Xuất nhập khẩu gặp nhiều khó khăn
Bộ Công Thương cho biết, kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn đã tiếp tục ảnh hưởng đến kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong tháng 4-2023.
Theo đó, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tháng 4 ước đạt 53,57 tỷ USD - giảm 7,7% so với tháng trước và giảm 18,8% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 4 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 210,79 tỷ USD - giảm 13,6% so với cùng kỳ năm trước; trong đó xuất khẩu giảm 11,8% còn nhập khẩu giảm 15,4%. Cán cân thương mại hàng hóa 4 tháng đầu năm 2023 ước tính xuất siêu 6,35 tỷ USD.
Theo nhận định của Bộ Công Thương, những khó khăn trong sản xuất và sự sụt giảm đơn hàng xuất khẩu trong quý I năm 2023 tiếp tục ảnh hưởng đến xuất khẩu hàng hóa trong tháng 4-2023.
Đáng chú ý, có thể thấy, việc sụt giảm đều đến từ các nhóm hàng chủ lực. Đơn cử, nhóm nông, lâm, thủy sản trong 4 tháng đầu năm ước đạt 9,68 tỷ USD - giảm 4,8% so với cùng kỳ năm trước, còn nhóm hàng nhiên liệu khoáng sản giảm 17,8%. Chỉ có xuất khẩu gạo tiếp tục là điểm sáng nổi bật trong xuất khẩu nhóm hàng nông lâm thủy sản trong tháng 4 khi tăng mạnh cả về lượng và trị giá xuất khẩu.
Chỉ có xuất khẩu gạo tiếp tục là điểm sáng nổi bật trong xuất khẩu nhóm hàng nông lâm thủy sản trong tháng 4 khi tăng mạnh cả về lượng và trị giá xuất khẩu. Ảnh minh họa: Bộ Công Thương
Đặc biệt, nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của cả nước là công nghiệp chế biến lại tiếp tục giảm mạnh, ước đạt 91,16 tỷ USD - giảm 14,1% so với cùng kỳ năm trước do chịu ảnh hưởng từ sự suy giảm kinh tế toàn cầu, tổng cầu giảm sút, nhu cầu của các thị trường xuất khẩu lớn giảm mạnh.
Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 4-2023 ước đạt 26,03 tỷ USD - giảm 8,1% so với tháng trước. Tính chung 4 tháng đầu năm 2023, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 102,22 tỷ USD - giảm 15,4% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 16,1%).
Đáng chú ý, kim ngạch nhập khẩu của các khối doanh nghiệp đều có sự sụt giảm. Điều này dự báo sẽ ảnh hưởng đến nguồn hàng xuất khẩu trong thời gian tới.
Về cơ cấu hàng hóa nhập khẩu, chiếm 86% tổng kim ngạch hàng hóa nhập khẩu của Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2023 là nhóm hàng cần nhập khẩu (nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất trong nước) với kim ngạch ước đạt 88 tỷ USD - cũng giảm 18% so với cùng kỳ năm 2022 do những khó khăn về đơn hàng xuất khẩu. Bên cạnh đó, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp cũng khó khăn nên nhu cầu nhập khẩu nguyên phụ liệu để phục vụ sản xuất cũng sụt giảm.
Nguyên nhân suy giảm
Bộ Công Thương chỉ rõ nguyên nhân của tình trạng suy giảm trong sản xuất công nghiệp và hoạt động xuất nhập khẩu.
Đó là do các nền kinh tế lớn là đối tác xuất khẩu của Việt Nam như Hoa Kỳ, EU giảm chi tiêu mua sắm các sản phẩm thông thường và xa xỉ khiến khối lượng đơn đặt hàng giảm, trong khi đó các ngành sản xuất công nghiệp trong nước chủ yếu hướng vào xuất khẩu, phụ thuộc lớn vào thị trường toàn cầu do sản lượng sản xuất trong nước vượt xa nhu cầu của thị trường nội địa; đặc biệt là đối với các ngành hàng như dệt may, da - giày, điện tử… chỉ cung ứng cho nhu cầu nội địa 10% sản lượng, 90% sản lượng còn lại là để xuất khẩu.
