cành. Tâm hồn trống trải của cô và thân những cây xoan đang trống trải trước gió đông kia, ai giá lạnh hơn? Những đêm như vậy bà tôi thường thắp nhang lên ban thờ ông tôi và chú Huân rồi đứng ngồi than thở một mình: “Tội nghiệp các con tôi”. Tôi biết nhiều lần bà tôi khuyên cô nên xây dựng gia đình. Mãi mấy năm sau cô mới chịu nghe lời.
Một chiều cuối năm dầm mình trong mưa phùn cùng gió bấc căm căm rét, cô sang nhà tôi nức nở xin phép bà thắp hương trước ban thờ ông tôi và chú Huân. Rồi cứ vậy cô đứng ôm lấy bà tôi mà khóc không thể cất nên lời. Bà tôi phải thay cô cũng vừa khóc vừa nghẹn ngào đứt quãng khấn lời từ tạ, xin phép ông và chú tôi cho cô được gá nghĩa cùng người. Cuối xuân năm sau ông bà lang Kính làm lễ cho cô vu quy. Tôi cũng có mặt trong đoàn đưa cô về nhà chồng bên kia sông Cái. Đoàn đưa dâu chậm rãi qua cổng nhà tôi. Cô dâu bịn rịn dịch chuyển nặng nề từng bước ngắn dưới bóng hàng xoan bây giờ đã vào tuổi lão nhưng hoa tím vẫn còn rung rinh chíu chít trên cành. Bỗng nhiên có một làn gió thoảng qua nghe như một tiếng thở dài từ đâu xa vắng lắm khiến bao nhiêu là hoa tím rụng như trút đậu lên nón cô dâu, bám chặt vào hai vai áo cưới. Cô Xoan thẫn thờ ngước đôi mắt buồn rười rượi nhìn lên. Trên cao những cành xoan rùng mình phe phẩy những cánh tay đưa tiễn cùng với bao nhiêu là những chiếc lá xanh xanh đồng loạt rì rào tấu lên những lời chúc phúc chắc chỉ mình cô mơ hồ cảm được. Tôi đi sát sau cô, cũng mơ hồ cảm nhận có một sự linh thiêng thần thánh nào đó vừa xảy ra. Những đốm hoa xoan tím cứ bám chặt trên người cô dâu chẳng chịu rơi xuống đất. Từ đây cô sẽ mang chúng về nhà chồng. Sẽ suốt đời sống hư ảo với mùi hương hoa xoan ngan ngát ấy. Sẽ suốt đời man mác buồn mỗi chiều thu đăm đăm ngó về quê nhà xa cách phía bên sông.
Người xưng tôi kể chuyện này, ngày ấy là một thằng bé con. Bây giờ đã là một ông lão ngót bảy mươi rồi. Ông lão ấy đã ba mươi năm xa quê biệt xứ. Cách đây vài năm mới có dịp tìm về quê cũ. Mỗi bước đi trên đường làng lòng tôi mỗi dâng đầy bao kỷ niệm bồi hồi xúc động. Những cây xoan tâm huyết một đời của ông tôi xưa giờ này đang ấp iu che chở cho hạnh phúc lứa đôi nào! Mảnh vườn đã bao đời gia tộc tôi thừa kế giờ đã là sở hữu của người ta. Cả sự hiện diện của tôi ở chốn này giờ cũng như người xa lạ. May lắm còn trong ký ức nhớ quên mờ nhạt của mấy người già. Cũng trong một chiều của chuyến hành hương u buồn ấy, tôi gặp lại cô Xoan của chú tôi xưa ngay cạnh cái nơi từng tươi tốt một vườn xoan xưa. Bây giờ tưởng lại chỉ thêm nặng trĩu nỗi đau buồn se sắt. Cô dắt theo thằng cháu ngoại cỡ tuổi tôi thuở ấy. Trên đầu cô chít một vành khăn tang. Cô nói chồng cô mới mất. Cô đã vào tuổi lão lâu rồi. Đôi vai nữ thánh của cô dường như sụm xuống bởi gánh nặng cuộc đời. Chỉ còn ánh mắt cô là còn của ngày xưa. Trong đó tôi đọc thấy cứ ánh lên thắm thiết một vườn xoan xưa mãi xanh rờn lãng mạn.
Ôi! Vườn xoan bất tử của chúng tôi. Vườn ký ức bất chấp biển dâu thay đổi, bất chấp năm tháng gầy mòn. Bây giờ đây chỉ còn là miếng đất trống hoác vô hồn dưới chân cô cháu chúng tôi. Cô cười buồn nhận xét tôi hao hao giống chú Huân tôi. Tôi cũng nói cô vẫn là cô Xoan của vườn xoan ngày cũ. Dường như quanh quẩn bên chúng tôi đang bảng lảng thơm thơm một mùi hương hoa gì quen thuộc lắm. Có phải là mùi những bông hoa xoan tím ngát đã bám vào nón, vào vai cô trong cái trưa cuối xuân tôi buồn bã đưa cô về nhà chồng năm ấy? Có phải hồn ông nội tôi và chú Huân tôi đang phảng phất tìm về?
Chú Huân tôi mãi mãi là người tình rất trẻ. Và cô Xoan ơi, cô cháu mình mới đó mà đã sắp xong một kiếp người.
Theo V.T.K (Báo Tây Ninh)