An Giang là tỉnh có vị trí chiến lược quan trọng của vùng Tây Nam Bộ, với đường biên giới dài gần 100km, tiếp giáp tỉnh Takeo và Kandal (Vương quốc Campuchia). Khu vực biên giới gồm 18 xã, phường, thị trấn thuộc 5 huyện, thị xã, thành phố biên giới; tổng dân số 54.421 hộ (213.709 nhân khẩu). Trong đó, dân tộc thiểu số (DTTS) Khmer có 599 hộ, 2.759 nhân khẩu. Đời sống bà con được nâng lên rõ nét từng ngày.
9 tháng của năm 2024, tội phạm về trật tự xã hội toàn tỉnh xảy ra 901 vụ (giảm 26,2% so cùng kỳ năm 2023); bắt, xử lý 1.093 đối tượng. Trong số này, chỉ 3,3% người DTTS Khmer vi phạm pháp luật. Một số tội phạm được kéo giảm, như: Trộm cắp tài sản (giảm 39,3%), cướp giật tài sản 963,5%), cướp tài sản (40%). Tuy nhiên, tội phạm hoạt động đan xen phương thức truyền thống với hiện đại, triệt để lợi dụng khoa học - công nghệ để lẩn trốn, che giấu hành vi, dẫn đến một số tội phạm diễn biến phức tạp, tăng so cùng kỳ. Đó là tội cố ý gây thương tích tăng 11,3%; gây rối trật tự tăng 94,4%... Đối với tội phạm, vi phạm pháp luật về ma túy, tỉnh bắt giữ 216 vụ, tăng 30,9%. Trong 424 đối tượng liên quan, chỉ có 1,7% người DTTS Khmer.
Thăm, tặng quà chức sắc, sư sãi Phật giáo Nam tông Khmer
Đại tá Lâm Phước Nguyên nhấn mạnh: “Thời gian qua, sự phối hợp giữa lực lượng công an và chức sắc, sư sãi Phật giáo Nam tông Khmer đã tạo nên mối quan hệ gắn bó mật thiết, dựa trên tin cậy và hỗ trợ lẫn nhau. Chúng tôi đánh giá rất cao mối quan hệ này, cần tiếp tục vun đắp trong thời gian tới. Chia sẻ tình hình trật tự, an toàn xã hội của tỉnh, lực lượng công an mong muốn các vị chức sắc, sư sãi tiếp tục phát huy vai trò quan trọng của mình trong cộng đồng. Các vị tăng cường tuyên truyền trong phật tử, đồng bào DTTS, giúp họ nắm rõ âm mưu, thủ đoạn của tội phạm, không bị lừa gạt, lợi dụng, tiếp tay cho việc ác”.
Toàn tỉnh có 66 cơ sở thờ tự của Phật giáo Nam tông Khmer. Trong số đó, rất nhiều chức sắc, sư sãi đóng góp tích cực vào đảm bảo ANTT, cùng phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Có thể kể đến, tấm gương của hòa thượng Chau Ty (Phó Pháp chủ Hội đồng chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Chứng minh Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh, trụ trì chùa Soài So, huyện Tri Tôn). Hòa thượng là tấm gương điển hình trong việc xây dựng mối quan hệ đoàn kết tôn giáo, giữa hệ phái Nam tông và Bắc tông trong ngôi nhà chung Giáo hội Phật giáo Việt Nam; giữa Phật giáo Việt Nam với các tôn giáo khác. Đồng thời, là cầu nối, tạo gắn kết giữa lãnh đạo Đảng, Nhà nước, MTTQ, đoàn thể các cấp với đồng bào các dân tộc. Quá trình sinh hoạt tôn giáo, hòa thượng Chau Ty thường kết hợp nắm bắt, phản ánh tâm tư, nguyện vọng, nhắc nhở sư sãi, phật tử thực hiện tốt pháp luật Nhà nước và giáo luật.
Hay hòa thượng Chau Sơn Hy (Ủy viên Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh, trụ trì chùa Sà Lôn, huyện Tri Tôn), người tích cực vận động người dân, phật tử đóng góp chỉnh trang hạ tầng giao thông nơi “huyện nghèo của cả nước”, tạo điều kiện đi lại, vận chuyển hàng hóa thuận tiện, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. “Trong mọi khâu vận động an sinh xã hội, chúng tôi đều nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình, hiệu quả của công an từ huyện đến xã. Chức sắc, sư sãi Phật giáo Nam tông Khmer cũng tham gia MTTQ, HĐND các cấp, quyết tâm chung tay phát triển vùng đồng bào DTTS. Sắp tới, nhiều ngày lễ trọng, hoạt động lớn được tổ chức, chúng tôi rất mong tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của lực lượng công an về vật chất lẫn tinh thần” - hòa thượng Chau Sơn Hy gửi gắm.
Tại buổi họp mặt nhân dịp lễ Sene Dolta năm 2024 do ban giám đốc Công an tỉnh tổ chức, nhiều đề xuất, kiến nghị được các vị chức sắc, sư sãi Phật giáo Nam tông Khmer bày tỏ. Tất cả đều chung mong muốn lực lượng công an tiếp tục triển khai hiệu quả công tác đảm bảo ANTT tại phum sóc, để bà con yên tâm tăng gia sản xuất, làm giàu cho gia đình, quê hương. Điều đó cũng thể hiện tinh thần đoàn kết, gắn bó thống nhất giữa các dân tộc cùng sinh sống, hài hòa trên địa bàn tỉnh.
GIA KHÁNH