Xóm cào ven sông Hậu

21/05/2025 - 06:20

 - Ven sông Hậu, những xóm ghe cào hình thành từ lâu đời. Mùa nào, họ cũng tất bật nổ máy phành phạch ra sông khai thác cá, tôm theo con nước, kiếm thêm thu nhập.

Ghe cào cặp bến bán cá

Chộn rộn nơi sông sâu

Sáng sớm sông Hậu “ngậm” nước no nê. Những ngư phủ giong chiếc ghe cào ra sông khai thác cá. Tiếng máy nổ chan chát liên tục làm náo động cả khúc sông sâu. Sau thời gian dài lầm lũi trên sông, ngư phủ đưa chiếc ghe cào cặp bến mang tôm, cá lên bán rôm rả cho người dân. Chúng tôi tranh thủ có mặt tại đoạn đường ven sông Hậu (đoạn xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú) vào buổi trưa nghiêng nắng. Từ mé sông, chị em phụ nữ bưng thau cá lên ngồi túm tụm trong khu đất trống chờ người dân tới mua chuẩn bị bữa cơm chiều. Dừng xe bên đường, chúng tôi dạo một vòng xem các chị ở đây bán đặc sản cá, tôm vừa mới khai thác.

Cá, tôm còn tươi sống nhảy tanh tách, trông rất ngon. Từ lâu, sông Hậu luôn là nơi trú ngụ của nhiều loài thủy tộc, nuôi sống biết bao phận đời ngư phủ. Mùa này, ngư dân khai thác dính cá lưỡi trâu, cá mè vinh, cá phèn, cá ngát, cá bống, cá khoai, tôm, tép… Những loại cá này đem chế biến món nào cũng ngon và bổ dưỡng. Đang loay hoay chọn mớ cá về kho tiêu, chúng tôi ngạc nhiên bắt gặp rổ cá khoai bằng ngón tay út, rất tươi ngon. Ngày trước, mỗi khi lũ về, loại cá này mới xuất hiện trên đồng. Những năm lũ lớn, cá khoai sinh sản nhiều đến nỗi ăn không hết, người ta phải phơi khô dự trữ. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, nguồn cá này trở nên khan hiếm.

Thấy chúng tôi thắc mắc, các chị bán cá giải thích rằng, đến mùa khô là cá trở về sông sâu. Khi những cơn mưa già nặng hạt trút xuống cánh đồng thì cũng là lúc đàn cá khoai dưới đáy nước bắt đầu tìm nơi sinh sản. Lũ về, chúng di cư lên đồng sinh sản, rồi lớn dần theo con nước. Có lẽ quanh năm, người dân quen khai thác nhiều loại cá trên sông, nên rất rành về đặc tính của các loài cá ngon này. Nhanh tay mua ngay những con cá khoai no tròn nhảy lách chách, với giá 100.000 đồng/kg. Nếu như loài cá khoai này bán ở các chợ thành thị thì được “hét” với giá 250.000 đồng/kg. Chúng tôi hỏi, tại sao bán rẻ quá vậy? Các chị cười khúc khích: ““Cây nhà, lá vườn” chú em ơi! Loài cá này mình khai thác được nên chúng tôi bán với giá vừa phải để bà con mua về chế biến bữa ăn”.

Ngư phủ lựa cá trên ghe

Bến chợ đông vui

Quanh năm, dòng châu thổ Cửu Long luôn soi bóng biết bao phận đời ngư phủ mưu sinh bằng nghề khai thác cá, tôm để nuôi sống gia đình. Chiều buông nhạt nắng, nhìn về phía xa những chiếc ghe cào rẽ nước ràn rạt cặp bến chợ. Những ngư phủ khệ nệ xách từng vợt cá, tôm lên bờ bán cho các chị tiểu thương. Tiếng máy chạy dưới sông hòa lẫn tiếng í ới tranh nhau mua cá của ngư phủ, tạo nên không khí chợ náo nhiệt. Gặp ông Nguyễn Văn Việt ngồi thư thả trên mui ghe sau những giờ cào cá cực nhọc trên sông. Ông Việt cho hay, đã bước sang cái tuổi “lục tuần”, nhưng vì hoàn cảnh chưa được đủ đầy, nên phải vất vả mưu sinh bằng nghề “hạ bạc”.

