Xiếc Việt và đỉnh cao nghệ thuật

22/06/2018 - 10:05

Chỉ dừng lại ở vị trí thứ 5 chung cuộc cuộc thi tìm kiếm tài năng của Anh (Britain’s Got Talent) nhưng hai anh em Giang Quốc Cơ, Giang Quốc Nghiệp đã mang lại những phút giây hồi hộp cho hàng triệu người xem toàn thế giới và đặc biệt hơn thế là niềm tự hào lớn lao của người dân Việt Nam với xiếc và bản sắc văn hóa, ý chí con người Việt Nam.

Tiết mục trong vòng chung kết Britain’s Got Talent của Quốc Cơ - Quốc Nghiệp

Nhân dịp này, báo GD&TĐ đã có cuộc trò chuyện cùng đạo diễn, TS Hoàng Minh Khánh - Hiệu trưởng trường Trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kĩ Việt Nam - xung quanh những vấn đề nâng chất xiếc Việt .

Niềm tự hào xiếc Việt

Thưa đạo diễn, TS Hoàng Minh Khánh, trong những ngày này tiết mục biểu diễn của hai anh em Giang Quốc Cơ, Giang Quốc Nghiệp tại cuộc thi Britain’s Got Talent đã mang lại nhiều cảm xúc của khán giả truyền hình trên toàn thế giới và đặc biệt niềm tự hào không nhỏ cho người dân Việt Nam. Dưới góc độ đạo diễn xiếc, quản lý trường xiếc, ông có thể nói rõ hơn về sự thành công này?

- Đối với những tiết mục biểu diễn của Giang Quốc Cơ (GQC), Giang Quốc Nghiệp (GQN) trong vòng thi tìm kiếm tài năng nước Anh (Britain’s Got Talent) phải khẳng định sự thành công trên nhiều mặt.

Trước hết, về trình độ kĩ thuật của GQC, GQN đối với xiếc đã ở trình độ cao. Kĩ năng biểu diễn thực hiện các động tác kĩ thuật xiếc ở loại giỏi. Đạo diễn tiết mục đã bố trí sắp xếp bài bản từ vòng đầu đến vòng 2 và tới vòng chung kết một cách khoa học, logic và theo quy luật từ khó đến dễ, từ thấp đến cao và tăng dần.

Về thể loại, tiết mục thuộc thể loại thăng bằng - một thể loại không khó tập nhưng đối với ngành xiếc dù ở bất kỳ thể loại nào cũng đòi hỏi phải có năng khiếu, lòng yêu nghề, sự công phu chỉn chu đến từng chi tiết. Và ở mỗi thể loại từ dễ tập đến khó tập, nguy hiểm… thì mục tiêu đặt ra cuối cùng với diễn viên xiếc là phải đạt đến đỉnh cao nhất của nghệ thuật.

Chúng ta không thể so sánh tiết mục thăng bằng với các thể loại tiết mục khác. Nhưng nếu để so sánh tiết mục ở dạng thăng bằng với nhau thì tiết mục của hai anh em GQC, GQN đã đạt đến trình độ cao nhất ở thể loại tiết mục thăng bằng.

Xét về mặt thiết kế đạo cụ: Ở vòng thi đầu chỉ là cái đế có điểm tì chân sau đó đi lên xuống cầu thang, đến vòng 2 cũng động tác đó nhưng diễn viên được bịt mắt đã nâng lên một tầm cao khác, và vòng thi cuối cùng vẫn động tác trồng đầu lên nhau nhưng thực hiện bước nhảy từ trụ sang bàn với khoảng cách xa (vẫn kiểm soát được độ cao, độ xa và trình độ của 2 diễn viên) mà các em thực hiện hoàn hảo.

Có thể nhận thấy, khâu đạo cụ trong quá trình biểu diễn tiết mục ở vòng chung kết không phải tự nhiên đổ, đây là sự bố trí sắp xếp, thiết kế để các trụ đều bị đổ vào đúng lúc bước lên bậc cao nhất chuẩn bị bước tiếp sang bàn. Theo tâm lý chung khán giả sẽ đặt câu hỏi vì sao không có sự chuẩn bị tốt về đạo cụ nhưng thực ra đó là sự bố trí. Cùng đó sự kết hợp trong biểu diễn của GQC GQN (biểu hiện trên nét mặt) cùng người phụ giúp loay hay phía dưới với người biểu diễn phía trên đã đẩy tâm lý khán giả tới lo lắng tột cùng…

Về góc độ đạo diễn: Phải khẳng định “bàn tay” đạo diễn quá giỏi. Tình huống gây hồi hộp cho khán giả được ngắt nghỉ hợp lý nên đẩy đến kịch điểm. Đạo diễn đã khai thác và đẩy được tâm lý người xem từ căng thẳng tới lo lắng và thậm chí nhiều khán giả đã lo sợ cho tính mạng của hai diễn viên GQC, GQN…

Tóm lại, tiết mục thành công bởi hội tụ được mọi yếu tố: thiết kế đạo cụ, đạo diễn, kĩ thuật biểu diễn của diễn viên, ánh sáng, âm thanh, tiếng động, đặc biệt trang phục biểu diễn, lá cờ đỏ sao vàng trên ngực diễn viên. Khán giả đã vỡ òa cảm xúc khi hai anh em hoàn thành các động tác kĩ thuật.

Với tiết mục biểu diễn này, GQC, GQN đã nâng lên tầm nghệ thuật chứ không dừng lại ở trò diễn. Tiết mục bên cạnh yếu tố giáo dục tự tôn dân tộc mà những hình ảnh về đất nước, ý chí, con người Việt Nam đã được lan tỏa ra các nước trên thế giới.

