Với trường Đảng, việc xây dựng văn hóa công sở rất quan trọng
Văn kiện Đại hội XIII của Đảng xác định: “Phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hoá là nền tảng tinh thần; bảo đảm quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên”. “Điều đó có nghĩa, sự phát triển của văn hóa là tiền đề quan trọng để thực hiện thắng lợi những mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, mở rộng quan hệ đối ngoại, giữ vững ổn định chính trị, để đưa đất nước phát triển phồn vinh, hạnh phúc. Văn hóa trường Đảng được biểu hiện qua những chuẩn mực trong ứng xử, giao tiếp, trong thực thi nhiệm vụ chuyên môn, trong tư tưởng, đạo đức, lối sống của giảng viên, viên chức, học viên và người lao động. Chính vì vậy, xây dựng văn hóa trường Đảng là một trong những nhiệm vụ quan trọng để các trường chính trị nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ chính trị; giữ vai trò quan trọng trong việc định hình, phát triển môi trường làm việc văn minh và nâng cao hiệu quả hoạt động theo hướng chuyên nghiệp, năng động, hiện đại và hội nhập, góp phần lan tỏa những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc trong giai đoạn mới” - ThS. Huỳnh Đức Hiền, Phó Hiệu trưởng Trường Chính trị Tôn Đức Thắng nhấn mạnh.
Do vậy, việc xây dựng “Văn hóa Đảng” là việc làm cần thiết, thường xuyên và lâu dài, có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với mỗi cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên và nhân dân trong xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, để văn hóa thực sự “soi đường cho quốc dân đi”. Trên cơ sở nhận thức rõ ý nghĩa và tầm quan trọng của việc xây dựng văn hóa công sở, văn hóa trường Đảng, hiệu trưởng Trường Chính trị Tôn Đức Thắng đã ký Quyết định 93-QĐ/TCTTĐT ban hành quy chế ứng xử văn hóa của Trường Chính trị Tôn Đức Thắng.
Với mục đích phân tích, làm rõ những kết quả đã đạt được, những hạn chế, khó khăn, vướng mắc, để đề ra những giải pháp phù hợp nhằm xây dựng văn hóa công sở Trường Chính trị Tôn Đức Thắng nền nếp, dân chủ, khoa học, kỷ cương và chuyên nghiệp, Trường Chính trị Tôn Đức Thắng đã tổ chức thành công hội thảo cấp trường, với chủ đề: “Xây dựng văn hóa công sở ở Trường Chính trị Tôn Đức Thắng hướng đến trường chính trị chuẩn mức 2”. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng và yêu cầu ngày càng cao về chất lượng đội ngũ cán bộ, việc xây dựng văn hóa công sở, đặc biệt là văn hóa trường Đảng, trở thành nhiệm vụ cấp thiết. Văn hóa công sở không chỉ tạo môi trường làm việc chuyên nghiệp, mà còn góp phần quan trọng vào việc hình thành nhân cách, phẩm chất đạo đức của cán bộ, đảng viên.
Tại hội thảo, đại biểu tập trung thảo luận, phân tích, luận giải, làm rõ thêm một số vấn đề trọng tâm: Những vấn đề lý luận về xây dựng văn hóa trường Đảng nói chung, văn hóa công sở nói riêng; những nhân tố tác động; thuận lợi, khó khăn, thách thức và yêu cầu đặt ra để xây dựng văn hóa trường Đảng hiện nay; thuận lợi, khó khăn và giải pháp trong công tác phối hợp giữa ban giám hiệu, các khoa, phòng, giảng viên, học viên trong xây dựng văn hóa công sở tại trường chính trị; thực trạng và giải pháp xây dựng văn hóa cơ sở Trường Chính trị Tôn Đức Thắng duy trì mức 1 và hướng đến đạt chuẩn mức 2…
Tuy nhiên, để hiện thực hóa các ý tưởng thành kết quả cụ thể, đòi hỏi sự đồng lòng và quyết tâm cao hơn nữa của tất cả viên chức, người lao động và học viên Trường Chính Tôn Đức Thắng trong việc thực hiện và lan tỏa giá trị chuẩn mực của trường đó là: “Trách nhiệm, thân thiện, chuẩn mực, đổi mới, chất lượng”. ThS. Huỳnh Đức Hiền, Phó Hiệu trưởng Trường Chính trị Tôn Đức Thắng đề nghị: “Các giảng viên, học viên và người lao động cần tự giác nâng cao ý thức trách nhiệm, rèn luyện đạo đức công vụ, phát huy tính chuyên nghiệp trong công việc, có hành vi ứng xử, giao tiếp đúng mực với học viên, với đồng nghiệp, góp phần xây dựng môi trường làm việc năng động, chuẩn mực, gương mẫu, hiện đại và hội nhập. Đối với học viên, cần nhận thức rõ về vai trò, trách nhiệm của bản thân trong xây dựng văn hóa công sở khi tham gia học tập tại trường. Xem Trường Chính trị Tôn Đức Thắng là môi trường để rèn luyện, học tập và lan tỏa các giá trị đạo đức, phong cách làm việc chuẩn mực, khoa học trong thực tiễn công tác tại địa phương, đơn vị”.
Xây dựng văn hóa công sở là quá trình lâu dài, đòi hỏi sự nỗ lực của tập thể Trường Chính trị Tôn Đức Thắng, hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo và đạt chuẩn "Trường chính trị chuẩn mức 2".
PHƯƠNG LAN