Xã Phước Hưng tập trung chuyển đổi cây trồng

24/12/2019 - 07:52

Trước những biến đổi thất thường của thời tiết, nhiều hộ nông dân trên địa bàn tỉnh đã mạnh dạn cải tạo diện tích đất vườn tạp, sản xuất kém hiệu quả sang trồng các loại cây phù hợp, nhằm thích ứng tốt với sự thay đổi của thời tiết, tình trạng biến đổi khí hậu. Các mô hình này bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp người nông dân cải thiện thu nhập, từng bước ổn định cuộc sống.

Trồng sắn lấy hạt, hướng đi hiệu quả trong nông dân

Trước đây, gia đình ông Trần Văn Mal (ngụ ở ấp Phước Khánh, xã Phước Hưng, An Phú) chủ yếu trồng các loại rau màu và làm rẫy trên diện tích đất của gia đình, với các loại cây trồng chủ yếu, như: bắp, ớt... Việc trồng các loại cây này gặp nhiều khó khăn, do thời tiết biến đổi thất thường khiến năng suất bị ảnh hưởng; tình trạng thương lái ép giá và điệp khúc “được mùa, mất giá” liên tục diễn ra… Trước những khó khăn trên, ông Mal trăn trở suy nghĩ về việc phải tìm ra hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp để phát triển kinh tế gia đình. Sau khi tìm hiểu ở nhiều nơi, nhận thấy mô hình trồng chuối sáp phát triển tại nhiều địa phương nên ông tiến hành mua cây giống, cải tạo đất để tập trung phát triển mô hình sản xuất này.

Trên diện tích đất 8.000m2, ông Mal xuống giống với mật độ 200 cây chuối/công. Sau 11 tháng chăm sóc, vườn chuối của gia đình ông Mal bắt đầu thu hoạch đợt đầu tiên. Sau khi trừ chi phí, ước tính mỗi công chuối mang lại lợi nhuận cho ông Mal khoảng 10 triệu đồng. Thấy hiệu quả kinh tế, ông Mal tiếp tục mở rộng diện tích thêm 12 công đất, nâng tổng diện tích trồng chuối của gia đình lên khoảng 2ha. “Giá chuối sáp thường ổn định hơn so với các loại cây trồng khác, khoảng 9.000-10.000 đồng/kg. Dù lợi nhuận tương đương với nhau, nhưng trồng chuối nhẹ công chăm sóc hơn rất nhiều và rất dễ bán; giá cả tương đối ổn định, không bị thương lái ép giá so với các loại rau màu khác” - ông Mal chia sẻ.

Theo ông Mal, cây chuối sáp dễ trồng, nhẹ công chăm sóc, bón phân thoải mái không sợ bị sùng, không cần phải dùng thuốc bảo vệ thực vật, thậm chí không cần bón phân thì chuối vẫn cho năng suất tốt. Chuối sáp từ lúc trồng đến thu hoạch khoảng 11 tháng, trong 6-7 tháng đầu tiên, cây sẽ bắt đầu đẻ con nên chỉ khoảng 5 tháng sau bắt đầu thu hoạch tiếp đợt thứ 2. Bình quân mỗi buồng ông giữ lại 9 nải, trọng lượng mỗi buồng đạt từ 11-12kg trong năm đầu, đến năm thứ 2 giảm xuống còn 10kg.

Bên cạnh chuối, nhiều hộ nông dân xã Phước Hưng lựa chọn mô hình trồng sắn lấy hạt để phát triển kinh tế gia đình. Ông Hồ Hoàng Dũng (ở cùng xã Phước Hưng) cho biết, củ sắn khá dễ trồng nhưng nặng công chăm sóc. Sắn thích hợp với vùng đất gò cao, không chịu mưa nên cần phải thoát nước liền nếu không sẽ bị thối. Cây trồng trong thời gian 5 tháng là có thể thu hoạch. Một gốc sắn có thể thu hoạch 2 đợt. Sau mỗi đợt, nông dân thường cắt gần phần gốc để canh tác tiếp, sau khi thu hoạch nên bón lót để tăng độ hữu cơ cho đất. Trong quá trình canh tác, phải thăm đồng thường xuyên để phòng tránh các loại sâu bệnh gây hại làm rơi bông, mù đọt, ảnh hưởng đến năng suất hạt.

Theo ông Hồ Hoàng Dũng, chi phí đầu tư cho mô hình khá cao. Thông thường, giàn được làm bằng cây tràm, bình quân 1 công sắn cần từ 1.300-1.400 cây cọc tràm. Như vậy, chi phí phải bỏ ra cho 1 công sắn từ 7-8 triệu đồng, đó là chưa kể đến chi phí thuê nhân công róc chàm, bóc vỏ và cắm cọc. Cọc tràm sau 3-4 năm phải thay mới 1 lần. Sau mỗi vụ thu hoạch, ông Bình chặt bỏ phần cọc ở dưới đất để giàn được chắc chắn, tránh đổ ngã khi có gió mạnh. Cùng quan điểm, ông Lê Văn Tư (ngụ cùng xã Phú Hưng) cho biết, mặc dù chi phí đầu tư khá cao, thời gian trồng khá lâu mới cho thu hoạch nhưng bù lại năng suất và giá cả hạt sắn khá cao. “Năng suất bình quân mỗi công khoảng 150-200kg. Giá hạt sắn những năm gần đây khá ổn định, từ 150.000-200.000 đồng/kg, với mức giá này, sau khi trừ chi phí, mỗi công sắn cho thu nhập khoảng10 triệu đồng. Cũng có năm giá hạt sắn xuống thấp, khoảng 70.000 đồng/kg, tuy nhiên với mức giá này, nông dân vẫn có lãi” - ông Tư chia sẻ.

Phước Hưng là xã thuần nông của huyện An Phú, tổng diện tích gieo trồng 2,436ha, trong đó lúa 2,051ha, màu 3,850ha. Những năm qua, các cấp Hội Nông dân chú trọng tuyên truyền nhằm giúp bà con nông dân chuyển đổi cây trồng hợp lý, triển khai các biện pháp luân canh, xen canh, lựa chọn giống mới phù hợp, thích nghi với điều kiện canh tác, khí hậu của địa phương. Điều này, không những mang lại hiệu quả cao về năng suất, mà còn tạo ra giá trị kinh tế ổn định cho nông dân và phù hợp với định hướng, chủ trương của ngành nông nghiệp.

ĐỨC TOÀN