Hiện trường xảy ra rò rỉ axit sulfuric tại Công ty TNHH MTV JIC
Trước đó, tối 13/9, tại Công ty TNHH MTV JIC Việt Nam phát hiện lượng axit sulfuric bị rò rỉ tại khu vực xử lý nước thải. Hiện trạng khu vực chứa có 2 bồn chứa hóa chất (1 bồn chứa H2SO4 60% sức chứa 4 tấn, 1 bồn chứa H2SO4 sức chứa 4 tấn).
Xung quanh 2 bồn chứa được đặt trong bể chứa có thể tích 7 khối để phòng ngừa lượng axit rò rỉ ra bên ngoài. Hiện trường ghi nhận khoảng 2.827kg axit sulfuric thoát ra bên ngoài, đã thu hồi khoảng 500kg được chứa trong bồn nhựa. Lượng còn lại không rõ bao nhiêu đã thất thoát ra bể xử lý nước thải dự phòng.
Ông Omori So (Tổng Giám đốc công ty) trình bày, nguyên nhân sự cố do đường ống meca dùng để kiểm tra lượng axit sunfuric trong bồn chứa axit tại khu vực xử lý nước thải bị rạn nứt. Van bên ngoài của bể chứa axit sunfuric đang trong trạng thái mở nên một lượng axit tràn đổ vào khu vực bể xử lý nước thải dự phòng (trong bể có đặt tấm lót nhựa HDPE).
Phó Trưởng phòng Tài Nguyên - Môi trường Võ Trung Cang cho biết, công ty đã báo cáo các ban, ngành huyện và tỉnh về sự cố. Qua báo cáo và kiểm tra của ngành chức năng, sự cố rò rỉ hóa chất không gây thiệt hại về người và tài sản; một lượng axit sulfuric thoát ra bể xử lý nước thải dự phòng có khả năng thấm xuống lớp cát bên dưới lớp HDPE trong bể xử lý nước thải dự phòng. Công ty đã sử dụng vôi để trung hòa axit sulfuric; phần nước trong được thu gom về hệ thống xử lý nước thải để xử lý; lượng cặn thu gom tập kết trong khu vực giữ chất thải nguy hại để tiến hành xử lý theo quy định.
Đồng thời, đơn vị thuê Trung tâm Quan trắc Kỹ thuật Tài nguyên và Môi trường tiến hành thu mẫu đất 3 vị trí khác nhau tại khu vực nghi ngờ rò rỉ axit sulfuric ra bể xử lý nước thải dự phòng. Thực hiện theo yêu cầu của Sở Công Thương, công ty đang xây dựng lại bể chứa bồn axit lên cao, dán gạch men và lắp đặt mái che để đảm bảo an toàn, phòng ngừa sự cố.
Sở Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo cơ quan chuyên môn hỗ trợ, hướng dẫn công ty trong việc thu mẫu, phân tích quan trắc chất lượng môi trường khu vực xảy ra sự cố và môi trường xung quanh nhà máy. Đồng thời, hướng dẫn công ty biện pháp xử lý môi trường theo quy định. Dự định sẽ kiểm tra lớp đất, cát nếu có khả năng thấm axit sulfuric và đem đi xử lý theo quy định.
Theo Sở Công Thương An Giang, từ khi hoạt động đến nay, Công ty TNHH MTV JIC đã xây dựng biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất (năm 2020), tuy nhiên chưa tổ chức diễn tập theo các nội dung trong biện pháp. Công ty có cử nhân viên tham gia huấn luyện kỹ thuật an toàn hóa chất do Sở Công Thương tổ chức. Trong thời gian hoạt động, công ty đều lưu giữ các phiếu an toàn hóa chất và hợp đồng mua bán và kiểm soát hóa chất.
Sở Công Thương An Giang, Sở Tài nguyên và Môi trường An Giang, UBND huyện Phú Tân, Công an tỉnh đã đến làm việc với Công ty TNHH MTV JIC và kiểm tra hiện trường. Các ngành chức năng thống nhất kiến nghị công ty duy trì việc khoanh vùng, cách ly khu vực xảy ra sự cố, đảm bảo không cho người không phận sự đột nhập cho đến khi khu vực này được đảm bảo an toàn.
Đồng thời, công ty cần tiến hành ngay việc rà soát, kiểm tra toàn bộ quy trình sản xuất nhằm kịp thời phát hiện, khắc phục các sai sót để nhà máy hoạt động ổn định, an toàn, tránh sự cố tái diễn. Ngành chuyên môn đã yêu cầu chậm nhất đến ngày 10/10, tại khu vực tồn chứa hóa chất, công ty thực hiện các giải pháp: Kiểm tra, thay thế các đường ống dẫn hóa chất để đảm bảo an toàn theo quy định; xây dựng đê bao, hàng rào mái che khu vực chứa hóa chất; gia cố nền đảm bảo chống thấm, rò rỉ hóa chất; bể chứa khu vực bồn chứa hóa chất phải đảm bảo sức chứa lớn hơn tổng lượng hóa chất tồn chứa trong 2 bồn chứa axit sunfuric… để tăng cường đảm bảo an toàn hóa chất.
Ngành chức năng đánh giá cao sự tự giác, tích cực của công ty, chủ động thực hiện các biện pháp xử lý, thu hồi axit sulfuric rò rỉ ra bên ngoài. Theo báo cáo của UBND huyện Phú Tân và Sở Công Thương An Giang, công ty đã thực hiện ứng phó theo đúng các bước theo bản “biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất” mà công ty đã xây dựng, phê duyệt vào năm 2020.
Sau sự cố trên, yêu cầu công ty cần tiếp tục duy trì, lưu giữ các hồ sơ về an toàn hóa chất; định kỳ huấn luyện an toàn hóa chất cho những người trực tiếp tiếp xúc với hóa chất; tiến hành diễn tập ứng phó sự cố hóa chất theo quy định. Trước mắt, đoàn khảo sát đề nghị công ty có văn bản báo cáo nhanh về sự cố. Trong đó, thống nhất thời điểm xảy ra sự cố, mô tả chi tiết sự cố, khối lượng hóa chất rò rỉ, khối lượng thu hồi, khối lượng thất thoát ra môi trường.
Bên cạnh đó, báo cáo rõ hiện trạng khu vực xảy ra sự cố, phạm vi, khoảng cách đến các đối tượng liên quan, các biện pháp đã thực hiện ứng phó, đánh giá mức độ sự cố… Công ty sẽ báo cáo về Sở Tài nguyên và Môi trường An Giang, Sở Công Thương An Giang, UBND huyện Phú Tân để làm cơ sở đánh giá, báo cáo đề xuất UBND tỉnh.
Theo Sở Công Thương An Giang, axit sunlfuric được pha loãng thì mức độ nguy hiểm như ăn mòn, độc tính sẽ giảm xuống, đồng thời mức độ bay hơi, thẩm thấu của axit sunlfuric sẽ nhanh hơn. Do đó, đối với axit sunlfuric 60% sẽ có mức độ ăn mòn, độc tính cao hơn nhưng tốc độ bay hơi, thẩm thấu sẽ thấp hơn so với axit sulfuric 6%. |
MỸ HẠNH