Giữa năm 1948, Tỉnh ủy Long Châu Hậu quyết định thành lập Trường Đảng tỉnh Long Châu Hậu. Thời gian này, đội ngũ giảng viên của trường gồm các đồng chí trong Ban Giám hiệu và một số cán bộ ở các ban, ngành tỉnh có khả năng giảng dạy. Khóa học đầu tiên khai giảng tại Nam Thái Sơn (Châu Thành - Rạch Giá) có trên 60 học viên học các nội dung cơ bản, như: Chủ nghĩa duy vật biện chứng; Cộng sản sơ giải; Chủ nghĩa đế quốc; Mặt trận Việt minh... Trường, lớp là những lán trại được dựng lên từ cây, lá, vật chất thiếu thốn, nhưng tinh thần dạy và học rất cao.
Tuy khó khăn nhưng từ năm 1948-1950, trường đã đào tạo, bồi dưỡng gần 700 CB, ĐV từ tỉnh đến xã. Năm 1950, trường đổi tên thành Trường Phan Đăng Lưu. Trong khoảng 6 năm (1948-1954), mặc dù chiến tranh ác liệt, cơ sở vật chất và đội ngũ thiếu thốn, nhưng tập thể nhà trường đã vượt qua khó khăn, mở gần 20 khóa đào tạo, bồi dưỡng cho hơn 1.000 lượt CB, ĐV chủ chốt cấp tỉnh, huyện và cơ sở.
Trường Chính trị Tôn Đức Thắng phối hợp Học viện Chính trị Khu vực II thường xuyên mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ lãnh đạo, quản lý. (H.HUYNH)
Sau khi Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, Trường Phan Đăng Lưu giải thể theo chỉ thị của Xứ ủy Nam Bộ, từ năm 1954-1957 công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ CB, ĐV do Tỉnh ủy trực tiếp thực hiện.
Đầu năm 1958, Tỉnh ủy lập lại Trường Đảng tỉnh An Giang. Trường tiếp tục thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng, mở nhiều lớp, với nhiều loại đối tượng khác nhau; cải tiến chương trình phù hợp với nhiệm vụ cách mạng và thực tiễn của địa phương.
Đầu năm 1961, trường đổi tên là Trường Trần Phú, tiếp tục kiện toàn bộ máy và liên tục mở lớp. Chỉ tính riêng 5 năm (1970-1974), đã mở 15 khóa, với 600 lượt học viên, phát triển lực lượng CB cách mạng tỉnh nhà, góp phần làm nên chiến thắng vẻ vang ngày 30-4-1975 trên địa bàn tỉnh.
Sau ngày thống nhất đất nước, dù còn nhiều khó khăn, nhưng trường tiếp tục mở nhiều lớp bồi dưỡng chính trị cho đội ngũ CB cơ sở. Từ năm 1975-1986, trường được củng cố, kiện toàn tổ chức, đầu tư cơ sở vật chất và đi tiên phong đào tạo chương trình sơ cấp và trung cấp lý luận chính trị.
Tháng 2-1976, thực hiện Quyết định số 19-QĐ/TW của Bộ Chính trị (20-12-1975), tỉnh Long Châu Tiền, Long Châu Hà hợp nhất thành tỉnh An Giang. Trường Đảng Long Châu Tiền sáp nhập với Trường Đảng Long Châu Hà lấy tên gọi mới là Trường Chính trị tỉnh An Giang.
Với quyết tâm chính trị cao, ngay sau khi hợp nhất, tháng 4-1976, trường mở khóa đào tạo CB cơ sở đầu tiên cho hơn 100 học viên. Cuối năm 1976, trường cử một số đồng chí đi học ở Trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc và được bổ sung thêm CB tham gia giảng dạy...
Năm 1980, Trường Chính trị tỉnh An Giang được đổi tên thành Trường Đảng tỉnh An Giang. Ban Giám đốc được Tỉnh ủy điều động, luân chuyển, kiện toàn; các phòng, khoa được củng cố, đội ngũ CB, giảng viên được tăng cường. Ngày 21-5-1980, trường khai giảng khóa Lý luận chính trị (chương trình sơ cấp đầu tiên), thời gian học 6 tháng, có 66 học viên. Đây là cột mốc đánh dấu bước chuyển cấp đào tạo từ chương trình lý luận chính trị cơ sở lên đào tạo chương trình lý luận chính trị sơ cấp (chương trình đào tạo theo quy định của Ban Tuyên huấn Trung ương).
