Xây dựng Đảng trên mặt trận Dân vận - Kỳ cuối: Nâng cao sức chiến đấu của Đảng trên mặt trận Dân vận

27/10/2023 - 14:38

 - Công tác dân vận là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược trong sự nghiệp cách mạng của Đảng, góp phần quan trọng củng cố mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với Nhân dân, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, động viên Nhân dân tham gia sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

Trao thưởng cho cá nhân đóng góp trong phong trào thi đua “Dân vận khéo”

Huy động sức dân, đồng bào tôn giáo chung tay an sinh xã hội, xây dựng quê hương

Kế thừa và vận dụng tư tưởng “dân làm gốc”, trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, lãnh đạo đất nước, Đảng và Bác Hồ luôn xác định cách mạng là sự nghiệp của quần chúng Nhân dân, Nhân dân vừa là chủ thể vừa là mục tiêu, động lực của cách mạng.

Tư tưởng chính trị lấy dân làm gốc là bài học kinh nghiệm, là đường lối chiến lược xuyên suốt, góp phần quyết định sự thành công của sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc dưới sự lãnh đạo của Đảng. Những thành tựu của 35 năm đổi mới tiếp tục khẳng định sâu sắc tư tưởng đó, nhiều văn bản của Đảng nhấn mạnh vai trò của Nhân dân và công tác dân vận trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xây dựng Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác dân vận “Dân vận kém thì việc gì cũng kém, dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”. “Cán bộ, đảng viên tỉnh An Giang luôn ý thức được rằng, dân vận khéo chính là sự đổi mới về phương thức, nội dung hoạt động công tác dân vận của Đảng, nhằm khắc phục bệnh thành tích, hình thức. Thay vào đó, thực hiện tốt, đúng, nhằm mang lại hiệu quả thiết thực, thông qua các mô hình cụ thể, có địa chỉ và cách làm cụ thể. Tập hợp rộng rãi cán bộ, đảng viên và quần chúng Nhân dân cùng tham gia phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc…”- Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy An Giang Võ Nguyên Nam nhấn mạnh.

Cầu nối ý Đảng, lòng dân

“Dân vận khéo” trong lĩnh vực xây dựng hệ thống chính trị tỉnh An Giang được thể hiện thông qua các hoạt động: Giám sát về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, duy trì tổ chức đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy Đảng, chính quyền với đại diện Nhân dân. Qua đó, giúp cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị, đề xuất của người dân, có giải pháp tháo gỡ kịp thời, xây dựng mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, chính quyền với Nhân dân.

Bằng cách vận động thuyết phục, doanh nghiệp, nhà hảo tâm và Nhân dân trên địa bàn tỉnh đã đóng góp trên 344 tỷ đồng xây dựng cầu bê-tông, nâng cấp đường giao thông nông thôn, xây nhà ở cho người nghèo, mua xe cứu thương chuyển bệnh miễn phí, xây dựng hệ thống đèn đường giao thông nông thôn và nhiều công trình phúc lợi xã hội khác…

Những kết quả quan trọng này khẳng định sự tăng cường, đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận, tạo sự đồng thuận, vận động Nhân dân tham gia thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy sức mạnh to lớn của Nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, củng cố lòng tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.

Một mô hình nhân đạo nổi tiếng cả nước của An Giang, lan tỏa rộng khắp chính là “Mô hình xe chuyển bệnh miễn phí”. Hoạt động bất kể ngày đêm, hỗ trợ chuyển người bệnh, người bị tai nạn đến nơi khám chữa bệnh, mà không thu bất kỳ khoản phí nào, giúp các bệnh nhân nghèo.

Còn nhớ, từ những năm 80 của thế kỷ XX, do thiếu phương tiện chuyển viện đột xuất cho các trường hợp bệnh nặng hoặc tai nạn bất ngờ, nhất là ở các địa phương vùng sâu, không có xe ô tô, nên muốn chuyển bệnh phải chở bằng xuồng máy, xe gắn máy, xe ba gác tự chế..., rất nguy hiểm cho người bệnh và nhiều người phải tử vong hoặc mang thương tật suốt đời vì không được cấp cứu kịp thời.

