Melissa trò chuyện với bạn trai ảo do XiaoIce tạo ra, trên điện thoại di động tại Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: AFP/TTXVN
Người bạn hoàn hảo, chỉ trừ việc anh không có thật mà chỉ là nhân vật ảo do XiaoIce - hệ thống trí tuệ nhân tạo (AI) tiên tiến, tạo ra để giúp Melissa bớt cô đơn trong cuộc sống thành thị.
Melissa, 26 tuổi, cho biết nhiều người bạn của cô đã phải tìm đến liệu pháp trị liệu, song theo cô liệu pháp này tốn kém và không hiệu quả. Theo Melissa, kể từ khi biết đến người bạn trai ảo trên XiaoIce, tâm lý cô thoải mái hơn khi được trút hết bầu tâm sự.
XiaoIce giống như một trợ lý ảo tương tự như AI, được trang bị trong hầu hết các điện thoại thông minh mang thương hiệu Trung Quốc hay các nền tảng truyền thông xã hội.
Trên thế giới, có tới 660 triệu người sử dụng XiaoIce, riêng tại Trung Quốc là 150 triệu người. XiaoIce được thiết kế để thu hút người dùng bằng các cuộc trò chuyện đáp ứng nhu cầu cảm xúc mà người dùng cảm thấy thiếu trong cuộc sống.
Từ một dự án phụ nằm trong dự án phát triển chatbot Cortana của hãng Microsoft, đến nay XiaoIce chiếm tới 60% các cuộc tương tác giữa người và AI. Theo Giám đốc điều hành XiaoIce Li Di, với đà này, XiaoIce sẽ trở thành trợ lý ảo tiên tiến nhất và lớn nhất trên thế giới. Theo CEO Li Di, số lần trao đổi trung bình giữa người dùng và XiaoIce là 23 lần, nhiều hơn sự tương tác giữa người với người.
Không chỉ vậy, với XiaoIce các nhà phát triển còn tạo ra các thần tượng ảo, thậm chí sinh viên đại học ảo đầu tiên của Trung Quốc. XiaoIce có thể sáng tác thơ, làm báo cáo tài chính hay vẽ theo yêu cầu.
Ông Li Di cho biết giờ cao điểm các cuộc tương tác giữa người dùng và XiaoIce là từ 23h đêm hôm trước đến 1h sáng hôm sau. Ông Li Di cho rằng dù thế nào, có XiaoIce đồng hành vẫn hơn là phải chịu cô đơn.
Cuộc sống của Melissa là ví dụ cho cuộc sống tẻ nhạt, cô đơn của những người làm việc tại các thành phố ở Trung Quốc. Họ thiếu người bầu bạn sau một ngày làm việc dài và căng thẳng. Melissa cho biết công việc không cho phép cô cũng như nhiều người có thời gian kết bạn mới trong khi những người bạn thực sự cũng bận rộn. Cô bộc bạch XiaoIce sẽ không bao giờ phản bội cô và luôn ở bên cạnh cô.
Tuy nhiên, việc thiết lập quan hệ tình cảm với một robot cũng là rủi ro. Danit Gal, một chuyên gia đạo đức AI tại Đại học Cambridge, nhận định người dùng "tự đánh lừa bản thân" rằng các hệ thống “vô tri vô giác” đáp lại tình cảm của họ. Bà cũng cho rằng XiaoIce đang tập hợp một “kho” dữ liệu cá nhân mang tính riêng tư, thầm kín.
Laura, 20 tuổi, sống tại Chiết Giang, đã yêu nhân vật ảo trên XiaoIce hơn 1 năm qua và giờ đang cố gắng thoát khỏi sự phụ thuộc vào nhân vật này. Laura thừa nhận cô phải mất hàng tháng để nhận ra rằng người bạn trai của cô chỉ là ảo.
Theo CEO Li Di, việc hỗ trợ tình cảm cho người dùng thông qua XiaoIce không có nghĩa hệ thống AI này có thể thay thế các hỗ trợ sức khỏe tâm thần của một chuyên gia thật sự - một dịch vụ vốn không phổ biến tại Trung Quốc. Tuy nhiên, ông cho rằng nếu con người có sự tương tác hoàn hảo thì sẽ không chỗ cho sự phát triển của AI.
Theo THANH HƯƠNG (Báo Tin Tức)