Xuất khẩu gạo 1 năm “được mùa”

25/12/2018 - 06:54

 - Năm 2018, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo cả nước đã xuất được 6,15 triệu tấn, tương đương kim ngạch 3,3 tỷ USD. Đây là năm có mức xuất cao nhất (kể từ năm 2013 đến nay), từ đó đưa Việt Nam trở thành quốc gia xuất khẩu gạo đứng hàng thứ 3 trên thế giới.

Thị trường mở rộng

Mùa Noel năm nay, giáo dân ở tất cả các giáo xứ trong tỉnh đã có một mùa giáng sinh vui vẻ và an lành. Vui vì cuộc sống của giáo dân không ngừng được nâng lên, nhà nhà ấm no, hạnh phúc. Bên cạnh sản xuất phát triển, bà con nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của Đảng và Nhà nước. Năm nay, đa phần các hộ làm nông nghiệp đều có lời vì lúa và cá đều có giá. “Lúa đang ở mức 5.700 đồng/kg, với mức giá này, bình quân mỗi công lúa, nông dân có lãi từ 2 triệu đồng trở lên. Không chỉ lúa có giá, mà các hộ nuôi cá tra giống hoặc cá chợ đều phấn khởi vì bán được giá, bà con đang đón một mùa Nolel vui và đầm ấm…” - bà Lê Thị Lan (giáo xứ Phú Vĩnh, TX. Tân Châu) phấn khởi.

Nhờ đẩy mạnh xuất khẩu gạo mà giá lúa ở trên đồng luôn ở mức cao

“Lúa có giá cao do chúng ta đẩy mạnh xuất khẩu gạo. Hiện nay, gạo của các doanh nghiệp trong tỉnh đã có mặt ở 150 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, việc này đã góp phần quyết định cho thắng lợi của 3 vụ sản xuất trong năm” - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Sĩ Lâm khẳng định. Theo ông Lâm, ngoài việc đẩy mạnh mở rộng thị trường xuất khẩu, những tiến bộ trong sản xuất như: cơ cấu giống lúa, mùa vụ gieo trồng cùng những biện pháp canh tác thích hợp đã nâng cao chất lượng gạo của các doanh nghiệp trong tỉnh. Từ đó, gạo Việt đã xuất được với giá cao, bình quân đạt 504 USD/tấn. Ngoài phân khúc có phẩm cấp gạo trung bình, các giống lúa thơm, chất lượng cao đã phục vụ đắc lực cho những phân khúc thị trường cao cấp, từ đó giá trị xuất khẩu tăng lên như các giống lúa Nàng Hoa, ST 5, ST 20, OM 4900…

Chất lượng tăng lên

Năm 2018, thương mại gạo toàn cầu đạt mức 45,4 triệu tấn, trong đó Việt Nam xuất 6,15 triệu tấn, mang về cho quốc gia 3,3 tỷ USD. Tuy lượng gạo của các nước trên thế giới sản xuất ra tăng 1,3% so năm 2017, đạt 513 triệu tấn nhưng thương mại gạo toàn cầu rất sôi động, bởi nhiều quốc gia do yếu tố bất lợi của thời tiết, đã mở hầu bao nhập khẩu gạo, nên lượng gạo xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam tăng lên. Nếu năm 2017, Việt Nam xuất 5,7 triệu tấn, mang về 2,6 tỷ USD thì năm 2018, con số này tăng lên 6,15 triệu tấn, mang về 3,3 tỷ USD và trở thành nước xuất khẩu gạo lớn thứ 3 thế giới (sau Ấn Độ và Thái Lan). “Gạo Việt hiện đã có mặt ở gần 150 quốc gia và vùng lãnh thổ với các sản phẩm đa dạng như: gạo hạt dài, gạo hạt ngắn, gạo thơm, gạo đồ, gạo hữu cơ… Đáng chú ý, gạo Việt bước đầu đã thâm nhập vào những thị trường có yêu cầu cao như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Liên minh Châu Âu… Điều này cho thấy triển vọng rất lớn của gạo Việt trong những năm sắp tới…” - ông Nguyễn Hoàng Tuấn (Chủ cơ sở xay sát lúa, gạo xã Long An, TX. Tân Châu) phân tích.

Kết thúc năm 2018, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của tỉnh xuất đạt 475.000 tấn, tương đương 240 triệu USD, so cùng kỳ đạt 110,46% về lượng, đạt 118,80% về kim ngạch. Đây là năm thành công của các doanh nghiệp tham gia xuất khẩu gạo. Phân tích nguyên nhân thành công của xuất khẩu gạo trong năm 2018, nhiều doanh nghiệp cho rằng, ngoài việc doanh nghiệp tích cực mở rộng thị trường, chất lượng hạt gạo do nông dân làm ra được nâng lên thì yếu tố góp phần làm nên thành công chính là cơ chế. Nhà nước đã tạo ra cơ chế thông thoáng hơn, điển hình là ngày 15-8-2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 10/2018/NĐ-CP thay thế Nghị định số 109/2010/NĐ-CP về kinh doanh, xuất khẩu gạo. Động thái này được các doanh nghiệp đánh giá rằng, Nhà nước quyết tâm tạo dựng một môi trường thông thoáng, thúc đẩy đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực sản xuất, thương mại lúa, gạo. Bên cạnh việc ban hành nghị định mới, các cơ chế, chính sách khác như: Đề án tái cơ cấu ngành lúa, gạo; Đề án phát triển thương hiệu gạo Việt Nam và chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo đã góp phần thúc đẩy tăng cường liên kết, gắn sản xuất với thị trường theo chuỗi giá trị, bảo đảm chất lượng gạo xuất khẩu. Hiện nay ở An Giang, ngoài việc vận động doanh nghiệp tham gia mô hình “Cánh đồng lớn”, phong trào phát triển kinh tế hợp tác được củng cố và đẩy mạnh, đây là điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu gạo trong những năm tới.

“Sản xuất, xuất khẩu gạo của các doanh nghiệp trong tỉnh đã chuyển mạnh theo hướng chất lượng và giá trị gia tăng, thúc đẩy sản xuất an toàn, ứng dụng công nghệ cao, phát triển nông nghiệp hữu cơ. Chất lượng của hạt gạo Việt Nam đã đạt các tiêu chí để thâm nhập vào các thị trường khó tính, điều này sẽ mở ra cơ hội lớn cho năm 2019 và những năm tiếp theo” - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Sĩ Lâm nhận định.

MINH HIỂN