Chuyên gia "bắt bệnh" nguyên nhân chính khiến giá các loại hàng hóa trong nước vẫn cao ngất, bất chấp giá xăng dầu liên tiếp đi xuống thời gian gần đây.
AA
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, nhận định, giá xăng dầu là yếu tố quan trọng cấu thành giá cả hàng hóa của nhiều ngành nghề, nhưng không phải là tất cả. Trong nền kinh tế Việt Nam, có tới 37% nguyên liệu đầu vào phục vụ hoạt động sản xuất là nhập khẩu. Riêng ngành công nghiệp chế biến, tỷ trọng nguyên liệu nhập khẩu chiếm 50,98%. Như vậy có thể thấy hoạt động sản xuất của nước ta phụ thuộc rất lớn vào nguồn nhập khẩu này.
Do đó, khi tình hình lạm phát trên thế giới tăng, tác động đến giá nguyên liệu nhập khẩu thì chi phí sản xuất trong nước cũng sẽ tăng, khiến giá hàng hóa đầu ra khó rẻ.
“Nói cách khác, giá nguyên liệu thế giới tăng cao sẽ tác động tới lạm phát của nền kinh tế Việt Nam thông qua các hoạt động sản xuất”, ông Lâm nói.
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp phải chủ động cắt giảm lợi nhuận để không tăng giá sản phẩm. Tuy nhiên, tùy theo từng ngành, tùy từng thời điểm và đó không phải là biện pháp hữu hiệu nhất.
“Tôi lấy ví dụ như ngành dệt may phụ thuộc rất lớn vào nguồn nguyên vật liệu nhập khẩu từ Trung Quốc. Thời gian qua, nước bạn thực hiện chính sách phong tỏa để phòng chống COVID-19, ngay lập tức ngành dệt may bị tác động lớn bởi vật liệu sợi, vải cho may mặc chiếm tỉ trọng rất lớn”, ông Lâm nói.
Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cũng nhận định, song song với giá xăng dầu, giá nguyên liệu đầu vào chính là yếu tố quan trọng để cấu thành giá sản phẩm, thậm chí còn quan trọng hơn cả.
“Những mặt hàng mà quá trình sản xuất phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu thì chắc chắn giá đầu ra cao hay thấp phải phụ thuộc vào giá đầu vào có cao hay không? Giá cả đầu vào tăng thì tất nhiên giá sản phẩm cũng phải tăng, kéo theo hiệu ứng dây chuyền là những sản phẩm, ngành nghề liên quan cũng đắt đỏ theo”, ông Long nhận định.
Theo ông Long, trên thế giới, lạm phát hiện tăng rất cao, bủa vây hàng loạt quốc gia, nguyên nhân một phần do giá xăng dầu. "Cơn sốt" lạm phát này lại gây đứt gãy chuỗi cung ứng, khiến giá nhiều loại nguyên liệu đầu vào tăng dựng đứng.
Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu giá cả (Bộ Tài chính) cũng khẳng định, xăng dầu chỉ là một bộ phận cấu thành của giá đầu vào của hàng hóa, chứ không phải là tất cả. Mỗi ngành nghề lại chịu tác động của xăng dầu theo một tỷ lệ khác nhau và còn phụ thuộc vào nhiều các yếu tố khác, trong đó quan trọng nhất là nguyên liệu đầu vào.
“Biến động giá cả không thể chỉ gắn với biến động của giá xăng dầu mà đó chỉ là một phần. Hiện nay, thế giới đang đối diện tình trạng lạm phát toàn cầu, nhiều nước ở khu vực châu Âu còn lâm vào khủng hoảng năng lượng, lương thực thực phẩm... Doanh nghiệp Việt Nam cũng khó đứng ngoài cuộc, phải hứng chịu cảnh nguyên liệu đầu vào ngày càng đắt đỏ”, chuyên gia Vũ Đình Ánh phân tích.
Ông Ánh còn cho rằng, thời gian tới nếu lạm phát thế giới được kiểm soát hoặc không còn căng thẳng như hiện nay thì giá hàng hóa của Việt Nam cũng không thể giảm theo ngay được. Bởi, nền kinh tế Việt Nam hiện nay tuy có độ mở rất lớn với nền kinh tế thế giới nhưng lại không đồng nhịp. Do đó, lạm phát thế giới ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam thường có độ trễ nhất định.
“Kinh tế Việt Nam đang đi trái chiều so với kinh tế thế giới, lúc họ giảm thì ta tăng, khi họ tăng chúng ta lại giảm. Năm 2020, thế giới bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch bệnh, các nền kinh tế đóng cửa thì Việt Nam nổi lên như một điểm sáng ít bị tác động bởi dịch bệnh, kinh tế thế giới giảm sút thì chúng ta lại tăng. Sang đến năm 2021, khi các nền kinh tế bắt đầu phục hồi thì Việt Nam lại mới ảnh hưởng, lúc này các nền kinh tế khác bắt đầu tăng trưởng thì chúng ta lại bị giảm thậm chí là âm.