Trước thực tế cấp bách đó, nhiều người dân với tấm lòng thiện nguyện đã cùng nhau đóng góp mua những chiếc ôtô cũ để chuyển người bệnh miễn phí đến bệnh viện, cứu chữa kịp thời. Thế là “Mô hình xe chuyển bệnh miễn phí” đầu tiên ra đời ở An Giang. Mô hình được Hội Chữ thập đỏ tỉnh nhân rộng từ sự đóng góp của cộng đồng, Nhân dân để mua ôtô chuyển bệnh miễn phí phục vụ bệnh nhân kịp thời mọi lúc, mọi nơi.

Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh An Giang Huỳnh Thanh Ngọc cho biết: Từ chỉ vài ba xe ban đầu, đến nay 11/11 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn An Giang đều có xe chuyển bệnh miễn phí. Toàn tỉnh có hơn 200 xe chuyển bệnh miễn phí chuyên dùng do Hội Chữ thập đỏ quản lý với tổng trị giá hơn 140 tỷ đồng. Các xe này đã giúp chuyển miễn phí hàng trăm ngàn lượt bệnh nhân, kinh phí xăng xe trị giá hơn chục tỷ đồng, do Nhân dân đóng góp. Nhiều xã, phường, thị trấn có từ 2- 3 xe chuyển bệnh miễn phí. Mô hình xe chuyển bệnh miễn phí đã và đang hoạt động rất hiệu quả, được Nhân dân, các cấp ủy Đảng, chính quyền từ Trung ương đến địa phương trong và ngoài tỉnh đánh giá rất cao.

Bên cạnh đó, trong giai đoạn 2022 - 2023, Ban Dân vận Tỉnh ủy An Giang đã vận động xây dựng được 65 căn nhà “Nghĩa tình dân vận”, với tổng giá trị 3,040 tỷ đồng, Đồng thời, trao tặng thiết bị gia dụng cho 20 căn nhà “Nghĩa tình Dân vận”, với số tiền 200 triệu đồng; thực hiện công tác an sinh xã hội trong vùng đồng bào dân tộc, tôn giáo, miền núi, biên giới. Đây là kết quả của phong trào “Dân vận khéo” của tỉnh An Giang nhờ áp dụng các giải pháp hữu hiệu trong vận động quần chúng Nhân dân.

Là một trong các hộ dân được hỗ trợ nhà, bà Lương Thị Thể, ở ấp Bình An 1, xã An Hòa, huyện Châu Thành (An Giang) vui mừng chia sẻ: “Gia đình tôi làm thuê, làm mướn, thu nhập sống đắp đỗi qua ngày. Dù có tích cóp cả đời cũng chưa có đủ để cất lại căn nhà mới. Được căn nhà “Nghĩa tình dân vận” khang trang, do Ban Dân vận Tỉnh ủy An Giang trao tặng, gia đình tôi mừng, hạnh phúc lắm. Cả nhà từ nay đã thoát khỏi cảnh dột mỗi khi trời mưa, việc chăm sóc mẹ già yếu 90 tuổi cũng thuận lợi hơn”.

Việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở thời gian qua cũng được An Giang quan tâm, thực hiện, đã tác động tích cực đến công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; tạo không khí phấn khởi trong hoạt động cộng đồng dân cư, tham gia các phong trào thi đua và chương mục tiêu quốc gia. Đồng thời, góp phần chấn chỉnh lề lối, phương pháp, tác phong làm việc của cán bộ, công chức, viên chức, hướng đến gần dân, tôn trọng, lắng nghe ý kiến Nhân dân.

Nhiều khó khăn trong quá trình phát triển đã được Nhân dân bàn bạc, tham gia cùng cấp ủy Đảng, chính quyền tháo gỡ, giải quyết có hiệu quả, như: Vấn đề đền bù, giải phóng mặt bằng, giải quyết các vấn đề xã hội bức xúc, những mâu thuẫn, vướng mắc trong Nhân dân... Nhiều vụ bức xúc trong nội bộ Nhân dân được giải quyết tại chỗ, công tác hòa giải ở cơ sở được quan tâm thực hiện tốt. Đặc biệt, nhờ thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, bầu không khí dân chủ trong Đảng, trong xã hội ngày càng được phát huy. 