Từ những diễn viên xiếc thành danh như GQC, GQN, trường xiếc có kế hoạch gì trong việc cộng tác và sử dụng những tài năng cho các thế hệ diễn viên đang học trong trường?

- Trước thành công của GQC, GQN trường xiếc đã mời một số nghệ sĩ thành danh trong và ngoài nước cộng tác trong công tác huấn luyện nghệ sĩ xiếc tại trường. Gần đây nhất trường đã mời các nghệ sĩ thành công đến từ huấn luyện, trao đổi những trải nghiệm dẫn tới thành công cho HS.

Đối với những HS của trường đạt những giải cao (HCV, HCB…) ở các cuộc thi xiếc quốc tế chúng tôi vừa hợp đồng để các em làm trợ giảng, mặt khác cũng là cách để tạo nguồn giáo viên trong tương lai cho nhà trường.

Với GQC, GQN thời gian tới (khoảng tháng 8/2018) BGH nhà trường sẽ mời 2 anh em tới trường xiếc để chia sẻ với HS và giáo viên nhà trường về những khổ luyện nghề nghiệp, ý chí phấn đấu vượt qua khó khăn tạo ra thành công.

Được các nghệ sĩ thành công truyền dạy một cách trực tiếp HS sẽ được động viên tinh thần từ đó nâng cao ý chí phấn đấu đạt được những thành tích. Những hình mẫu sống động và thực tế sẽ có sức lan tỏa, giáo dục lớn đối với HS hiệu quả.

Xiếc Việt đang có sự đổi mới không ngừng

Quốc Cơ – Quốc Nghiệp và tiết mục xiếc đỉnh cao 

Từ sự thành công của GQC, GQN, ông có cho rằng việc tiệm cận với nghệ thuật xiếc hiện đại trên thế giới của ngành xiếc Việt là rất khả quan?

- Trong những năm gần đây thành tích của xiếc Việt đã đạt được nhiều kết quả khả quan với các giải vàng, bạc… tại các cuộc thi và liên hoan trên thế giới. Riêng với HS trường xiếc cũng tham gia nhiều cuộc thi. Gần đây nhất cuộc thi tại Ngô Kiều (Trung Quốc), HS Việt Nam đi trải nghiệm và không thuộc đoàn mạnh nhưng đã lọt vào top khá.

Liên hoan xiếc quốc tế tại Vũ Hán (Trung Quốc), đã đạt giải ba (đây là 1 trong 12 giải chính thức, với hơn 40 quốc gia tham dự, hơn 200 tiết mục dự thi; Từ vòng sơ loại đến chung kết từ 200 tiết mục còn hơn 60 tiết mục của hơn 20 quốc gia). Liên hoan xiếc quốc tế tại Cu Ba, HS trường xiếc với tiết mục tham dự “Cánh chim Việt” đã đạt giải nhất và nhận được sự đánh giá cao của 11 giám khảo quốc tế và 16 quốc gia tham dự thừa nhận.

Từ đó ta thể nói, ở mỗi thể loại tiết mục cụ thể HS, diễn viên xiếc Việt Nam đã có trình độ ngang ngửa với diễn viên một số nước có nền nghệ thuật mạnh trên thế giới.

Để nâng cao chất lượng đào tạo ngành xiếc, vươn tới những tiết mục đỉnh cao của nghệ thuật xiếc quốc tế…chắc hẳn nhà trường cần có sự đổi mới từ khâu đào tạo?

- Để nâng cao chất lượng đào tạo trong những năm gần đây nhà trường đã thực hiện đổi mới trong nội dung đào tạo ở trường.

Cụ thể, HS được tuyển sau 2 năm cơ bản sẽ được chọn vào tiết mục phù hợp để tập luyện. Mỗi tiết mục đào tạo phải được hoàn thành như một kịch bản văn học. Mỗi đề án xây dựng tiết mục đòi hỏi giáo viên phải suy nghĩ, đầu tư trí tuệ trọn vẹn (bao gồm nội dung kĩ thuật, nghệ thuật, thiết kế đạo cụ). Sau đó được hội đồng khoa học của trường phê duyệt mới được đưa vào thực hiện.

Đối với giáo viên không có khả năng sáng tác, chỉ có khả năng huấn luyện thì tiết mục giao cho các giáo viên có kinh nghiệm ở thể loại tiết mục đó huấn luyện. Sau quá trình đào tạo, đạo diễn sẽ bắt tay vào dàn dựng tiết mục đó.

Khi HS đáp ứng được đầy đủ kĩ năng biểu diễn (thể hiện được các động tác kĩ thuật), các tiết mục biểu diễn phải được biểu diễn trước công chúng 10 buổi thì mới cho thi tốt nghiệp.

Qua sự đổi mới các bước cơ bản như vậy đến nay chất lượng đào tạo, tiết mục mới được nâng lên đáng kể.

Đáng nói, hiện nay Trường Trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kĩ đang xây dựng và giáo dục HS nghệ thuật xiếc với đích hướng tới là trình độ kĩ năng biểu diễn đạt chuẩn. Nhà trường không chỉ giáo dục HS về kĩ thuật chuyên nghiệp mà đang chú trọng tới việc giáo dục ý thức HS hướng tới tự tôn dân tộc, con người, ý chí, văn hóa Việt Nam...

Theo ĐỨC HẠNH (Giáo dục thời đại)

 

Liên kết hữu ích