Xu thế phát triển kinh tế tập thể

25/11/2019 - 07:33

 - Xác định kinh tế hợp tác, hợp tác xã (HTX) là bộ phận không thể thiếu trong nền kinh tế, có vai trò và đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, thời gian qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đặc biệt quan tâm đến việc phát triển kinh tế tập thể, cùng các sở, ngành thực hiện nhiều nhiệm vụ cụ thể đưa kinh tế hợp tác, HTX phát triển.

Xu thế phát triển kinh tế tập thể

Liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị để nâng cao chất lượng sản phẩm và tăng hiệu quả đầu ra

Năm 2019, HTX ở An Giang tăng cả về số lượng và chất lượng. Có 24 HTX thành lập mới, nâng tổng số toàn tỉnh có 198 HTX; ngoài ra còn có 836 tổ hợp tác (THT), với trên 17.000 thành viên hoạt động các lĩnh vực: trồng trọt, chăn nuôi, dịch vụ nông nghiệp, phi nông nghiệp và vay vốn. Hoạt động HTX ngày càng đi vào chiều sâu, nhiều HTX hoạt động mạnh, hiệu quả, đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng khoa học - kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất rau an toàn, sản xuất hữu cơ để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Một số HTX như: HTX Nông nghiệp Vĩnh Bình, HTX Nông nghiệp An Bình đã liên kết với Tập đoàn Lộc Trời để tận dụng sự hỗ trợ về quản lý cũng như tiêu thụ lúa.

Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Trần Văn Cứng cho biết, 198 HTX hoạt động trên 6 lĩnh vực, nhiều nhất là 138 HTX nông nghiệp, thủy sản (chiếm 69,70%), 24 quỹ tín dụng nhân dân (chiếm 12,12%), còn lại là HTX vận tải, tiểu thủ công nghiệp, thương mại - du lịch, tài nguyên và môi trường... với tổng số 139.500 thành viên HTX (1.170 cán bộ quản lý). Phần lớn các HTX, THT hoạt động ổn định. Một số HTX nông nghiệp kiểu mới đã hình thành, thu hút thêm thành viên, vốn góp, người lao động; bảo đảm ổn định đầu vào, đầu ra cho thành viên. Các HTX hoạt động dịch vụ có lãi, chia lợi nhuận cho thành viên bình quân 1,5%/tháng, có tích lũy để mở rộng sản xuất - kinh doanh. Các dịch vụ phục vụ thành viên HTX giá rẻ hơn tư nhân từ 5-20%, góp phần giải quyết lao động địa phương, bình quân 2-3 triệu đồng/lao động/tháng; đóng góp tích cực vào các chính sách an sinh xã hội; tham gia xây dựng nông thôn mới.

Đáng phấn khởi, đến nay toàn tỉnh có 17 HTX kiểu mới tham gia chuỗi giá trị với các sản phẩm chủ lực, như: lúa, gạo, xoài... chủ yếu là tiêu thụ sản phẩm. Điển hình như 5 HTX sản xuất rau an toàn với diện tích 95ha tham gia chuỗi giá trị đạt kết quả khả quan: HTX nông sản an toàn Kiến An (Chợ Mới) cung cấp 70 tấn rau, củ cho Siêu thị Co.opmart Long Xuyên, Siêu thị Mega Market Long Xuyên, Cửa hàng Bách Hóa Xanh và các chợ lân cận; HTX Rau an toàn Bình Thạnh (Châu Thành) ký hợp đồng 100 tấn rau các loại cho Công ty SaigonFarm tại TP. Hồ Chí Minh; HTX Nông nghiệp và Dịch vụ du lịch Tân Thạnh (Tri Tôn) tiêu thụ 600 tấn sen cho vựa sen Đồng Tháp; HTX Nông nghiệp Mỹ Hòa Hưng (TP. Long Xuyên) cung ứng 70 tấn rau các loại cho Siêu thị Co.opmart Long Xuyên, Siêu thị Mega Market Long Xuyên và chợ đầu mối tại TP. Hồ Chí Minh; HTX Nông nghiệp Vĩnh Gia (Tri Tôn) hợp đồng tiêu thụ 80 tấn đậu nành rau với Công ty Cổ phần Rau quả thực phẩm An Giang (Antesco).

