Nhân viên y tế chuẩn bị tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Phnom Penh, Campuchia. Ảnh tư liệu: THX/TTXVN
Giám đốc của WHO phụ trách khu vực Đông Nam Á Saima Wazed gửi thông điệp trên đến sự kiện “Cuộc tham vấn khu vực: Nâng cao năng lực dịch tễ học thực địa của WHO ở khu vực Đông Nam Á” được tổ chức tại đây trong tuần này. Bà Wazed cho biết đại dịch COVID-19 cho thấy nhân lực dịch tễ học thực địa là một phần thiết yếu của hệ thống an ninh y tế quốc gia và nhấn mạnh cần tiếp tục nỗ lực đầu tư vào công tác tăng cường dịch tễ học thực địa.
Theo thông cáo báo chí, trong thời đại dịch COVID-19, các nhà dịch tễ học thực địa đã tham gia vào nhiều vai trò khác nhau như điều phối, lập kế hoạch, giám sát, theo dõi, truy vết tiếp xúc, điều tra ca bệnh... Dù bất kể trong các đợt bùng phát dịch bệnh như sốt xuất huyết, cúm, virus Nipah, sởi... hay trong giai đoạn khắc phục hậu quả thiên tai, các nhà dịch tễ học thực địa đóng vai trò quan trọng trong việc giám sát, đánh giá rủi ro và ứng phó. Nhân lực y tế sẵn sàng và đủ trình độ cùng với các chương trình đào tạo dịch tễ học thực địa (FETP) sẽ giúp các nước tăng khả năng ứng phó và vượt qua những biến cố trong tương lai.
Nhu cầu đối với FETP nổi lên trong bối cảnh các bệnh lây truyền từ động vật sang người, tình trạng kháng kháng sinh, các bệnh di truyền và không lây nhiễm gia tăng. Bên cạnh đó, nhiều công nghệ mới đang phát triển đòi hỏi tăng cường năng lực như phân tích nâng cao, nghiên cứu khoa học dữ liệu, cũng như giám sát môi trường và nước thải.
Theo bà Wazed, các nước thành viên cần giải quyết những thách thức nhằm đảm bảo đủ năng lực dịch tễ học thực địa ở các cấp địa phương, thúc đẩy đào tạo có hiệu quả và phù hợp với địa phương để các học viên có năng lực thực hành giám sát, đánh giá rủi ro và nghiên cứu thực địa. Giám đốc khu vực của WHO nhấn mạnh cần thể chế hóa và đảm bảo tính bền vững của FETP để những năng lực này có thể đóng góp cho hoạt động y tế công cộng, trong đó có chăm sóc sức khỏe ban đầu.
Bên cạnh đó, bà Wazed cho rằng các quốc gia trong khu vực cũng cần phối hợp với nhau, tăng cường sự tham gia đa ngành để thúc đẩy an ninh y tế và khả năng phục hồi của hệ thống y tế. Quan chức của WHO khẳng định các nỗ lực tập thể là yếu tố then chốt để xây dựng khu vực Đông Nam Á khỏe mạnh, kiên cường và an toàn hơn. Theo đó, bà kêu gọi các nước Đông Nam Á cần chuẩn bị sẵn sàng, nâng cao khả năng thích ứng và năng lực để đối phó với mọi thách thức về y tế trong tương lai.
Cuộc tham vấn trên diễn ra trong 3 ngày từ ngày 20 - 22/2 với sự tham dự của đại diện các bộ y tế, các đối tác và cơ quan chuyên trách. Các đại biểu đã xem xét sự tiến triển, bài học kinh nghiệm và những thách thức trong việc nâng cao năng lực dịch tễ học thực địa trong khu vực.
Theo TTXVN