Đặc biệt, ngày 12-6-1984, trường khai giảng khóa đào tạo lý luận chính trị chương trình Trung cấp khóa I (18 tháng) cho 188 học viên là CB chủ chốt ở cơ sở, huyện, thị xã và ban, ngành tỉnh dự học. Đây là dấu mốc thứ 2 chuyển từ đào tạo chương trình Lý luận chính trị sơ cấp lên trung cấp.
Tháng 11-1985, trường được đổi tên thành Trường Đảng Tôn Đức Thắng. Trường liên tục mở các lớp trung cấp lý luận chính trị với nhiều hệ lớp phù hợp từng nhóm đối tượng và về cơ bản trường đã tự lực gần như toàn bộ nội dung, chương trình. Giai đoạn 1986-1995, trường đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng; đi tiên phong, đột phá trong khâu liên kết với các cơ sở đào tạo tuyến Trung ương để đào tạo đội ngũ CB cho tỉnh ở bậc đại học, cao cấp lý luận chính trị. Ngày 17-1-1995, Tỉnh ủy ra Quyết định số 167/QĐ-TU thành lập Trường Chính trị Tôn Đức Thắng tỉnh An Giang trên cơ sở sáp nhập Khoa Hành chính của Trường Hành chánh - Kinh tế tỉnh với Trường Đảng Tôn Đức Thắng.
Th.S Võ Minh Hoàng, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Từ năm 1996, trường thực hiện đa dạng hóa các hình thức, đối tượng, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, đẩy mạnh các hoạt động khoa học và liên kết đào tạo, bồi dưỡng CB, ĐV; hoàn chỉnh tổ chức bộ máy, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên; được đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật, cơ bản đáp ứng yêu cầu đổi mới toàn diện của tỉnh nhà.
Từ năm 2016 đến nay, với phương châm "Đổi mới, sáng tạo, hiệu quả, kỷ cương", trường đã đào tạo, bồi dưỡng và liên kết đào tạo, bồi dưỡng được 140 khóa, với 14.248 lượt học viên. Đang thực hiện 1 đề tài khoa học cấp tỉnh, có 7 đề tài khoa học cấp trường được nghiệm thu đạt loại khá trở lên, 4 đề tài đang triển khai, tổ chức 2 hội thảo cấp tỉnh, 10 hội thảo cấp trường; xuất bản Bản tin lý luận và thực tiễn, tái lập phòng truyền thống, cùng nhiều hình thức nghiên cứu khoa học khác. Hiện, trường đang triển khai dự án đầu tư xây dựng giai đoạn 2016-2023, với vốn đầu tư 104 tỷ đồng.
Cùng với hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học, đội ngũ giảng viên của trường được quan tâm nâng cao chất lượng và số lượng, hàng năm đều cử giảng viên đi học các lớp sau đại học, văn bằng 2, tập huấn chuyên môn, học phương pháp giảng dạy tích cực, đi nghiên cứu thực tế…Hầu hết giảng viên đều sử dụng giáo án điện tử, sử dụng phương pháp giảng dạy tích cực. Hiện, Ban Giám hiệu có 4 đồng chí, có 4 khoa, 3 phòng; trường có 53 biên chế (33 giảng viên, gồm: 3 tiến sĩ, 23 thạc sĩ; 1 giảng viên cao cấp, 13 giảng viên chính, 19 giảng viên).
Với những nỗ lực trong suốt 70 năm qua, Trường Chính trị Tôn Đức Thắng đã được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng II, III; Cờ thi đua xuất sắc toàn ngành do Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia tặng; Cờ do Bộ Công an tặng "Đơn vị dẫn đầu phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc"; Cờ thi đua cấp Bộ do Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia tặng; Cờ thi đua về thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ công tác nhiều năm liền do Chủ tịch UBND tỉnh An Giang tặng… cùng nhiều Bằng khen của Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia và Chủ tịch UBND tỉnh An Giang tặng.
Bài, ảnh: HỮU HUYNH