Nhiều lực lượng góp sức bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở
Theo Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, hiện nay, vấn đề tranh chấp, khiếu kiện, hoạt động tội phạm, tình hình tai nạn, tệ nạn xã hội ở nhiều địa phương tiềm ẩn phức tạp; vi phạm quy định về tham gia giao thông, quản lý cư trú… diễn ra khá phổ biến. Đa số vụ, việc liên quan đến ANTT đều xảy ra ở cơ sở, cần được phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời, hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả cho xã hội.
Tất cả xã, thị trấn đã được bố trí công an chính quy để tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền phát động, xây dựng phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, hướng dẫn các tổ chức quần chúng tự nguyện trong công tác bảo vệ ANTT; trực tiếp nắm tình hình, tiếp nhận, giải quyết ban đầu, tại chỗ ANTT ở cơ sở.
Tuy nhiên, lực lượng công an chính quy gặp nhiều khó khăn trong quán xuyến địa bàn, cần sự tham gia của các lực lượng quần chúng ở cơ sở, nhất là công an xã bán chuyên trách trước đây, bảo vệ dân phố, dân phòng. Thực tiễn cho thấy, các lực lượng này tích cực tham gia, thực hiện tốt nhiệm vụ theo sự điều chỉnh của những nhóm quy phạm pháp luật khác nhau.
Dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở tạo hành lang pháp lý để sắp xếp, kiện toàn lại 3 lực lượng (bảo vệ dân phố, dân phòng và công an xã bán chuyên trách) thành 1 tổ chức với chức năng, nhiệm vụ tập trung, làm nòng cốt hỗ trợ công an chính quy bảo vệ ANTT ở cơ sở.
Tháng 8/2023, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh rà soát, bổ sung, chỉnh lý nhiệm vụ của lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở rõ ràng, cụ thể hơn, phù hợp với vị trí, chức năng, trình độ, năng lực của lực lượng này để bảo đảm tính khả thi; thể hiện rõ đây là lực lượng hỗ trợ công an cấp xã, thực hiện nhiệm vụ cùng với công an cấp xã, theo sự hướng dẫn, phân công, chỉ đạo của công an cấp xã; bảo đảm không để chồng chéo, trùng lặp với nhiệm vụ của các lực lượng khác ở cơ sở đã được quy định trong luật có liên quan.
Bên cạnh đó, bổ sung nhiệm vụ tham gia nắm tình hình về trật tự, an toàn xã hội, bạo lực gia đình trên địa bàn phụ trách. Kinh phí hoạt động, trang bị cơ sở vật chất đối với lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở do ngân sách nhà nước bảo đảm; các nguồn tài chính huy động hợp pháp khác. Hàng năm, Bộ Công an, UBND các cấp có trách nhiệm lập dự toán, chấp hành và quyết toán ngân sách nhà nước cho lực lượng này.
Đóng góp dự án luật, nhiều ý kiến đồng thuận với sự cần thiết ban hành luật trong giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên, điểm băn khoăn nhất là tiêu chuẩn tham gia lực lượng. Chưa rõ độ tuổi tối đa của người tham gia (đề xuất không quá 65 tuổi); người cư trú địa phương cấp xã này có thể tham gia địa phương cấp xã khác hay không; mỗi xã bố trí tối đa bao nhiêu nhân sự…
“Dự thảo quy định trình độ văn hóa của người tham gia từ THPT trở lên là quá cao so với mặt bằng văn hóa của người dân cả nước. Đề nghị hạ thấp tiêu chuẩn này xuống thành “trình độ THCS trở lên”. Đối với xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, có thể áp dụng trình độ hoàn thành chương trình tiểu học” - ông Phan Ngọc Minh (Hội Luật gia tỉnh An Giang) nhận định.
Phó trưởng phòng Cải cách hành chính và Xây dựng chính quyền (Sở Nội vụ) Mai Thiện Nhân phân tích: “Hiện nay, chính sách dành cho cả 3 lực lượng đều gặp khó. Đối với lực lượng bảo vệ dân phố, mức phụ cấp rất thấp (0,5 mức lương cơ sở), cử tri nhiều lần kiến nghị tăng lên, nhưng HĐND tỉnh chưa có cơ sở pháp lý điều chỉnh. Lực lượng dân phòng không được hưởng chính sách, chỉ hoạt động nếu được huy động.
Đối với công an cấp xã (bán chuyên trách), lực lượng này xem như đã giải tán, không còn tồn tại, khi áp dụng quy định công an chính quy về xã. Công an viên được trưng dụng lại phụ trách địa bàn ấp, nhưng chế độ chính sách không có, chỉ có phụ cấp tạm thời; cũng không thể tuyển mới. Công an chính quy được bố trí rất mỏng, cần lực lượng nắm chắc địa bàn hỗ trợ. Nếu không giải quyết được gút mắc này, hoạt động đảm bảo ANTT ở cơ sở gặp nhiều khó khăn”.
Chính vì thế, dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở kỳ vọng sớm được thống nhất ban hành, tạo cơ chế vững chắc về chế độ, chính sách phù hợp tình hình mới; xây dựng, củng cố, duy trì lực lượng quan trọng ở cơ sở, góp phần gìn giữ ANTT địa phương.
Dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở gồm 5 chương, 31 điều, quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, nguyên tắc tổ chức, hoạt động, quan hệ công tác, xây dựng lực lượng, bảo đảm điều kiện hoạt động và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức đối với lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở. |
AN KHANG