Kỹ thuật viên Iran kiểm tra các thiết bị tại cơ sở làm giàu urani Isfahan, cách thủ đô Tehran 420 km về phía nam. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN
Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA) Rafael Grossi vừa lên tiếng chỉ trích động thái của Iran ngăn cản nhiều thanh sát viên được cử tới nước Cộng hòa Hồi giáo làm việc, gây trở ngại cho IAEA trong quá trình giám sát hoạt động hạt nhân của Tehran.
Theo người đứng đầu IAEA, đây là động thái ảnh hưởng đến việc lập kế hoạch và tiến hành các hoạt động thanh sát thông thường của IAEA ở Iran và đẩy mâu thuẫn trong hợp tác giữa IAEA và Iran lên mức căng thẳng. Lời chỉ trích của Tổng Giám đốc IAEA được đưa ra khi Tehran thông báo không chấp nhận việc chỉ định các thanh sát viên của IAEA được giao nhiệm vụ kiểm tra ở Iran.
Động thái của Iran được xem là sự đáp trả cứng rắn trước việc Mỹ và nhóm ba nước châu Âu gồm Anh, Pháp và Đức kêu gọi IAEA đưa ra nghị quyết mới, yêu cầu Tehran hợp tác với các hoạt động thanh sát của cơ quan này và giải trình về “dấu vết của uranium” được phát hiện tại hai địa điểm ở quốc gia Trung Đông. Hồi tháng 11/2022, IAEA từng thông qua nghị quyết, yêu cầu Iran khẩn trương hợp tác với cơ quan này trong cuộc điều tra về sự tồn tại của uranium tại hai địa điểm ở Iran mà cơ quan này cho rằng vẫn “chưa được khai báo”.
Ngay lập tức, Tehran tuyên bố tăng độ tinh khiết làm giàu urani lên 60%, tuy thấp hơn mức 90% cần thiết để chế tạo vũ khí hạt nhân, song lại cao hơn nhiều so với mức giới hạn 3,67% mà Iran cam kết trong thỏa thuận hạt nhân Iran, còn gọi là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA).
Đây là thỏa thuận mà Iran và nhóm P5+1 (gồm năm nước Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc là Mỹ, Anh, Pháp, Trung Quốc, Nga cùng với Đức) ký kết năm 2015. Theo thỏa thuận này, Iran đồng ý hạn chế các hoạt động hạt nhân của mình để đổi lấy việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt. Sau khi Iran gia tăng hoạt động làm giàu uranium, các cường quốc phương Tây tỏ ra “không hài lòng” với cáo buộc Tehran trì hoãn, cản trở tiến trình điều tra. Phương Tây cũng nhắc lại việc Tehran hồi năm 2022 ngắt kết nối một số camera do các thanh sát viên quốc tế lắp đặt để giám sát các hoạt động hạt nhân của Iran.
Bộ Ngoại giao Iran cũng lên tiếng chỉ trích những biện pháp trừng phạt mới của phương Tây nhằm vào các cá nhân và thực thể của nước Cộng hòa Hồi giáo là bất hợp pháp.
Trước sức ép của phương Tây, Chủ tịch Tổ chức Năng lượng Nguyên tử Iran (AEOI) Mohammad Eslami tuyên bố Iran sẽ không tuân thủ đầy đủ thỏa thuận hạt nhân năm 2015 nếu các lệnh trừng phạt Tehran không được dỡ bỏ.
Bộ Ngoại giao Iran cũng lên tiếng chỉ trích những biện pháp trừng phạt mới của phương Tây nhằm vào các cá nhân và thực thể của nước Cộng hòa Hồi giáo là bất hợp pháp, đồng thời chỉ trích các nhà ngoại giao châu Âu đang thực hiện những “hành vi thiếu xây dựng” và “không nghĩ đến lợi ích của Tehran”.
Thỏa thuận hạt nhân đặt ra những quy định cứng rắn đối với chương trình năng lượng hạt nhân của Iran, trong đó đáng chú ý là hạn chế số lượng uranium làm giàu của Tehran.
Tuy nhiên, phía Iran giải thích rằng, họ không còn bị ràng buộc bởi những quy tắc đó do Mỹ đơn phương hủy bỏ thỏa thuận vào năm 2018, khi Tổng thống Mỹ lúc đó là Donald Trump tái áp đặt, thậm chí còn mở rộng các lệnh trừng phạt đối với Tehran. Cộng đồng quốc tế mong muốn các bên liên quan giảm căng thẳng, tiến hành đàm phán khôi phục thỏa thuận hạt nhân, vì lợi ích của các bên, vì hòa bình và ổn định trong khu vực và trên thế giới.
Theo Nhân dân