Xuất khẩu gạo đạt mức cao nhất 10 năm qua

26/10/2023 - 06:26

 - Báo cáo của Bộ Công Thương, trong tháng 9, xuất khẩu gạo của Việt Nam tăng đến 80% so cùng kỳ năm trước, đạt giá trị đến 495 triệu USD. Tính chung 9 tháng của năm 2023, xuất khẩu gạo đạt kim ngạch 3,66 tỷ USD, tăng 40,4% so cùng kỳ năm trước và vượt giá trị cả năm 2022 (3,45 tỷ USD). Đây là năm mà sản lượng gạo xuất khẩu lẫn kim ngạch đạt cao nhất trong vòng 10 năm qua.

Tận dụng cơ hội

Nét nổi bật trong xuất khẩu gạo Việt Nam ra thế giới từ đầu năm đến nay, trước hết phải nói đến nghệ thuật “chớp lấy thời cơ” của các doanh nghiệp (DN) Việt Nam. Tận dụng cơ hội nguồn cung gạo của thế giới bị sụt giảm bất ngờ, 170 DN đủ điều kiện xuất khẩu gạo đã đẩy mạnh đàm phán với đối tác, nhanh chóng đáp ứng nhu cầu nhà nhập khẩu của các nước Indonesia, Trung Quốc, Philippines…

Ngành nông nghiệp đẩy mạnh việc chọn tạo các giống lúa chất lượng cao phục vụ xuất khẩu

9 tháng của năm 2023, có 38 DN xuất khẩu gạo của tỉnh (gồm 18 DN trong tỉnh, 20 DN ngoài tỉnh) đã xuất 440.500 tấn gạo, trị giá 249 triệu USD, tăng 11,56% về sản lượng và tăng 14,55% về kim ngạch so cùng kỳ. Thị trường xuất khẩu gạo chủ yếu của DN An Giang, gồm: Châu Á (Trung Quốc, Indonesia, Philippines…), Châu Phi, Liên minh Châu Âu (EU), Châu Mỹ (Hoa Kỳ, Brazil…) và Châu Đại Dương.

Hiện, giá gạo xuất khẩu loại 5% tấm đang quay trở lại giao dịch quanh mốc 643 USD/tấn. Đây là mức giá cao nhất trong đợt sốt giá gạo được thiết lập đầu tháng 8/2023 đến nay. Giá gạo Việt Nam đã tăng cao nhất trong vòng 10 năm qua và xuất khẩu đang được đẩy mạnh; trong khi hiện nay, giá gạo Thái Lan giảm nhẹ, gạo 5% tấm còn 570 USD/tấn, thấp hơn gạo Việt Nam đến 73 USD/tấn, gạo 25% tấm còn 524 USD/tấn, thấp hơn gạo Việt Nam (cùng phẩm cấp) đến 104 USD/tấn. Đây là thành công trong xuất khẩu gạo của Việt Nam trong gần 10 tháng qua.

Giá gạo tăng, người bán gạo và trồng lúa đều có lời

Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Minh Hùng nhận định, trong bối cảnh nguồn cung gạo toàn cầu sụt giảm, DN xuất khẩu gạo trong tỉnh, trong nước đã không bỏ lỡ cơ hội, tận dụng thời cơ để đẩy mạnh xuất khẩu kịp thời, nên kéo theo giá lúa trên đồng tăng mạnh và thị trường gạo trong nước đã tăng lên. Cũng theo ông Hùng, nguyên nhân sụt giảm nguồn cung trong năm nay là do các quốc gia lo tác động của El-Nino, nhiều nước đã đẩy mạnh mua gạo dự trữ để đảm bảo an ninh lương thực, trong đó có Indonesia, Philippines, Trung Quốc… khiến nhu cầu về gạo tăng mạnh.

