Sản xuất đồ gỗ xuất khẩu sang thị trường Mỹ tại Công ty Triệu Phú Lộc (Bình Dương). Ảnh tư liệu: TTXVN
Theo Công ty cổ phần Chứng khoán DSC (DSC), trong các tháng đầu năm, tác động của chính sách lẫn lạm phát và tốc độ tăng trưởng toàn cầu tăng trưởng chậm, đặc biệt tại thị trường Mỹ và EU (2 đối tác xuất khẩu chính của Việt Nam) khiến cho kim ngạch xuất khẩu nói chung và các sản phẩm như gỗ nói riêng giảm mạnh.
Cụ thể hơn về mảng gỗ, tính chung 2 quý đầu năm, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt hơn 6,067 tỷ USD, giảm 27,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, có thể thấy tình hình xuất khẩu đã có sự cải thiện khi giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trung bình quý II đã tăng 15% so với quý I, DSC cho biết.
Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong tháng 7/2023 đạt gần 1,1 tỷ USD; lũy kế xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ 7 tháng đầu năm đạt 7,1 tỷ USD, thấp hơn 25% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu của tháng 7/2023 đã vươn lên trên 1 tỷ USD sau thời gian dài sụt giảm sâu, cho thấy tín hiệu xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đã dần phục hồi.
Do ảnh hưởng từ cháy rừng tại Canada, hơn 4 triệu ha rừng tại Alberta, British Columbia và Quebec, bị thiệt hại, ảnh hưởng lớn đến nguồn cung gỗ khu vực Bắc Mỹ trong ngắn hạn. Nhiều nhà máy gỗ đá phải đóng cửa tạm thời. Sự gián đoạn của ngành gỗ công nghiệp khiến giá gỗ có sự hồi phục.
DSC cho biết, tháng 8/2023, giá gỗ xẻ (Lumber) đạt 514 USD/1.000 ft, hồi phục đáng kể từ mốc thấp đầu năm chỉ 400 USD/1.000 ft. Tuy thấp hơn nhiều so với đỉnh điểm giai đoạn 2021 - 2022, nhưng cần chú ý giai đoạn 2020 - 2022 giá nhiều loại nguyên vật liệu tăng vọt do đứt gẫy chuỗi cung ứng.
DSC cho rằng, hiện tượng này là hi hữu, chỉ xảy ra hàng thập kỷ một lần nên không phải ví dụ tốt để so sánh. Giá gỗ hiện nay đã cao hơn mức cận trên của giai đoạn trước năm 2020. Theo DSC, đây là mức giá khá tốt để các doanh nghiệp ngành gỗ có thể sinh lời. DSC kỳ vọng thị trường nhà đất Mỹ hồi phục hỗ trợ nhu cầu các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ.
Từ quý II/2022, theo các chính sách thắt chặt tiền tệ của chính phủ Mỹ, lãi suất cho vay mua nhà tăng cao khiến doanh số bán nhà xây sẵn tại Mỹ sụt giảm liên tiếp. Các gia đình cũng có xu hướng giới hạn chi tiêu và cắt giảm chi tiêu, nhất là với các khoản không mang tính cấp thiết như mua mới đồ gỗ nội thất, bàn bếp...
Tuy nhiên, DSC nhận định, yếu tố này có thể sẽ đảo chiều trong quý IV/2023 do mặt bằng lãi suất đã ổn định hơn và nền kinh tế Mỹ trụ đang trụ vững hơn kỳ vọng. Nhìn vào thực tế, doanh số nhà xây sẵn của Mỹ đã thoát khỏi đà giảm mạnh từ tháng 2/2023.
Tín hiệu hồi phục không chỉ xuất hiện ở khu vực nhà ở xây sẵn, thị trường nhà ở mới tại Mỹ cũng có tín hiệu hồi phục rõ ràng. Sau đà giảm từ tháng 4/2022, số lượng nhà xây mới tại Mỹ đã hồi phục đáng kể từ đầu năm tới nay.
Trong tháng 5 và 6/2023, thị trường bất động sản tại Mỹ đã khởi công xây dựng lần lượt 1,56 triệu căn và 1,43 triệu căn, cải thiện từ vùng đáy chỉ 1,3 triệu căn trong tháng 1. Để so sánh, nhu cầu xây nhà ở mới hiện tại vẫn cao hơn giai đoạn trước năm COVID-19 vào năm 2020.
Từ đó, có thể thấy thị trường nhà ở Mỹ đang trụ vững hơn kỳ vọng của nhiều nhà đầu tư, nhất là xét đến bối cảnh lãi suất Mỹ vẫn còn đang neo ở mức cao.
Thực tế, tình hình xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ chế biến sang Mỹ và châu Âu đã giảm đáng kể từ đầu năm 2023 đến nay do sức tiêu thụ giảm mạnh. Sức mua kém khả quan đến từ tình trạng lạm phát và mặt bằng lãi suất cao ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp gỗ.
Đối với Công ty cổ phần Phú Tài (mã chứng khoán: PTB), doanh thu mảng gỗ quý II/2023 nội địa và xuất khẩu lần lượt giảm 65% và 55% so với cùng kỳ. Biên lợi nhuận gộp mảng gỗ của PTB trong quý II/2023 đạt 20,9% (giảm từ 23,1% cùng kỳ năm 2022).
Tuy nhiên, trong nửa cuối năm, DSC nhận định mức tiêu thụ các sản phẩm gỗ có khả năng cải thiện khi nền kinh tế Mỹ đang bắt đầu ổn định và nhu cầu xây dựng tăng trở lại.