Ngoài ra, bên cạnh việc giảm lượng, so với cùng kỳ, giá xuất khẩu của nhiều mặt hàng nông sản (nhân điều, cà phê, hạt tiêu, cao su…) đều giảm; giá xuất khẩu dầu thô, sản phẩm xăng dầu, các loại quặng, phân bón, sắt thép cũng giảm... đã tác động đến tốc độ tăng giá trị sản xuất và xuất khẩu hàng hóa nói chung.
Cùng với đó, việc Trung Quốc mở cửa trở lại cũng tạo nhiều áp lực cạnh tranh đối với hàng xuất khẩu cùng chủng loại của Việt Nam. Trong khi đó, các doanh nghiệp của ta vẫn còn gặp nhiều khó khăn do đơn hàng nước ngoài giảm, thị trường trong nước sức mua không lớn, chi phí đầu vào vẫn ở mức cao, không dễ dàng trong việc tiếp cận tín dụng...
Xe hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc qua cửa khẩu Lào Cai. Ảnh: baochinhphu.vn
Đẩy mạnh xuất nhập khẩu trong thời gian tới, cách nào?
Nhận định sức mua vẫn hồi phục chậm, sản xuất vẫn sẽ khó khăn do thiếu hụt đơn hàng, Bộ Công Thương đưa ra nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh xuất nhập khẩu trong thời gian tới.
Đó là, Bộ Công Thương sẽ tập trung đổi mới và tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại hướng đến các thị trường mới, thị trường còn tiềm năng như: Ấn Độ, châu Phi, Trung Đông và châu Mỹ La tinh, Đông Âu… và các thị trường ít bị ảnh hưởng bởi lạm phát và tăng trưởng khả quan (ASEAN).
Trong đó, quyết liệt đột phá vào các thị trường mới, nơi có tầng lớp trung lưu gia tăng như các thị trường mới nổi như: E7 (Trung Quốc, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Nga, Mexico và Indonesia; thị trường Halal (Trung Đông, Malaysia, Brunei).
Cùng với đó, đẩy mạnh khai thác hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA). Thúc đẩy phát triển dịch vụ logistics, qua đó giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Đẩy mạnh phát triển xuất nhập khẩu thông qua hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới...
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên lưu ý: "Trung Quốc hiện không còn là thị trường dễ tính như trước"
Riêng với thị trường Trung Quốc, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã từng lưu ý doanh nghiệp: "Trung Quốc hiện không còn là thị trường dễ tính như trước, không phải hàng hóa nào thị trường Trung Quốc cũng chấp nhận. Mặt khác, kinh tế Trung Quốc dù lớn nhưng chủ yếu vẫn xuất khẩu, vì Trung Quốc đã và đang sẽ là công xưởng của thế giới. Mặt hàng xuất khẩu của Trung Quốc rất tương đồng với Việt Nam, điều này vừa tạo ra lợi thế và thách thức đối với hàng hóa Việt Nam".
Từ đó, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, nếu chúng ta đánh giá đúng, trúng và khai thác được tiềm năng, lợi thế trong quan hệ thương mại giữa hai nước thì góp phần làm cho hai nền kinh tế tiếp tục bổ trợ cho nhau để phát triển bền vững.
Mặt khác, hợp tác thương mại sẽ thúc đẩy hợp tác đầu tư, Trung Quốc có thể tận dụng, khai thác được lợi thế của Việt Nam trong khi Việt Nam là thành viên đầy đủ của 16 FTA và sẽ còn nhiều hơn trong tương lai, với những ưu đãi đặc biệt. Khi đó, doanh nghiệp 2 nước đặc biệt là doanh nghiệp Trung Quốc sẽ có nhiều tiềm năng, lợi thế để có xuất xứ hàng hóa, ưu đãi về thuế đối với thị trường đông dân này.
Theo KHÁNH LINH (Quân Đội Nhân Dân)