Mạnh tay kéo sợi dây cương cho chú ngựa dừng lại bên vệ đường, Chau Da (ngụ xã Vĩnh Trung, Tịnh Biên) không giấu được niềm vui, bởi ông đang bước vào mùa làm ăn mạnh nhất trong năm. Với người có trên 30 năm đánh xe ngựa như Chau Da, nghề này đã trở thành cái “nghiệp”, là thứ mà ông cảm thấy gần gũi đến mức không thể tách rời. Đó là kế mưu sinh và là mong muốn duy trì nét đẹp truyền thống trong sinh hoạt của đồng bào dân tộc thiểu số Khmer: văn hóa xe ngựa.
Khi được hỏi về nguồn thu vào thời điểm này, Chau Da phấn khởi: “Từ hơn tháng nay nghề đánh xe ngựa làm ăn được lắm. Mỗi ngày, tui kiếm được 200.000 - 300.000 đồng, gấp đôi mấy tháng trước. Hổm nay, người ta thuê tui chở bàn ghế, củi, lúa… để chuẩn bị ăn Tết. Dù là Tết của người Việt nhưng đồng bào Khmer cũng trang hoàng nhà cửa để đón năm mới. Bởi vậy, người làm nghề đánh xe ngựa mới có đồng vô khá hơn”- vừa trao đổi với chúng tôi, Chau Da vừa nhấm nháp ly cà phê như phần thưởng cho mình sau 1 ngày lao động miệt mài.
Chau Khương gắn bó cùng xe ngựa
Chau Da cho biết, nghề đánh xe ngựa bây giờ không thịnh hành như vài chục năm trước nhưng vẫn sống được bởi đường tới phum, sóc không dễ đi, xe tải vô không lọt mà xe gắn máy lại không kham nổi. Chính nhờ tải trọng “lở lở” chừng 500kg/chuyến của xe ngựa mà ông Chau Da với hơn 20 anh em khác cùng nghề có thể nuôi sống gia đình quanh năm. “Có người thu nhập không đủ sống thì bán ngựa “đi công ty” ở Bình Dương, anh em nào thương nghề thì đánh xe suốt ngày mới đủ lo gia đình. Nếu mình chịu khó thì ít nhiều vẫn có thể sống được, bởi tôi đã hơn 60 tuổi mà vẫn gắn bó với nghề. Người nào có đất ruộng thì khi nào rảnh mới ra đánh xe ngựa. Khoảng nửa tháng nữa, anh em ra bến xe ngựa Vĩnh Trung này đông lắm, vì lúc đó người ta bắt đầu thuê chở hàng nhiều hơn” - Chau Da thật tình.
Là “đồng nghiệp” của Chau Da, anh Chau Khương (ngụ cùng xã Vĩnh Trung) dù ít tuổi hơn nhưng đã có hơn 15 năm "lốc cốc" xe ngựa trên những nẻo đường Bảy Núi. Từ Vĩnh Trung, Chau Khương có thể chở hàng thuê vô thị trấn Chi Lăng, ra xã Văn Giáo, vào xã An Cư, cũng có khi đi tới thị trấn Nhà Bàng hay TP. Châu Đốc. Tất nhiên, quảng đường sẽ tỷ lệ thuận với số tiền người thuê xe bỏ ra. “Nếu vô phum, sóc thì tui ăn 50.000 đồng/chuyến, qua các xã khác thì 100.000-200.00 đồng/chuyến. Khi ra tận Châu Đốc đến 600.000- 800.000 đồng/chuyến bởi đường xa ngựa đi mệt lắm. Mấy năm nay, nhiều gia đình thuê xe ngựa rước đám cưới nên tụi tui làm luôn “dịch vụ” này. Với lại, mấy ngày Tết các khu du lịch cũng hợp đồng thuê xe ngựa chở khách tham quan nên anh em sống được lắm” - Chau Khương thật tình.
Cuối năm xe ngựa đắt chuyến hơn
Trong ký ức từ ngày thơ bé của Chau Khương, tiếng xe ngựa thật gần gũi. Cái âm thanh lốc cốc vọng đều trong trí nhớ của anh, nó khắc họa một phần nếp sống chân chất của đồng bào dân tộc thiểu số Khmer ngày trước. Đã có một thời xe ngựa là văn hóa. Người ta không thể sống thiếu xe ngựa bởi nó phục vụ sản xuất, chở hàng hóa rồi lại đưa rước khách đi chợ, đến chùa. Lúc chở lúa ngoài ruộng, xe ngựa đơn sơ, gần gũi và mạnh mẽ. Lúc chở khách đi chơi hay dự đám tiệc, lễ, Tết xe ngựa lại lộng lẫy, “xa hoa” một cách đáng yêu. Chẳng thế mà nam thanh, nữ tú ngày nay cứ muốn thuê xe ngựa để “đưa nàng về dinh” theo đúng nét đẹp văn hóa của người Nam Bộ.
Lúc này, Chau Da, Chau Khương và các “đồng nghiệp” khác đang chuẩn bị cho thời điểm làm việc tất bật nhất trong năm. Họ chăm chút chú ngựa của mình bằng cách nâng khẩu phần ăn. Thực đơn của ngựa trong mấy tháng cuối năm ngoài cỏ thì còn có thân cây chuối hột sắc nhuyễn trộn với lúa. Theo những người đánh xe lâu năm, món ăn này giúp ngựa tăng sức bền nên có thể đáp ứng nhu cầu vận chuyển liên tục dịp cuối năm. Ngoài ra, các “tài xế” còn cho ngựa uống nước pha cám hay tăng khẩu phần cỏ cho ngựa để nâng tải trọng trong mỗi chuyến chở hàng. Với họ, xe ngựa không chỉ là phương tiện mưu sinh mà còn là người bạn trên những nẻo đường gian nan. Cái tiếng nhạc "lốc cốc" của nó mặc nhiên trở thành nỗi nhớ mỗi khi họ buông dây cương bươn chải xứ người.
Nở nụ cười tạm biệt chúng tôi, Chau Khương giật dây cương để chú ngựa của mình tung vó lộc cộc trên tuyến đường ngập ánh nắng chiều. Có lẽ, “nhất nhơn - nhất mã” ấy sẽ bận rộn hơn khi Tết Nguyên đán tới gần. Khi đó, những ai làm nghề đánh xe ngựa như Chau Khương, Chau Da sẽ có điều kiện gắn bó lâu dài hơn với nghề truyền thống của cha ông.
THANH TIẾN