Một trong những mô hình kinh doanh mới hiện nay của các HTX ở An Giang là chuyển sang những vùng chuyên trồng xoài chất lượng cao, phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu. Toàn tỉnh hiện có 5 HTX trồng xoài với diện tích 3.200ha: HTX sản xuất GAP Bình Phước Xuân (Chợ Mới) đã ký kết hợp đồng và tiêu thụ xoài sang Trung Quốc, Vựa xoài Hà Nội 16.500 tấn xoài 3 màu; HTX Nông nghiệp Long Bình (An Phú) tiêu thụ được 18.000 tấn xoài Keo tại các nước: Trung Quốc, Đài Loan, Hoa Kỳ, Úc, Canada; HTX Dịch vụ nông nghiệp Bến Bà Chi (Tri Tôn) xuất khẩu hơn 1 tấn xoài cát Hòa Lộc sang Hoa Kỳ và dự kiến xuất thêm 10 tấn sang Hoa Kỳ... Nhiều doanh nghiệp đến An Giang gặp gỡ các HTX để liên kết, tổ chức sản xuất, xây dựng vùng nguyên liệu ổn định thông qua HTX như: Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời, Công ty Cổ phần Nông sản Vinacam; Tập đoàn Tân Long, HTX Nông nghiệp Vĩnh Cường (Bạc liêu), Tập đoàn Nam Kim, Tập đoàn Sao Mai...

Theo ông Trần Văn Cứng, thời gian qua, Liên minh HTX tỉnh đã nỗ lực khắc phục những yếu kém kéo dài về trình độ năng lực của các cán bộ quản lý và người lao động. Thông qua tổ chức các lớp sáng lập viên, đào tạo giám đốc và kế toán; hợp tác với Liên đoàn hợp tác Raffeisen Cộng hòa Liên bang Đức (DGRV) đào tạo nâng cao trình độ cũng như xác định mô hình kinh doanh cho các HTX nông nghiệp; xúc tiến thương mại... Tuy nhiên, hiện còn 21 HTX hoạt động yếu kém hoặc ngưng hoạt động. Tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành và địa phương hướng dẫn, phối hợp xử lý giải thể/phá sản HTX. Theo các HTX nông nghiệp, vấn đề lớn nhất hiện nay là khó khăn trong khâu tiêu thụ, đầu ra, chi phí sản xuất ngày càng tăng do đất bị bạc màu, sâu bệnh… Hoạt động HTX vẫn còn quy mô nhỏ lẻ, manh mún, khó tiếp cận các nguồn vốn tín dụng, thiếu vốn hoạt động, hiệu quả kinh doanh thấp. Trình độ nhân sự quản lý điều hành HTX, THT còn hạn chế. Một số HTX nông nghiệp chưa xác định được mô hình kinh doanh và vẫn còn ỷ lại, hoạt động trông chờ vào sự hỗ trợ của nhà nước.

Theo đề án của UBND tỉnh phấn đấu đến năm 2020 có 187 HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả. Để phát triển đúng định hướng cần cương quyết giải thể những HTX yếu kém không còn khả năng hồi phục; triển khai, sử dụng có hiệu quả Hệ thống thông tin về kinh tế tập thể của tỉnh. Hỗ trợ HTX tham gia liên kết sản xuất và tiêu thụ với doanh nghiệp hoặc các liên kết theo chuỗi giá trị. Thành lập Liên hiệp HTX hoạt động lĩnh vực lúa, gạo tham gia Liên hiệp HTX lúa, gạo quy mô vùng ĐBSCL. Liên kết sản xuất, hình thành các vùng nguyên liệu cung ứng sản phẩm chất lượng cao. Định hướng mở rộng thị trường xuất khẩu các sản phẩm xoài sang Hoa Kỳ, Châu Âu, Nhật Bản... Tăng cường hỗ trợ theo mô hình HTX kiểu mới để làm HTX mẫu; tạo ra sản phẩm sạch, ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, đặc biệt là công nghệ 4.0. Đồng thời áp dụng mã vạch QR truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

          HẠNH CHÂU