Qua đó cho thấy, công tác dân vận là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược trong sự nghiệp cách mạng của Đảng, góp phần quan trọng củng cố mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với Nhân dân, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, động viên nhân dân tham gia sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

Tặng xe chuyển bệnh miễn phí-việc làm ý nghĩa của người dân An Giang

Phát huy vai trò công tác dân vận của Đảng

Công tác dân vận luôn được tỉnh xác định là một bộ phận quan trọng, có ý nghĩa chiến lược đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng. Trong mỗi giai đoạn, công tác dân vận có nội dung, phương thức khác nhau, nhưng đều nhằm mục tiêu tập hợp, vận động, phát huy cao nhất sức mạnh các tầng lớp Nhân dân vào các phong trào cách mạng, thi đua yêu nước; tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc; củng cố và tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với Nhân dân, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu chung của Đảng, đất nước và dân tộc.

Qua hơn 35 năm đổi mới, công tác dân vận của hệ thống chính trị đã góp phần rất quan trọng vào những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, để đất nước có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, điều hành, quản lý của Nhà nước tiếp tục được củng cố, tăng cường.

Đồng thời, những bài học kinh nghiệm quan trọng trong công tác dân vận của Đảng được ghi nhận, khẳng định. Toàn bộ hoạt động của Đảng phải xuất phát từ lợi ích và nguyện vọng chính đáng của Nhân dân. Sức mạnh của Đảng là ở sự gắn bó mật thiết với Nhân dân. Quan liêu, tham nhũng, xa rời Nhân dân sẽ dẫn đến những tổn thất khôn lường đối với vận mệnh của đất nước, của chế độ xã hội chủ nghĩa và của Đảng. Trong mọi công việc của Đảng và Nhà nước, phải luôn quán triệt sâu sắc, thực hiện quan điểm "dân là gốc"; thật sự tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân; thắt chặt mối quan hệ mật thiết với Nhân dân, dựa vào Nhân dân để xây dựng Đảng.

Phát huy bề dày truyền thống và những thành quả đạt được, trong thời gian tới, để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công tác dân vận trong bối cảnh mới; phát huy hơn nữa sức mạnh của Nhân dân thực hiện thắng lợi nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp và Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các cấp ủy, tổ chức đảng và cả hệ thống chính trị tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm về công tác dân vận:

Một là, tăng cường quán triệt, tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức Đảng và cả hệ thống chính trị, nhất là người đứng đầu, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân về tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng về vai trò của Nhân dân, dân vận và công tác dân vận. Tập trung quán triệt sâu sắc tác phẩm "Dân vận" của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nghị quyết 25-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) về "Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới", Quyết định 23-QĐ/TW của Bộ Chính trị về ban hành "Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị" gắn với triển khai hiệu quả Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về công tác dân vận và các nghị quyết, chỉ thị, kết luận mới ban hành liên quan đến công tác dân vận.

Đội ngũ cán bộ, đảng viên tích cực học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; học tập phong cách dân vận của Người: "Óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm", "trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân"; thực hiện tốt trách nhiệm nêu gương trong công tác và cuộc sống hàng ngày, nhất là người đứng đầu và cán bộ chủ chốt các cấp.

Hai là, tiếp tục đổi mới công tác tuyên truyền, vận động và phương thức nắm tình hình Nhân dân theo hướng chủ động, thiết thực, hiệu quả. Đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, vận động, tương tác với người dân, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin phù hợp với điều kiện phát triển, trình độ dân trí và môi trường sống của các tầng lớp Nhân dân; chủ động nắm chắc tình hình, đời sống, tâm trạng các tầng lớp Nhân dân, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào theo tôn giáo, vùng sâu, vùng xa, khó khăn, biên giới, địa bàn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp…

Qua đó, chủ động dự báo, đánh giá xu hướng của dư luận xã hội; vận động Nhân dân nhận thức đúng, tích cực tham gia phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa, giữ vững quốc phòng - an ninh, bảo đảm trật tự an toàn xã hội; tạo đồng thuận xã hội, thực hiện có hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đồng thời, đấu tranh, phản bác các thông tin sai trái, luận điệu xuyên tạc, chia rẽ, gây mất đoàn kết, ảnh hưởng tiêu cực đến quan hệ giữa Đảng với Nhân dân.

