Nhiều hoạt động vui chơi ngoài trời có quy mô ở trang trại giáo dục Bá Tân. Ảnh: Quỳnh Anh.
Từ những chuyến ra ngoài chơi
Thay vì những chuyến du lịch đắt đỏ và cần phải thu xếp thời gian thì phụ huynh tham gia những hội, nhóm trên mạng xã hội với tên gọi “Cho trẻ ra ngoài chơi";, “Vivu cùng con”, “Đi chơi cùng con"... là có chuyến trải nghiệm vui và bổ ích. Là một người mẹ có 3 con nhỏ, mỗi dịp cuối tuần, chị Trần Thu Hoà (Khu đô thị mới Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội) lại “vắt óc” nghĩ cho con đi đâu chơi. Tiêu chí của chị Hòa là cho trẻ được vận động bên ngoài thiên nhiên và trải nghiệm văn hoá - xã hội thông qua trò chơi.
Chị Thu Hoà nhớ lại: “Các con tôi mong đợi cuối tuần vì được đi chơi. Nếu là mùa hè, chúng tôi tham gia một chuyến đi chơi xa, lên rừng hay xuống biển như: Vườn quốc gia Cúc Phương (Ninh Bình), Ba Vì (Hà Nội, Vân Hồ (Sơn La), Quan Lạn (Quảng Ninh), biển Quỳnh (Nghệ An)...
Những chuyến đi với những người bạn mới, trò chơi mới khiến bọn trẻ thích thú. Nếu là lên rừng, bọn trẻ được trải nghiệm hái mận cùng người dân tộc Mông; Được đi tắm suối, chăn bò, chơi trò chơi dân gian cùng trẻ em dân tộc thiểu số. Nếu xuống biển là những trò chơi với lâu đài cát, thi bơi lội hay chèo thuyền kayak trên vịnh… Mỗi lần như vậy, bọn trẻ như được là chính mình. Người lớn như được trở lại tuổi thơ, được “sạc niềm vui” cùng gia đình”. Những chuyến đi này dần đông lên bởi mức phí có thể đáp ứng được phần đông các gia đình.
Là “sợi chỉ đỏ" cho mỗi chuyến đi, chị Nguyễn Phương được biết đến với những tour "cho trẻ ra ngoài chơi" đầy chất lượng của phụ huynh Hà Nội. Chị Nguyễn Phương cho biết: “Những hoạt động cộng đồng giúp trẻ ở các lứa tuổi học được sự chia sẻ khi trong tập thể thông qua cùng ăn, cùng ngủ, cùng chơi. Từ khi lên xe chung, trẻ biết chia sẻ ghế; Các con cùng nhau trải qua niềm vui chiến thắng, được khích lệ và chia sẻ khó khăn thông qua trò chơi. Hay những buổi ngủ cộng đồng mà không phải trẻ thành phố nào cũng có được”.
Trò chơi trượt ván bằng cây chuối của trẻ em dân tộc Mông. Ảnh: Lê Vân.
Anh Tráng A Chu (Khu du lịch cộng đồng AChu homestay, Vân Hồ, Sơn La) cho biết: “AChu đã đón nhiều đoàn khách là các nhóm học sinh. Vì thế, những hoạt động giới thiệu văn hoá địa phương luôn được tôi ưu tiên: Thăm thác nước, nặn sáp ong hay trượt ván bằng cây chuối…”.
Không chọn những chuyến đi xa, “Câu lạc bộ màu xanh" ở Hà Nội lại ưu tiên những hoạt động trải nghiệm ngay trong thành phố. Đó có thể là chuyến thăm bảo tàng, học làm bánh, thiện nguyện,... Hoạt động có thể diễn ra trong nửa ngày hoặc 1 ngày. Để có những chuyến đi xa thì Ban chủ nhiệm câu lạc bộ phải lên kế hoạch dài hạn để phụ huynh cùng tham gia.
Chị Nguyễn Thị Thu, Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ màu xanh cho biết: “Người lãnh đạo của những hoạt động này có thể là các con - những học sinh phổ thông hoặc chính những ông bố, bà mẹ có năng khiếu ở một lĩnh vực nào đó”.
Mới đây nhất, chương trình “Leaf craft” được tổ chức ở công viên. Tại đây, các con tham gia hoạt động phát triển tư duy sáng tạo, làm tranh, thiệp, tác phẩm nghệ thuật từ lá cây với mong muốn tạo gây quỹ tặng những món quà nhỏ tới người cơ nhỡ và các cụ già không nơi nương tựa. Người hướng dẫn chính là phụ huynh tích cực của câu lạc bộ.
Đến những mô hình giáo dục trải nghiệm có quy mô
Nhận thấy rõ những ưu điểm từ việc cho trẻ ra ngoài chơi, những trang trại ở ngoại thành Hà Nội đã dần thiết kế những hoạt động phù hợp với trẻ nhỏ, học sinh. Những cái tên như: Erahouse, Edufarm, nông trang Bá Tân… rất quen thuộc với học sinh ở Hà Nội.
