Nâng cao sức khỏe, chiến thắng dịch bệnh
Điều mà ai cũng làm trong những qua là cập nhật thường xuyên số liệu về số người nhiễm mới, số cas tử vong, số quốc gia và vùng lãnh thổ bị lây nhiễm dịch bệnh Covid-19. Trong các quán cà phê, nơi làm việc hay bất kỳ cuộc gặp gỡ chuyện trò nào, đề tài “nóng bỏng” mà ai cũng nhắc đến là tình hình dịch bệnh Covid-19.
Cứ ngỡ rằng Việt Nam chỉ có 16 cas dương tính với Covid-19 đã được điều trị khỏi thì người dân cả nước có thể tạm yên tâm, thở phào nhẹ nhỏm. Vậy mà đêm 6-3, thông tin về bệnh nhân số 17 dương tính với Covid-19 đã làm cho người dân cả nước bàng hoàng.
Cả cộng đồng mạng “dậy sóng” với nhiều cảm xúc thất vọng, oán trách về sự thiếu ý thức của người phụ nữ đi nước ngoài về khai báo y tế không trung thực, làm cho mọi nỗ lực phòng, chống dịch bệnh của cả hệ thống chính trị, các cấp, ngành đều phải quay về “con số 0”.
Một tài khoản trên mạng xã hội facebook T.C.H cho rằng: “Nhiều người lên án, phê phán bệnh nhân số 17 là đúng nhưng nhìn kỹ là thể hiện một điều dường như cả cộng đồng đang “stress” nặng, khủng hoảng với thông tin, con số cập nhật mỗi ngày vì dịch bệnh, điều đó hình thành nỗi sợ hãi nghiêm trọng, nỗi lo lắng về sức khỏe và tính mạng càng nhiều hơn”.
Sau đó, con số bệnh nhân dương tính với Covid-19 ngày càng nhiều hơn (có 68 người nhiễm bệnh tính đến ngày 18-3) làm cho nhiều người càng lo lắng hơn.
Người dân thường xuyên cập nhật tin tức về thông tin bệnh nhân, các trường hợp liên quan, có tiếp xúc với bệnh nhân được cách ly như thế nào trên các kênh truyền hình, báo chí chính thống để xem dịch bệnh đã lây lan đến đâu để tự nâng cao ý thức phòng tránh.
Là giáo viên mầm non, cô N.N.K (phường Mỹ Xuyên, TP. Long Xuyên, An Giang) thường xuyên cập nhật tình hình dịch bệnh và thông báo mới nhất từ ngành giáo dục và đào tạo để biết bao giờ trẻ được đi học trở lại và lên kế hoạch làm việc.
Thế nhưng, thời gian gần đây cô K. vô cùng hoang mang khi nghe thông tin một doanh nhân An Giang đi cùng chuyến bay với bệnh nhân số 34 đang được theo dõi sức khỏe. Kết quả xét nghiệm người này âm tính với Covid-19 làm cho cô K. vô cùng nhẹ nhõm.
Tương tự, một số người dân lo lắng khi nghe tin đồn thất thiệt, trong số những người trở về từ nước ngoài đang được cách ly tại Trường Quân sự tỉnh đã có người nhiễm Covid-19. Chính vì các thông tin bịa đặt này lan truyền nhanh chóng trên mạng xã hội nên gây bất ổn về tâm lý, khiến nhiều người mua hàng hóa về tích trữ trong nhà.
Kể từ khi Tổ chức y tế thế giới (WHO) công bố dịch bệnh Covid-19 là đại dịch toàn cầu vì hiện nay đã lan nhanh sang 162 quốc gia, vùng lãnh thổ, làm gần 200.000 người mắc bệnh, gần 8.000 tử vong (cập nhật ngày 18-3) và tính chất nguy hiểm, phức tạp của dịch bệnh thì công tác phòng, chống dịch bệnh của Việt Nam đã bước sang giai đoạn mới.
Trong lúc này, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm, quyết liệt các chỉ đạo của Ban Bí thư, các chỉ thị, công điện của Thủ tướng Chính phủ; chuẩn bị tốt nhất, sẵn sàng cho mọi tình huống; tiếp tục quán triệt tinh thần “Chống dịch như chống giặc”, sẵn sàng hy sinh lợi ích kinh tế để bảo vệ tốt nhất sức khỏe và tính mạng của nhân dân.
Trước sự nỗ lực và hành động quyết liệt của cả hệ thống chính trị, là một công dân tốt không có lý do gì để mọi người không có niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng và nhà nước.
Lúc này, thay vì rơi vào tâm lý lo sợ, căng thẳng, mọi người cần nâng cao ý thức hợp tác với các ngành, các cấp để công tác phòng, chống dịch bệnh ngày càng tốt hơn như: tự giác khai báo y tế khi đi từ vùng dịch về, thực hiện nghiêm việc cách ly tập trung hay cách ly tại nhà, đeo khẩu trang khi đến nơi công cộng, thường xuyên rửa tay, giữ gìn vệ sinh nhà cửa, cá nhân sạch sẽ và không tin vào tin giả, không tích trữ thực phẩm…
Chị Ngô Thùy Dung (Trưởng ban Chăm sóc sức khỏe, Hội Chữ thập đỏ tỉnh) chia sẻ: “trước dịch bệnh, ai ai cũng hoang mang nhưng có những lý do khiến chúng ta hoàn toàn tin rằng Việt Nam có thể chiến thắng.
Đó là Chính phủ đang có những chỉ đạo đúng đắn, quyết liệt trong phòng, chống dịch bệnh. Việc hiểu biết chính xác về con đường lây truyền của dịch bệnh sẽ giúp chúng ta phòng ngừa tốt hơn. Mỗi người hãy tự ý thức, bình tĩnh, tin tưởng sự chỉ đạo của Chính phủ, góp phần tạo nên sức mạnh đoàn kết toàn dân đánh bại dịch bệnh”.
Và để niềm tin và sự lạc quan được lan tỏa trong cộng đồng, chị Dung đã cùng các đồng nghiệp dàn dựng lại vũ điệu “Ghen Cô Vy” do Bộ Y tế chỉ đạo thực hiện nhằm chia sẻ rộng thêm trên cộng đồng mạng, giúp giải tỏa tâm lý, căng thẳng của người dân trong đại dịch.
Bài, ảnh: NGỌC GIANG