Chỉ tay về xóm cào bên cồn, ông Việt nói rằng, quanh năm bà con bên đó không đất sản xuất, chủ yếu sống bằng nghề cào cá và chài lưới được truyền qua bao thế hệ. Thuở trước, cá tôm đầy sông, xóm vạn chài này thu nhập ổn định nhờ nguồn tôm, cá trời ban. Mấy năm nay, người ta khai thác ngày càng đông, nên sản lượng cá ít dần. Riêng, ông Việt mỗi ngày cào được hơn chục ký cá các loại, kiếm thu nhập hơn 400.000 đồng/ngày, sau khi trừ tất cả chi phí. “Mùa này, ghe cào thu hoạch chủ yếu cá sủ, cá kết, cá sát, cá phèn, tép, tôm… Có ngày rơi vào con nước cá di cư, trúng mánh kiếm được tiền triệu” - ông Việt phấn khởi.

Đang trò chuyện với ông Việt, bỗng dưng gặp nhiều chiếc ghe cào tiếp tục cặp bến. Ông Việt cho hay, những chiếc ghe cào này chỉ sử dụng lưới Thái có mắt lưới thưa mà không đánh bắt bằng ngư cụ cấm. Nhờ vậy, trên các đoạn sông sâu mới còn nhiều loài cá trú ẩn. “Cào bằng lưới Thái cũng hên xui lắm! Có ngày, chúng tôi khai thác được rất ít cá, tôm. Ngư dân khai thác lành mạnh thì chính dòng sông sẽ nuôi sống gia đình mình” - ông Việt tâm sự.

Bước qua ghe cào của anh Tài, chúng tôi quan sát thấy những người phụ việc nỗ lực tát nước dưới khoang ghe để bắt cá. Anh Tài là dân xóm cồn Phó Ba (xã Mỹ Hòa Hưng), quanh năm chuyên sống bằng nghề cào cá bằng lưới Thái. Thấy chúng tôi quan tâm hỏi han chuyện nghề làm ăn, anh Tài thật tình nói, hôm nay trúng ngay con nước nên cá, tép thu hoạch khá nhiều. Hiện nay, có vài đoạn sông Hậu còn hố sâu là nơi trú ẩn của nhiều loài cá ngon. Phía gần đầu cồn Mỹ Hòa Hưng khu vực trên sông rộng lớn, nguồn cá sát, cá kết bạc, cá sủ, cá cóc trú ngụ phong phú.

Tuy nhiên, anh Tài cho hay, muốn cào được chỗ sâu đòi hỏi ghe cào phải lớn, máy chạy thật mạnh thì mới kéo giàn lưới vượt qua được các hố sâu. “Nhiều khi cán cào vướng vực sâu ghì đuôi ghe suýt chìm. Qua những nơi như vậy, chúng tôi phải nhanh tay giảm ga máy để ghe từ từ lướt qua. Nhờ có kinh nghiệm này nên tôi bắt dính nhiều cá, kiếm thu nhập trên 500.000 đồng/ngày” - anh Tài cho hay. Nghề nào cũng vậy, muốn kiếm được đồng tiền chân chính phải đổ mồ hôi, lao tâm, tốn sức. Đối với những ngư phủ chuyên sống bằng nghề cào cá cũng vậy, họ làm cực nhọc kiếm tiền bằng chính sức lao động cần mẫn của mình.

Giờ đây, thiên nhiên không còn hào phóng, bà con ý thức hơn trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản ở các khúc sông bằng cách khai thác ngư cụ truyền thống. Nhiều người tâm sự rằng, khai thác lành mạnh để mai sau còn có con cá, con tôm mà kiếm sống.

LƯU MỸ