Xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc

28/06/2021 - 04:17

 - Kỷ niệm 20 năm ngày Gia đình Việt Nam (28-6-2001-28-6-2021) và Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình nhằm tôn vinh những giá trị nhân văn sâu sắc của gia đình Việt Nam. Qua đó, vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn minh, văn hóa ứng xử trong gia đình, cộng đồng xã hội, phòng, chống bạo lực gia đình; kế thừa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu có chọn lọc các giá trị tiên tiến. Đồng thời, đề cao trách nhiệm của lãnh đạo các cấp, ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội và các gia đình trong việc xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, bền vững…

Phụ nữ ngày càng có vị trí quan trọng trong các lĩnh vực

Thời gian qua, công tác phòng, chống bạo lực gia đình và xây dựng gia đình hạnh phúc được triển khai rất hiệu quả. Các cấp, ngành trong tỉnh tăng cường tuyên truyền tầm quan trọng của việc xây dựng gia đình hạnh phúc, tổ chức các lớp tập huấn kiến thức, kỹ năng xây dựng gia đình hạnh phúc bền vững, phòng, chống bạo lực gia đình…

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội An Giang phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền bình đẳng giới, nâng cao kiến thức và vị thế của phụ nữ trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, tạo sự chuyển biến về nhận thức bất bình đẳng giới, thu hẹp khoảng cách giữa nam và nữ trong các lĩnh vực theo chương trình mục tiêu quốc gia “Vì sự tiến bộ phụ nữ”, phát huy vai trò, vị trí của phụ nữ. Qua đó, thay đổi hành vi, đẩy lùi tư tưởng định kiến giới - là nguyên nhân làm gia tăng chênh lệch chỉ số giới tính khi sinh. Chú trọng tuyên truyền nhằm ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng bạo lực trên cơ sở giới, trong đó có vấn đề xâm hại tình dục đối với phụ nữ và trẻ em... Hình thức thực hiện rất sinh động, như: đăng tải các thông tin, bản tin, bài viết, bản tin đồ họa (infographic), video clip, banner và hình ảnh phục vụ công tác truyền thông trên Cổng thông tin điện tử tỉnh tại địa chỉ http://angiang.gov.vn và các trang mạng xã hội của Cổng thông tin điện tử tỉnh (Zalo tại Official account “Cổng thông tin tỉnh An Giang”; Facebook tại địa chỉ https://www.facebook.com/cttangiang).

Duy trì hoạt động và nhân rộng mô hình phòng, chống bạo lực gia đình; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về hôn nhân gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình, bình đẳng giới, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình... Tham mưu UBND tỉnh hướng dẫn địa phương duy trì và nhân rộng các mô hình phòng ngừa và ứng phó các hành vi bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em. Đến nay, toàn tỉnh có 654 câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững, 588 nhóm phòng, chống bạo lực gia đình và duy trì 394 địa chỉ tin cậy tại địa phương. Mô hình phòng, chống bạo lực gia đình ở huyện, thị xã, thành phố đang được duy trì, tập trung củng cố và nâng chất hoạt động. 

Ban “Vì sự tiến bộ của phụ nữ” các ban, ngành cấp tỉnh và huyện được củng cố, kiện toàn. Từ đó, công tác tuyên truyền các văn bản pháp luật liên quan đến công tác này được đẩy mạnh. Nhận thức của bản thân phụ nữ về vai trò, vị trí trong gia đình và xã hội có nhiều tiến bộ, nhất là nữ cán bộ, công chức, viên chức, nữ doanh nhân, nữ trí thức, cán bộ lãnh đạo, quản lý nữ. Ngày càng có nhiều phụ nữ nỗ lực, tự tin vươn lên, khẳng định mình trong các lĩnh vực đời sống xã hội; trình độ học vấn, năng lực chuyên môn, đời sống vật chất, tinh thần được nâng lên. Nhìn chung, công tác cán bộ nữ được cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp chú trọng hơn từ khâu quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng đến khâu bố trí, đề bạt cán bộ nữ, nhất là cán bộ trẻ, cán bộ người dân tộc thiểu số. 

Tăng cường giám sát mô hình “ngăn ngừa, giảm thiểu tác hại của bạo lực trên cơ sở giới” tại huyện An Phú, Chợ Mới, Tri Tôn, Tịnh Biên… Qua kiểm tra, các xã thực hiện mô hình rất hiệu quả, giúp người dân nhận thức và hạn chế bạo lực gia đình tại địa phương. Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tăng cường phối hợp Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh xây dựng mô hình các câu lạc bộ gia đình hạnh phúc, bình đẳng và không có bạo lực, các địa chỉ tin cậy. Kết nối "đường dây nóng" và thực hiện mô hình cung cấp dịch vụ bình đẳng giới tại Trung tâm Công tác xã hội - Bảo vệ trẻ em tỉnh An Giang; thực hiện nhiệm vụ bình đẳng giới, tuyên truyền phòng, chống mua bán phụ nữ và phòng, chống bạo lực gia đình...

Nhân rộng và thực hiện thí điểm mô hình tư vấn, hỗ trợ phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới, các mô hình phòng, chống buôn bán người, mô hình “ngăn ngừa giảm thiểu tác hại của bạo lực trên cơ sở giới”, mô hình “địa chỉ tin cậy - nhà tạm lánh”, “xây dựng sửa đổi quy ước, hương ước đảm bảo nguyên tắc bình đẳng giới”... Đồng thời, triển khai và thực hiện mô hình Trung tâm công tác xã hội cung cấp dịch vụ hỗ trợ bình đẳng giới, như: bảo vệ, chăm sóc đối tượng; truyền thông nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi; nâng cao năng lực về bình đẳng giới; tư vấn, tham vấn những vấn đề liên quan đến bất bình đẳng giới; cung cấp dịch vụ bảo vệ khẩn cấp phòng, tránh bạo lực trên cơ sở giới...

Bài, ảnh: HỮU HUYNH

 

Liên kết hữu ích