Là một điểm khá gần ở ngoại thành Hà Nội, nông trang Bá Tân (xã Vân Côn, huyện Hoài Đức, Hà Nội) đã trở thành điểm đến thường xuyên của nhiều trường mầm non nội thành. Với thiết kế thân thiện với thiên nhiên, chương trình trải nghiệm đa dạng và giá dịch vụ đến gần với nhiều người, nông trang Bá Tân đã thực sự là điểm đến của giáo dục trải nghiệm.
Trò chơi bắt lợn khiến các em nhỏ rất thích thú. Ảnh: Quỳnh Anh.
Theo anh Nguyễn Bá Quỳnh Anh, Quản lý nông trang Bá Tân, xuất phát từ nhu cầu thực tiễn khi cha mẹ ở thành phố ít có thời gian tiếp xúc với con cái, trong khi đó, nếu có đưa con đi chơi thường tới những nơi như siêu thị, công viên. Tôi nghĩ, nếu chỉ như vậy trẻ con hầu như chỉ tiếp thu thụ động, thiếu tính sáng tạo. Vì thế, chương trình trải nghiệm ở nông trang Bá Tân sẽ giúp trẻ em được trải nghiệm thực sự với không gian đồng quê tự nhiên, đồng thời, gắn kết tình yêu thương giữa bố mẹ với con cái và ngược lại”.
Quả vậy, khi đến với nông trang Bá Tân, trẻ em được trải nghiệm những hoạt động hết sức thú vị: Cùng bố mẹ đi trồng cây, thu hoạch rau quả, bắt gà, hái rau để lo cho bữa cơm của gia đình. Bên cạnh đó, trẻ được trải nghiệm chơi các trò chơi hoàn toàn dân gian: Bắt cá, bắt chạch trong chum, bắt vịt, thả diều ở bãi cỏ rộng mênh mông… Hay các hoạt động như: Nhổ rau, hái rau, thu hoạch quả. “Tại đây, những đứa trẻ không hề bị la mắng khi làm đổ, vỡ, nhỡ vặt quả hoặc dẫm nát luống rau. Các con được đầm mình trong những vũng bùn thoả thích, được ăn những thực phẩm sạch. Đây là những trải nghiệm thực sự chứ không phải chỉ đến để biết", anh Nguyễn Bá Quỳnh Anh chia sẻ.
Tiếng lành đồn xa, từ những hoạt động trải nghiệm gia đình, nhóm nhỏ, giờ đây, nông trang Bá Tân đón hàng trăm trường học cho học sinh đến trải nghiệm. Đặc biệt, nhiều trường mầm non ký hợp đồng trải nghiệm thường xuyên ở nông trang.
Tại TP Hồ Chí Minh, dự án "Chuyến xe trải nghiệm" được Khu Sinh thái giáo dục Về Quê phối hợp cùng nhóm tác giả TS Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu và ThS Lê Thị Hồng Anh (Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh) biên soạn đã hoạt động từ năm 2020. Đây là một dự án với các tour trải nghiệm gồm nhiều hoạt động giáo dục thực tế dành cho các học sinh ở các cấp học. TS Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu và ThS Lê Thị Hồng Anh cho biết, dự án ra đời với mục tiêu giúp các học sinh có được những trải nghiệm thực tế, vận dụng kiến thức đã học trong sách giáo khoa, chương trình, rèn luyện kỹ năng sống… , qua đó góp phần bồi dưỡng phẩm chất, phát triển năng lực học sinh theo tinh thần của Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Dự án cũng hướng tới hỗ trợ học sinh khả năng tự học, tự khám phá, định hướng nghề nghiệp.
Dự án gồm 8 tour trải nghiệm giúp các em học sinh có thể trải nghiệm Chân trời sáng tạo; trải nghiệm Tự nhiên- xã hội địa phương TP Hồ Chí Minh; Tự nhiên- xã hội Nam Bộ; Kỹ năng sống (đầu và cuối cấp tiểu học); trải nghiệm Khoa học và lịch sử bậc THCS; Kỹ năng sống bậc THCS và Khoa học và hướng nghiệp bậc THPT.
Trên thực tế, hoạt động trải nghiệm trong chương trình giáo dục phổ thông 2018 như môn học độc lập bắt buộc với học sinh từ lớp 1 đến lớp 12. Tuy nhiên, sau 3 năm triển khai, môn học này ở các trường vẫn còn loay hoay và chưa hiệu quả thì nhiều phụ huynh tiếp tục đến những câu lạc bộ, mô hình trải nghiệm giáo dục để con trẻ được thực sự là chính mình.
Theo LÊ VÂN (Báo Tin tức)