Xuất khẩu cá tra sẽ khởi sắc

20/06/2024 - 05:25

 - Các chuyên gia thị trường dự báo, xuất khẩu cá tra sẽ khởi sắc trở lại. Cơ sở để đưa ra nhận định này là ngành hàng cá tra chuẩn bị bước vào cao điểm bán hàng cuối năm, chất lượng sản phẩm ngày một nâng lên và giá bán luôn ổn định.

Cao điểm bán hàng

Xuất khẩu cá tra là một trong những thế mạnh của nông nghiệp Việt Nam nói chung, ĐBSCL nói riêng. Nói đến cá tra, thế giới thường nghĩ đến các địa phương có lợi thế trong xuất khẩu mặt hàng này, như: Tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Bến Tre, TP. Cần Thơ. Những năm gần đây, vùng ĐBSCL nuôi bình quân 5.400ha với sản lượng từ 1,8 - 1,9 triệu tấn/năm, trong đó An Giang thả nuôi 1.258ha, sản lượng bình quân 350.000 tấn/năm.

Năm 2024, dự báo kim ngạch xuất khẩu cá tra sẽ ở mức 1,8 tỷ USD, tăng 6% so năm 2023. Dự báo này rất có cơ sở, bởi cá tra là thực phẩm ngon, bổ dưỡng nhưng giá cả phải chăng. Cụ thể, giá xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ dao động từ 3 - 3,5 USD/kg, Liên minh Châu Âu (EU) từ 2,9 - 3,2 USD/kg và Trung Quốc 2,9 USD/kg (tùy thuộc vào tỷ lệ mạ băng, tăng trọng). Sản phẩm cá tra giờ đây đã xuất đến 140 quốc gia và vùng lãnh thổ, phục vụ bữa ăn của hàng tỷ người trên thế giới.

Theo thông lệ, hàng năm từ tháng 8 - 10, ngành hàng cá tra vào cao điểm xuất khẩu. Lúc này, những nhà nhập khẩu tại các thị trường lớn: Hoa Kỳ, Trung Quốc, EU và các quốc gia Châu Á sẽ “mở hầu bao”, đẩy mạnh nhập hàng để phục vụ lễ, Tết. Đối với thị trường EU, Hoa Kỳ, đây là thời điểm các nước đón Giáng sinh và mừng năm mới.

“Ngư dân chúng tôi rất mong ngành hàng cá tra khởi sắc trở lại, bởi từ đầu năm đến nay, giá bán dưới giá thành sản xuất. Hy vọng những tháng còn lại của năm, ngành hàng này sẽ có những tín hiệu lạc quan…” - bà Trần Thị Kiều (ngư dân xã Hòa Lạc, huyện Phú Tân) kỳ vọng.

Xuất khẩu cá tra những tháng còn lại của năm 2024 sẽ tăng bởi nhu cầu tiêu thụ tăng cao. Đây là mùa lễ, Tết ở nhiều quốc gia, đặc biệt là các thị trường xuất khẩu có kim ngạch cao như Trung Quốc. Xuất khẩu cá tra sẽ khởi sắc bởi ngoài yếu tố thị trường, một yếu tố khác mang tính quyết định đó là giá cả mặt hàng này khá ổn định. Đây là yếu tố quan trọng trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu như hiện nay.

“Giá cả sản phẩm ổn định là rất quan trọng, bởi thế giới ăn cá thịt trắng không chỉ có cá tra mà rất nhiều loại cá khác có thể thay thế… Nếu cá tra giá cao, không ổn định thì người tiêu dùng sẽ dùng các loại cá khác. Vào những tháng cuối năm, giá xuất khẩu rất ổn định, nếu có tăng thì cũng tăng nhẹ, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu…” - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nam Việt Doãn Tới chia sẻ.

Chất lượng được cải thiện

Hoạt động xuất khẩu cá tra sẽ khởi sắc trở lại vào dịp cuối năm, bởi bên cạnh nhu cầu trị trường tăng, giá cả ổn định thì chất lượng sản phẩm được nâng lên đáng kể. Tại ĐBSCL những năm gần đây, nhìn thấy được những hạn chế của ngành cá tra, các nhà hoạch định chính sách cùng các doanh nghiệp (DN), ngư dân đã nghiên cứu, tìm ra những điểm yếu để khắc phục, như: Tỷ lệ hao hụt của con giống còn cao, giá thức ăn, thuốc thú y thủy sản tăng bất thường, vốn phục vụ nuôi chưa đáp ứng kịp thời…

Để cải thiện những vấn đề này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã triển khai chương trình “Giống cá tra 3 cấp”. Cùng với đó là đẩy mạnh kiểm soát giá thức ăn chăn nuôi, tăng cường liên kết giữa ngân hàng, DN, ngư dân để khắc phục những hạn chế.

Chất lượng sản phẩm được cải thiện nhờ 75% lượng cá được nuôi với quy mô lớn, vùng nuôi tập trung, tiện cho việc áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất

Đặc biệt, ngày 31/10/2019, Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ đã chính thức công bố quyết định công nhận tương đương hệ thống kiểm soát an toàn thực phẩm (ATTP) cá da trơn của Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ. Đây là động lực quan trọng, thúc đẩy phát triển ngành hàng cá tra bền vững, khẳng định năng lực kiểm soát chất lượng, giúp cá tra Việt Nam dễ dàng tiếp cận và mở rộng thị trường xuất khẩu (không chỉ Hoa Kỳ mà còn các thị trường khác).

“Việc Hoa Kỳ công nhận tương đương hệ thống kiểm soát ATTP của Việt Nam góp phần chuyển mạnh ngành nuôi cá tra từ sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất lớn, trên cơ sở kiểm soát có hệ thống từ con giống đến sản phẩm cuối cùng. Đồng thời, tạo tiền đề cho sự phát triển bền vững của ngành thủy sản” - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Sĩ Lâm khẳng định.

Xuất khẩu cá tra khởi sắc sẽ có tác động rất tốt đến hoạt động xuất khẩu cũng như đời sống ngư dân. Bà con sẽ tăng thu nhập bởi xuất khẩu tăng cao, giá cá tra tại thị trường trong nước tăng theo, giúp ngư dân cải thiện đời sống. “Việc xuất khẩu thuận lợi sẽ đảm bảo đầu ra ổn định, giảm thiểu rủi ro rớt giá, tồn kho đối với DN, lúc này ngư dân hưởng lợi” - bà Kiều chia sẻ thêm.

Xuất khẩu cá tra khởi sắc sẽ khuyến khích nghề nuôi cá tra phát triển, tạo động lực cho ngư dân khôi phục sản xuất, tăng sản lượng, góp phần phát triển ngành thủy sản tại ĐBSCL. Đây là cơ hội để ngư dân tiếp cận khoa học - kỹ thuật, đẩy mạnh áp dụng khoa học - kỹ thuật tiên tiến vào nuôi trồng, nâng cao chất lượng sản phẩm. Về phía DN, xuất khẩu cá tra khởi sắc trở lại sẽ giúp DN tăng doanh thu, lợi nhuận, mở rộng thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thương trường…

MINH HIỂN