Vì thế, hiện nay để nói khi giá cả hàng hóa thế giới giảm thì giá cả của Việt Nam cũng giảm ngay là không thể được bởi chúng ta không có sự đồng bộ với các nền kinh tế khác, phải có độ trễ nhất định”, ông Ánh nhận định.
Cách nào vượt "bão" giá nguyên liệu?
Chuyên gia Vũ Đình Ánh nhấn mạnh: “Cần có biện pháp can thiệp cho phù hợp, không thể ngồi đó đợi giá xăng dầu giảm thì mọi thứ sẽ giảm, đó là tư duy phi thị trường và không phù hợp”.
Đồng quan điểm, chuyên gia Ngô Trí Long cho rằng, cần đánh giá cụ thể từng ngành nghề hiện đang chịu tác động bởi "cơn sốt" giá nguyên liệu đầu vào để có những chính sách hỗ trợ cần thiết, đảm bảo doanh nghiệp đủ sức chống chịu.
Còn theo chuyên gia Nguyễn Bích Lâm, ngoài phương án “cực chẳng đã” là buộc phải cắt giảm lợi nhuận, chấp nhận không tăng giá đầu ra thì các doanh nghiệp sản xuất cần phải đa dạng hóa thị trường nhập khẩu, không phụ thuộc vào bất cứ một thị trường cố định nào cả.
“Chúng ta cần tìm những thị trường mới. Ví dụ như thị trường Trung Quốc bị phong tỏa thì sẽ có thị trường khác thay thế. Tuy nhiên phải lựa chọn thị trường thích hợp. Bởi nếu thị trường quá xa Việt Nam sẽ khiến chi phí vận chuyển tăng lên cũng sẽ đẩy giá nguyên vật liệu đầu vào tăng. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng rất cần được hỗ trợ vốn để có đủ khả năng tài chính đối phó với giá cả nguyên vật liệu đầu vào biến động”, ông Lâm đề xuất.
Các chuyên gia cũng cho rằng, cần có nhiều hơn các chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ tại thị trường trong nước, để từng bước tự chủ nguồn nguyên liệu.
Tại buổi gặp gỡ cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư ở TP.HCM mới đây, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM Phạm Ngọc Hưng cho rằng, để bù đắp chi phí sản xuất, doanh nghiệp nên chú trọng xây dựng thương hiệu sản phẩm để mở rộng thị trường, qua đó tăng sản lượng tiêu thụ. Đồng thời cần từng bước thay đổi công nghệ, thay thế dây chuyền sản xuất cũ, năng suất thấp sang dây chuyền sản xuất hiện đại, năng suất cao; ứng dụng chuyển đổi số vào công tác quản trị để tối ưu hóa bộ máy vận hành toàn hệ thống. Bài toán thay đổi về “chất” (công nghệ mới, quản trị hiện đại) sẽ giúp doanh nghiệp “khỏe hơn”, vững chãi vượt qua mọi khó khăn, trong đó có vấn đề chi phí đầu vào tăng cao như hiện nay.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng cần có những giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp như đẩy mạnh tìm kiếm thị trường nhập khẩu thuộc vai trò của Bộ Công Thương; hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp, cung cấp thông tin thị trường thế giới thường xuyên...
Nguyên vật liệu đồng loạt đội giá
Giá nhiều loại hàng hóa là nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất liên tục tăng, có loại tăng tới 50% khiến doanh nghiệp như ngồi trên lửa.
Ông Lê Văn Mạnh, Giám đốc công ty TNHH Đầu tư Maxko Việt Nam, một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực F&B cho biết: “Từ năm ngoái đến năm nay, sữa đã tăng giá 4-5 lần, mỗi lần khoảng 5-7% đến nay mức tăng đã là gần 50%. Nguyên liệu cà phê cũng ghi nhận mức tăng tương ứng. Ví dụ như cà phê arabica năm ngoái chúng tôi nhập với giá khoảng 65.000 - 70.000 đồng/kg thì nay giá khoảng 135.000 - 140.000 đồng/kg, nghĩa là tăng khoảng 100%, ngoài ra một số nguyên liệu cà phê khác như hàng robusta cũng tăng khoảng 50%”.
Ông Nguyễn Văn Bình, Giám đốc HTX nuôi trồng thủy sản Hải Điền (Hải Hậu, Nam Định) thông tin, từ đầu năm 2022 đến nay, giá thức ăn chăn nuôi đã tăng khoảng 10 - 15%.
Trong lĩnh vực cơ khí - chế tạo, các doanh nghiệp phải chống đỡ với việc giá nguyên vật liệu tăng từ 15 - 20% tùy chủng loại sản phẩm. Doanh nghiệp dệt may gặp khó khi giá bông tăng khoảng 19,1%.
Theo ĐỨC THIỆN (VTC News)
Mọi phản ánh, ý kiến, tin, bài và hình ảnh cộng tác của độc giả có thể gửi đến Báo An Giang theo địa chỉ: