WHO kêu gọi các nước cố gắng gấp đôi chống đại dịch Covid-19

13/03/2020 - 14:36

Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus kêu gọi tất cả các nước trên thế giới cần cố gắng gấp đôi, thay vì từ bỏ các nỗ lực trong cuộc chiến chống Covid -19.

Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus (Ảnh: Reuters) 

Thông điệp này được người đứng đầu WHO đưa ra ngày 12-3 ngay sau khi tổ chức này chính thức tuyên bố COVID-19 là đại dịch.

Phát biểu trong cuộc họp báo cùng ngày, ông Ghebreyesus nhấn mạnh, việc coi Covid-19 là một đại dịch không có nghĩa các quốc gia buông xuôi, từ bỏ cuộc chiến nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan, mà thay vào đó, các nước cần cố gắng gấp đôi. WHO khẳng định đây là một đại dịch có thể kiểm soát được và kêu gọi mọi quốc gia cần tăng hơn nữa nỗ lực chống lại đại dịch này.

Theo sự lý giải của ông Ghebreyesus thì việc WHO tuyên bố sự bùng phát của Covid-19 là một đại dịch được thực hiện dựa trên hai nguyên nhân chính bao gồm: Tốc độ, quy mô của sự lây lan dịch bệnh và sự thiếu vắng cam kết chính trị từ một số nước để kiểm soát dịch bệnh.

“Ngay cả khi đã đưa ra những lời cảnh báo thường xuyên, chúng tôi vẫn quan ngại sâu sắc khi mà một số nước không tiếp cận mối đe dọa này ở mức độ cam kết chính trị cần thiết để kiểm soát dịch bệnh…Đây là một đại dịch có thể kiểm soát…Tất cả các nước trên thế giới cần cân bằng tốt giữa vấn đề bảo vệ sức khỏe, ngăn chặn sự gián đoạn kinh tế-xã hội và tôn trọng nhân quyền” – ông Ghebreyesus nói.

Trong thông điệp phát đi cùng ngày, người đứng đầu WHO cũng lên tiếng kêu gọi tất cả các quốc gia theo đuổi một cách tiếp cận toàn diện, phù hợp với hoàn cảnh của mỗi nước. Trong đó, việc ngăn chặn dịch bệnh vẫn đóng vai trò là trụ cột chính.

Cụ thể, ông Ghebreyesus đã nhắc lại một chiến lược gồm 4 giai đoạn để chống lại đại dịch COVID-19 như sau:

Thứ nhất: Chuẩn bị tâm thế sẵn sàng.

Hiện vẫn còn 77 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới mà dịch bệnh chưa lây lan tới. Trong khi đó, 55 quốc gia và vùng lãnh thổ khác mới chỉ ghi nhận 10 ca nhiễm Covid-19, thậm chí là còn ít hơn. Tất cả các nước ghi nhận các trường hợp nhiễm Covid-19 đều có những khu vực chưa bị ảnh hưởng. Điều này đã mở ra cơ hội để chúng ta có thể giữ vững tình hình và chuẩn bị nhân lực cùng các cơ sở y tế ứng phó.

Thứ hai: Phát hiện, phòng ngừa và điều trị.

Việc chống lại virus đòi hỏi có sự giám sát mạnh mẽ để tìm kiếm, cách ly, kiểm tra và điều trị mọi trường hợp nhiễm bệnh, từ đó có thể phá vỡ chuỗi lây lan của virus.

Thứ ba: Giảm thiểu và chặn đứng các ca nhiễm.

Việc lây nhiễm bệnh dịch phải được giảm bớt để bảo toàn mạng sống con người. Điều này có nghĩa rằng, việc tìm kiếm và cách ly các trường hợp nhiễm bệnh cũng như việc cách ly những người tiếp xúc gần nhất với những trường hợp nhiễm bệnh cần được thực hiện ở mức độ tối đa. Ngay cả khi việc truyền bệnh không thể được ngăn chặn, thì ít nhất, các biện pháp này có thể làm chậm lại tốc độ lây lan của dịch bệnh nhằm bảo vệ các cơ sở y tế, người già và các khu vực quan trọng khác. Tuy nhiên, phương án này chỉ khả thi nếu như tất cả các trường hợp nghi nhiễm đều được xét nghiệm.

Thứ tư: Đổi mới và cải thiện.

Đại dịch gây nên bởi một chủng virus mới và trong một tình huống mới. Thế giới đang nghiên cứu và cần phải tìm ra những cách thức mới để ngăn ngừa sự lây nhiễm, bảo vệ cuộc sống con người cũng như giảm thiểu tác động của dịch bệnh. Tất cả các quốc gia đều có những bài học để chia sẻ.

Số các trường hợp bị lây nhiễm và tử vong vì COVID-19 tiếp tục gia tăng trên phạm vi toàn thế giới

Đại dịch Covid-19 đang lây lan với tốc độ nhanh chóng. (Ảnh: shropshirestar.com)

Theo số liệu thống kê mới nhất, tính đến tối  ngày 12-3, tổng số trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 trên toàn thế giới đã lên tới 129.641 ca và 4.749 ca tử vong. Dịch bệnh đã xuất hiện và lây lan tại 125 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Tại Hàn Quốc: Trong ngày 12-3, Cơ quan Quản lý và Phòng chống Dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC)  cho biết tổng số ca mắc Covid-19 tại nước này tăng thêm 114 ca lên 7.869  ca; số ca tử vong tăng thêm 6 ca lên 66 ca, trong khi số ca hồi phục là 333.