Ba là, tăng cường công tác dân vận của các cơ quan Nhà nước và chính quyền các cấp. Tập trung nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính, thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, nâng cao chất lượng hoạt động tiếp xúc cử tri, hoạt động tiếp công dân, đối thoại, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của Nhân dân. Nâng cao hiệu quả vận động Nhân dân thông qua thể chế hóa, cụ thể hóa các chủ trương, đường lối của Đảng bằng chính sách, pháp luật hợp lòng dân, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, đảm bảo hài hòa lợi ích nhà nước, doanh nghiệp, người dân, bảo vệ lợi ích chính đáng của các tầng lớp Nhân dân.

Nâng cao hiệu quả thực hiện dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện, trọng tâm nâng cao chất lượng thực hiện Quy chế dân chủ ở các loại hình cơ sở. Tiếp tục thể chế hóa, cụ thể hóa, thực hiện tốt cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội làm nòng cốt” để Nhân dân làm chủ; phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” và các quan điểm của Đảng, pháp luật của Nhà nước về thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở.

Bốn là, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và hội quần chúng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của theo hướng sát cơ sở, thực chất, hiệu quả. Phát huy vai trò đoàn kết, tập hợp đoàn viên, hội viên trong tổ chức; làm tốt vai trò đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên; làm nòng cốt chính trị trong công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Tổ chức tốt, đa dạng hóa các phong trào thi đua yêu nước, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.

Phối hợp các cơ quan Nhà nước trong lắng nghe, tiếp thu, giải trình ý kiến của Nhân dân; kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết các chủ trương, đường lối của Đảng liên quan đến đời sống Nhân dân, giải quyết kịp thời, hiệu quả những điểm nóng, phức tạp trong cộng đồng dân cư. Nâng cao chất lượng hoạt động giám sát và phản biện xã hội liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; khuyến khích, vận động đoàn viên, hội viên và Nhân dân giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức.

Năm là, đẩy mạnh phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong toàn hệ thống chính trị, gắn với động viên các tầng lớp Nhân dân tham gia tích cực các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động; hưởng ứng và thực hiện hiệu quả 3 Chương trình mục tiêu quốc gia: Xây dựng nông thôn mới; giảm nghèo bền vững; phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Kịp thời sơ kết, tổng kết, biểu dương, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến trong các phong trào thi đua yêu nước, trong công tác dân vận.

Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Lực lượng của dân rất to. Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công", mỗi cấp ủy, tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên trong hệ thống chính trị cần thường xuyên học tập tư tưởng, đạo đức và phong cách dân vận của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác; hết lòng quan tâm, chăm lo lợi ích và đời sống của Nhân dân; gắn việc làm tốt công tác dân vận với trách nhiệm nêu gương để Nhân dân tin tưởng, noi theo.

Cùng với cả nước, An Giang đã và đang tiếp tục tăng cường phối hợp, kết nối và vận động các nguồn lực thực hiện các công trình, phần việc, gắn với bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ kịp thời cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn. Tiếp tục triển khai có hiệu quả các phong trào thi đua “An Giang chung sức xây dựng nông thôn mới”, “An Giang chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”..., gắn với nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ chuyên môn; thực hiện tốt công tác dân vận trong hệ thống chính trị các cấp. Trong đó, thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”, tranh thủ sự đồng lòng, ủng hộ, góp sức của Nhân dân, tạo sự đoàn kết, thống nhất, nhằm mục tiêu xây dựng Đảng bộ tỉnh An Giang ngày càng trong sạch vững mạnh, quê hương Bác Tôn ngày càng phồn vinh.

HẠNH CHÂU