Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đề ra những nhiệm vụ quan trọng trong xây dựng Đảng về văn hóa.
Văn hóa là sức mạnh nội sinh, là nền tảng tinh thần của xã hội; vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nên trong tư tưởng Hồ Chí Minh “Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”. Đảm nhận sứ mệnh lịch sử lãnh đạo nhân dân tiến hành sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đảng ta nhận thức rõ vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng của văn hóa. Vì lẽ đó nên năm 1943, Đề cương về văn hóa Việt Nam của Đảng Cộng sản Đông Dương (Đảng Cộng sản Việt Nam) ra đời, như ngọn đèn soi rọi cho nền văn hóa cách mạng phát triển trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, tự do cho dân tộc.
Cũng như mọi tổ chức trong xã hội, Đảng Cộng sản Việt Nam cũng luôn quan tâm chăm lo xây dựng văn hóa trong Đảng. Nhiều nghị quyết, chỉ thị được ban hành về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng (Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII, XIII); về học tập làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh… nhằm mục tiêu xây dựng, chăm bồi văn hóa trong Đảng.
Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc diễn ra ngày 24/11/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung thực hiện, đó là: “Chú trọng xây dựng Đảng và hệ thống chính trị về văn hóa, về đạo đức; kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực để Đảng và hệ thống chính trị của nước ta thật sự là đạo đức, là văn minh, tiêu biểu cho lương tri và phẩm giá con người Việt Nam”.
Cũng tại hội nghị này, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đã trình bày báo cáo tóm tắt với tiêu đề “Kế thừa, phát huy truyền thống văn hóa dân tộc; xây dựng, phát triển văn hóa sau 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới đất nước; các định hướng, giải pháp chủ yếu nhằm phát triển văn hóa, con người Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng”.
Báo cáo nêu rõ, văn hóa Việt Nam là thành quả hàng nghìn năm lao động sáng tạo, đấu tranh kiên cường dựng nước và giữ nước của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, là kết quả giao lưu và tiếp thu tinh hoa của nhiều nền văn minh thế giới. Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn xác định: Văn hóa là một mặt trận quan trọng, “văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”; văn hóa Việt Nam mang tính dân tộc, khoa học, đại chúng.
Xây dựng văn hóa trong Đảng theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng là xây dựng văn hóa đạo đức cán bộ, đảng viên, nhất là việc nêu cao tinh thần gương mẫu, thường xuyên rèn luyện đạo đức, lối sống, bản lĩnh chính trị, ý thức trách nhiệm, trung thực, tiên phong trong mọi hoạt động và phong trào.
Tích cực xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng. Đẩy mạnh giáo dục đạo đức cách mạng, thực hiện thường xuyên, sâu, rộng và có hiệu quả việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị. Thực hiện nghiêm các quy định của Đảng về trách nhiệm nêu gương để khẳng định vị trí lãnh đạo, vai trò tiên phong, gương mẫu, tạo sự lan tỏa, thúc đẩy các phong trào cách mạng.
Bên cạnh đó, cần tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện các giá trị đạo đức cách mạng theo tinh thần “Đảng ta là đạo đức, là văn minh” phù hợp với điều kiện mới và truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Xây dựng các chuẩn mực đạo đức làm cơ sở cho cán bộ, đảng viên tự điều chỉnh hành vi ứng xử trong công việc hàng ngày. Đẩy mạnh giáo dục đạo đức cách mạng, làm cho mỗi cán bộ, đảng viên thấy rõ bổn phận và trách nhiệm của mình, luôn vững vàng trước khó khăn, thách thức và không bị cám dỗ bởi vật chất, tiền tài, danh vọng. Nâng cao ý thức tu dưỡng, rèn luyện và thực hành đạo đức cách mạng. Tăng cường đấu tranh chống các quan điểm, hành vi phản đạo đức, phi đạo đức. Cổ vũ, biểu dương các gương sáng đạo đức, tạo ảnh hưởng sâu rộng trong Đảng và ngoài xã hội.
Có thể thấy, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định những quan điểm, chủ trương rất mới, sâu sắc và toàn diện, đột phá về phát triển văn hóa, con người và nguồn nhân lực. Đây là phương hướng quan trọng để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta tiếp tục hướng đến những thành tựu mới trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong thời đại mới.
Văn hóa trong Đảng mang ý nghĩa vô cùng quan trọng, việc xây dựng văn hóa trong Đảng chính là xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, góp phần quan trọng trong sự nghiệp xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Qua đó, tiếp tục tạo được niềm tin sâu sắc với quần chúng nhân dân, để Đảng ta thực sự “là đạo đức, là văn minh” như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định.
T.T