Tại Châu Á, các quốc gia xuất khẩu gạo mạnh như Ấn Độ (xuất khẩu mỗi năm 20 triệu tấn, chiếm hơn 40% nguồn cung gạo toàn cầu) đã ban hành lệnh cấm xuất khẩu gạo vào ngày 20/7/2023 và tiếp sau đó là Các tiểu Vương quốc Arab thống nhất (UAE), Nga với mốc thời gian vào các ngày 29/7 và 30/7/2023 đã đẩy giá gạo thương mại trên thế giới tăng cao.

Chất lượng được nâng lên

Xuất khẩu gạo đạt mức cao nhất trong vòng 10 năm qua đã giúp đời sống người trồng lúa được nâng lên, kinh tế nông thôn thêm khởi sắc, sức mua của thị trường trong tỉnh từng bước khôi phục. Sản lượng lẫn kim ngạch xuất khẩu gạo đều tăng mạnh so những năm trước và thị trường xuất khẩu gạo Việt Nam đã được mở rộng trên 150 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

"Gạo Việt Nam được xuất khẩu mạnh trong năm nay, một mặt do nguồn cung gạo trên thế giới sụt giảm, mặt khác là do chất lượng gạo của chúng ta không ngừng nâng lên, đáp ứng nhu cầu của các quốc gia khó tính. Hiện, Trung Quốc không còn là thị trường cấp thấp trong nhập khẩu gạo, mà đã trở thành thị trường đòi hỏi chất lượng phải đi kèm với giá cả…” - bà Ngô Thị Tuyết (thương nhân xuất khẩu gạo tại thị trường Trung Quốc) chia sẻ.

Xuất khẩu gạo qua Cảng An Giang từ đầu năm đến nay tăng mạnh

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Sĩ Lâm cho biết, diện tích sản xuất các giống lúa chất lượng cao của tỉnh chiếm hơn 80% diện tích xuống giống. Chất lượng gạo luôn được nông dân, DN đặt lên hàng đầu.

Trong sản xuất lúa gạo hiện nay, ngoài việc tập trung nâng cao phẩm cấp gạo, ngành nông nghiệp còn đẩy mạnh sản xuất theo nhu cầu của thị trường và hướng đến sản xuất xanh, bền vững. Các giống lúa được ngành nông nghiệp khuyến cáo nông dân, DN trồng hiện nay, gồm: Đài Thơm 8, OM 5451, OM 18… Đây là những giống lúa đã đáp ứng được nhu cầu nhập khẩu của các quốc gia khó tính trên thế giới.

Hội thảo đầu bờ, giới thiệu các quy trình canh tác bền vững

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, để nâng cao thu nhập và hướng đến sản xuất bền vững, An Giang đã đăng ký tham gia Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, với diện tích 150.000ha.

Việc này nhằm tăng hiệu quả kinh tế và sinh kế cho người sản xuất lúa; tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng; cải thiện môi trường, sức khỏe của người dân; phát triển chuỗi liên kết lúa gạo một cách bền vững, phát huy được vai trò của các tổ hợp tác, hợp tác xã trong liên kết chuỗi lúa gạo. Đồng thời, tăng cường đổi mới sáng tạo trong ngành hàng lúa gạo, hình thành và phát triển kinh tế tuần hoàn trong chuỗi lúa gạo, tiến đến giảm phát thải trong sản xuất… 

“Giá gạo xuất khẩu tăng cao, giá gạo trong nước cũng tăng từ 1.000 - 2.500 đồng/kg. Nguồn cung gạo rất dồi dào, bởi lúa được trồng 3 vụ trong năm. Điều này cho thấy, đây là năm các tiểu thương mua bán gạo và người trồng lúa rất phấn khởi, vì lợi nhuận thu về đáng kể, sức mua của thị trường tăng mạnh, từ đó kích thích tiêu dùng trong nước…” - bà Trần Thị Lệ (tiểu thương chợ Mỹ Long, TP. Long Xuyên) chia sẻ.

 

MINH HIỂN