Trong tương lai, DSC kỳ vọng sự hồi phục của thị trường nhà đất Mỹ sẽ khiến nhu cầu gỗ cải thiện, và là động lực tăng trưởng cho mảng gỗ của Công ty cổ phần Phú Tài.
Thực tế, thị trường thế giới biến động liên tục và ngày càng khó đoán là thách thức lớn cho nhiều ngành hàng; trong đó có ngành gỗ nhưng vẫn tạo ra cơ hội cho những doanh nghiệp có chiến lược thích ứng tốt. Đây là nhận định của các chuyên gia tại Diễn đàn công nghiệp Gỗ và Nội thất Việt Nam với chủ đề: Giữ vị thế - đón cơ hội, do Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP Hồ Chí Minh (HAWA) tổ chức tại TP Hồ Chí Minh, chiều 28/7.
Kết quả khảo sát sơ bộ do HAWA thực hiện cho thấy, đơn hàng ở các doanh nghiệp trong ngành giảm trung bình 30% trong thời gian qua. Tuy nhiên, trong tháng 7/2023, các doanh nghiệp trong ngành đã bắt đầu đón những đơn hàng trở lại, phục vụ cho mùa mua sắm nội thất cuối năm của thị trường thế giới.
Ông Phạm Phú Ngọc Trai, Chủ tịch Công ty Tư vấn kinh doanh và hội nhập toàn cầu GIBC cho rằng, việc giảm đơn hàng hiện nay của ngành gỗ và nội thất chỉ là tạm thời.
Ngành nội thất Việt Nam có đủ dư địa để phát triển trong 5 đến 10 năm tới. So với dự báo tăng trưởng GDP trung bình toàn cầu ở mức 3%, tốc độ tăng trưởng kép của ngành nội thất thế giới đang là 4,5%.
Theo dự báo từ Statista Market Insights, doanh thu thị trường nội thất thế giới năm 2023 có thể đạt 766 tỷ USD và còn tăng trưởng trong nhiều năm nữa, ước tính sẽ đạt xấp xỉ 932 tỷ USD vào năm 2027.
Ngành chế biến gỗ Việt Nam đã duy trì được tăng trưởng trong nhiều năm ở mức 15,4%/năm và đang nằm trong top 5 quốc gia xuất khẩu đồ gỗ lớn nhất thế giới đã chứng tỏ ngành có nội lực vững chắc.
Thực tế, dù ngành gỗ của Việt Nam còn nhiều dư địa phát triển, nhưng đã và đang phải vượt qua những khó khăn lớn.
Tham dự và phát biểu khai mạc Hội chợ máy và nguyên liệu gỗ quốc tế Bình Dương - BIFA WOOD VIETNAM 2023 vào ngày 9/8, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Quốc Trị nhận định, trong 7 tháng năm 2023, do xung đột của thế giới diễn biến phức tạp, kéo dài làm cho lạm phát toàn thế giới tăng cao dẫn đến các thị trường xuất khẩu lâm sản chính của Việt Nam tiếp tục thắt chặt chi tiêu cho các sản phẩm không thiết yếu; trong đó, có gỗ và lâm sản.
Thực tế, bức tranh tài chính của các doanh nghiệp ngành gỗ trong nửa đầu năm 2023 đã phản ánh đúng khó khăn của toàn ngành với sự sụt giảm mạnh ở cả doanh thu và lợi nhuận.
Trong quý II/2023, Công ty cổ phần Gỗ An Cường (mã chứng khoán: ACG) ghi nhận doanh thu thuần 968 tỷ đồng, giảm 9% so với cùng kỳ. Phần lớn doanh thu của Gỗ An Cường đều đến từ thị trường nội địa, chiếm 85%. Sau khi trừ các chi phí, Gỗ An Cường báo lãi sụt giảm 32%, xuống còn 108 tỷ đồng.
Giải trình nguyên nhân chênh lệch lợi nhuận, An Cường cho biết lợi nhuận giảm mạnh do tình hình kinh tế trong nước và quốc tế diễn biến phức tạp, người tiêu dùng thận trọng trong chi tiêu.
Lũy kế 6 tháng đầu năm nay, Gỗ An Cường ghi nhận doanh thu thuần 1.648 tỷ đồng và lãi ròng 145 tỷ đồng, giảm lần lượt 14% và 48% so với cùng kỳ.
Với Công ty cổ phần Chế biến Gỗ Đức Thành (mã chứng khoán: GDT), doanh thu của doanh nghiệp này giảm 31% xuống còn 89 tỷ đồng. Sau khi trừ các chi phí, công ty báo lãi 7,9 tỷ đồng, giảm 67% so với mức lợi nhuận 24 tỷ đồng cùng kỳ năm trước.
Lý giải về kết quả lợi nhuận giảm mạnh, doanh nghiệp này cho biết, doanh thu giảm mạnh do kinh tế thế giới khó khăn và sức mua giảm mạnh. Đơn hàng xuất khẩu ít, nhưng chi phí quản lý cố định không giảm.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, Gỗ Đức Thành ghi nhận doanh thu thuần đạt 152 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 15 tỷ đồng, giảm lần lượt 36% và 65% so với cùng kỳ.
Trong quý II/2023, Công ty Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành (mã chứng khoán: TTF) ghi nhận doanh thu đạt 388 tỷ đồng, giảm 37% so với cùng kỳ; sau thuế, doanh nghiệp lỗ 27 tỷ đồng.
Lũy kế trong 6 tháng đầu năm 2023, Gỗ Trường Thành ghi nhận doanh thu đạt 719 tỷ đồng, giảm 38% so với cùng kỳ. Công ty lỗ 25 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2023, trong khi cùng kỳ năm ngoái có lãi 10 tỷ đồng.
Theo VĂN GIÁP (TTXVN)