Tại Italy, sau khi chính quyền nước này thông báo lệnh phong tỏa trên cả nước, sự lây lan của dịch bệnh vẫn chưa thuyên giảm. Theo số liệu thống kê chính thức, trong ngày 12-3, số ca nhiễm mới ở quốc gia tâm dịch tại châu Âu này đã tăng thêm hơn 2.651 người, nâng tổng số người nhiễm lên 15.113. Với 189 ca tử vong mới, đến nay Italy đã ghi nhận tới 1.016 ca tử vong, đứng thứ hai trên thế giới sau Trung Quốc.  Hiệp hội các bệnh truyền nhiễm và rối loạn miễn dịch thế giới (Waidid) đã cảnh báo tỷ lệ tử vong do nhiễm virus SARS-CoV-2 tại Italy hiện ở mức cao nhất thế giới và gấp 12 lần các quốc gia khác.

Tại Iran, chỉ sau 3 tuần ghi nhận ca nhiễm đầu tiên vào ngày 19-2, tính đến ngày 12-3, số các ca nhiễm Covid-19 tại đất nước Hồi giáo này đã tăng lên nhanh chóng thành 10.075 trường hợp. Số ca tử vong vì đại dịch hiện đã lên tới 429 trường hợp. Trước sự lây lan đáng quan ngại của dịch bệnh, Iran đang áp dụng các biện pháp cần thiết theo khuyến cáo của WHO như bảo đảm việc kiểm dịch theo đúng tiêu chuẩn, cấm các cuộc tụ tập đông người nơi công cộng và đóng cửa trường học.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, ngày 12-3 đã gọi Covid-19 là cuộc khủng hoảng y tế lớn nhất trong một thế kỷ mà quốc gia châu Âu này phải đối mặt. Từ đó, ông kêu gọi người dân Pháp đoàn kết để cùng nhau vượt qua khủng hoảng do dịch Covid-19 gây ra.

Phát biểu trên truyền hình, ông Macron đã công bố hàng loạt biện pháp mạnh, trong đó tất cả các cơ sở giáo dục tại Pháp, từ nhà trẻ đến đại học, sẽ đóng cửa từ ngày 16-3 "cho đến khi có thông báo mới". Tuy nhiên, Chính phủ Pháp quyết định rằng cuộc bầu cử thành phố sẽ được tiến hành theo kế hoạch, sau khi đã tham khảo ý kiến các cơ quan y tế. Tổng thống Macron kêu gọi các doanh nghiệp tăng cường hình thức làm việc từ xa. 

Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Véran cho biết hiện số ca nhiễm Covid-19 và tử vong tại Pháp lần lượt là 2.281 và 48 người. Hiện Pháp vẫn trong giai đoạn 2 của dịch vì chưa lây lan ra cả nước.

Tại Bỉ, vào tối 12-3, sau 4 giờ họp Hội đồng an ninh quốc gia, Thủ tướng Bỉ Sophie Wilmès tuyên bố đất nước vẫn đang ở giai đoạn 2 tăng cường chống đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, với các biện pháp mạnh để kiềm chế sự lây lan của virus SARS-CoV-2. 

Bộ Y tế Tây Ban Nha ngày 12-3 thông báo số ca tử vong vì Covid-19 ở nước này tăng đột biến từ 47 lên 84, trong khi số ca nhiễm mới trong ngày ở mức 580 trường hợp. Tất cả các thành viên nội các chính phủ Tây Ban Nha cũng được xét nghiệm sau khi bà Montero và chồng của mình là ông Pablo Iglesias - Phó Thủ tướng, lãnh đạo đảng Podemos - cho kết quả xét nghiêm dương tính với virus corona.

Hiện số ca nhiễm Covid-19 ở Tây Ban Nha đã là gần 3.000 trường hợp, tăng mạnh từ mốc 2.300 của ngày 11-3. Khu vực xung quanh thủ đô Madrid chiếm một nửa số ca nhiễm, với 1.388 trường hợp.

Tại Bồ Đào Nha, Thủ tướng Antonio Costa thông báo đóng cửa tất cả các trường học cho tới 9-4-2020. Quyết định trên sẽ ảnh hưởng tới hơn 1,6 triệu trẻ em và vị thành niên trên toàn quốc. 

Đến nay Bồ Đào Nha đã ghi nhận 78 ca nhiễm Covid-19. Nhà chức trách nước này đã ra lệnh hoãn các sự kiện tập trung hơn 1.000 người trong không gian kín và hơn 5.000 người tại các không gian mở trong nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.

Ngày 12-3, truyền thông nước ngoài dẫn một nguồn tin ngoại giao cho biết, một nữ viên chức thuộc phái đoàn Philippines tại Liên hợp quốc vừa trở thành người đầu tiên được xác nhận dương tính với virus Corona tại trụ sở cơ quan này ở New York, Mỹ. Theo quyền Đại sứ Philippines tại Liên hợp quốc Kira Azucena thì hiện phái đoàn Philippines vẫn đang bị phong tỏa và tất cả các nhân sự đã được hướng dẫn cách ly, tìm kiếm hỗ trợ y tế nếu có triệu chứng. “Chúng tôi mặc định rằng tất cả chúng tôi đều đã bị lây nhiễm” – vị đại diện này nói.

Theo thông tin trên website của Liên hợp quốc, phái đoàn Philippines có 12 viên chức và văn phòng nằm trên đại lộ 5 ở quận Manhattan của New York.

Theo THU LAN (Báo Điện Tử Đảng Cộng Sản Việt Nam)