Xứng danh vùng đất An Giang

28/11/2022 - 07:15

 - Ngày 22/11 chính thức trở thành ngày truyền thống thành lập tỉnh An Giang, có ý nghĩa nhắc nhở thế hệ hôm nay và mai sau không quên lịch sử thăng trầm của vùng đất trọng yếu quốc gia, vùng phên giậu biên giới Tây Nam. Đó còn là lời nhắc về trách nhiệm xây dựng An Giang phát triển xứng đáng với công sức của các bậc tiền nhân đã dày công vun đắp.

Đột phá, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm

Đó là những từ được các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, nhà nước nhắc đến khi về dự Lễ kỷ niệm 190 năm ngày truyền thống thành lập tỉnh An Giang (22/11/1832 - 22/11/2022). Lịch sử hào hùng của vùng đất này đã chứng minh cho những nhận định đó.

Trở lại tên gọi An Giang, đó là cái tên xuất hiện từ buổi đầu của Nam Kỳ lục tỉnh. Ngược dòng thời gian, theo sách “Đại Nam thực lục chính biên”, vào ngày mùng 1/10 năm Nhâm Thìn (1832), năm Minh Mạng thứ 13, trong buổi thiết triều, sau khi nghe Bộ Lại trình tấu, vua Minh Mạng đã chỉ dụ bãi bỏ Gia Định Thành, đổi “ngũ trấn” thành “lục tỉnh” (Biên Hòa, Gia Định, Định Tường, Hà Tiên, An Giang, Vĩnh Long), quyết định thành lập 12 tỉnh từ Quảng Nam đến Hà Tiên cùng thời điểm.

Đối chiếu với lịch vạn niên, ngày 1/10 năm Nhâm Thìn tương đương ngày 22/11/1832 (dương lịch). So tên gọi 6 tỉnh Nam Kỳ năm 1832, chỉ còn tên tỉnh An Giang và tỉnh Vĩnh Long là tồn tại đến ngày nay, 4 tỉnh còn lại không còn duy trì tên gọi tỉnh.

Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh (phải) trao Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, lấy ngày 22/11 hàng năm là “Ngày truyền thống tỉnh An Giang” cho Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang

Theo Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình, tên gọi An Giang mang ý nghĩa là vùng đất có những dòng sông hiền hòa và an bình. Tuy nhiên, lịch sử 190 năm hình thành và phát triển, An Giang trải qua không ít thăng trầm, khó khăn.

Ngay buổi đầu khai phá vùng đất An Giang, với tầm nhìn rộng, danh thần Thoại Ngọc Hầu đã cho đào kênh Thoại Hà, sau đó là kênh Vĩnh Tế, trước là giúp giảm áp lực lũ từ sông Hậu, tạo thông thương xuống biển Tây, sau là để bảo vệ biên cương lâu dài.

Dù đã chuẩn bị trước, nhưng An Giang vẫn phải thường xuyên chống kẻ thù xâm lược. Tiêu biểu là các trận chiến đấu tiêu diệt quân Xiêm vào năm 1833, 1842; chống thực dân Pháp gần cả trăm năm; 21 năm trường kỳ kháng chiến chống đế quốc Mỹ; rồi còn phải đánh quân diệt chủng Pol-Pot, bảo vệ biên giới Tây Nam, giúp đỡ nước bạn Campuchia…

Cùng với sự tàn phá của chiến tranh, An Giang từng rơi vào cảnh đói ăn trong thời kỳ 10 năm đầu sau giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, thực hiện cơ chế tập trung, bao cấp. Trong gian khó, lãnh đạo tỉnh An Giang đã có những đột phá, sáng tạo, thậm chí “xé rào” để giải phóng sức sản xuất trong nông nghiệp. Hiệu quả của những mô hình đột phá này sau đó đã được Trung ương ghi nhận, khuyến khích nhân rộng.

Quyết tâm phát triển

Từ một tỉnh thiếu đói, An Giang vươn lên đạt sản lượng lúa vượt ngưỡng 1 triệu tấn vào năm 1988, vượt 2 triệu tấn năm 1994, đến nay đạt trên 4 triệu tấn, đóng góp quan trọng vào an ninh lương thực quốc gia và kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước.

Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình cho biết, phát huy truyền thống lịch sử vẻ vang 190 năm, với những thành tựu đạt được trong hơn 35 năm thực hiện đường lối đổi mới, An Giang đang bước vào một chặng đường phát triển mới.

“Đảng bộ tỉnh xác định đến năm 2030, phấn đấu đưa An Giang trở thành tỉnh phát triển khá trong vùng ĐBSCL; kinh tế phát triển năng động, hài hòa, bền vững, trên cơ sở đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo để nâng cao chất lượng phát triển, năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế... Tầm nhìn đến năm 2050, phấn đấu trở thành tỉnh phát triển toàn diện, hiện đại, văn minh, sinh thái, bền vững và mang bản sắc văn hóa sông nước của vùng đất đầu nguồn sông Cửu Long; có trình độ phát triển khá so với cả nước; chất lượng cuộc sống của người dân ở mức cao...” - ông Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh.

Đảng bộ tỉnh An Giang quyết tâm hành động để xứng danh với quê hương Chủ tịch Tôn Đức Thắng  

Quyết tâm phát triển cho xứng tầm với lịch sử hào hùng, nhưng thách thức đối với An Giang là không nhỏ. Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh cho rằng, cũng như các tỉnh ĐBSCL, An Giang có nền kinh tế dựa vào nông nghiệp, phụ thuộc rất nhiều vào tài nguyên thiên nhiên, sử dụng nhiều lao động phổ thông, đang bộc lộ hạn chế trong bối cảnh mới.

Lợi thế của An Giang là sản xuất nông nghiệp thuận lợi, có nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng, đời sống văn hóa đa dạng, là cửa ngõ kết nối giữa ĐBSCL với các nước Đông Nam Á. Tỉnh cần xác định đúng các tiềm năng, thế mạnh, cơ hội và thách thức để xây dựng các kịch bản, lựa chọn phương án phát triển; hoàn thiện và triển khai thực hiện hiệu quả Quy hoạch phát triển tỉnh An Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050...

Trân trọng những gợi mở của Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang dẫn lại tứ thơ do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề tặng nhân dịp về thăm và làm việc tại An Giang năm 2018: “An Giang đã nói là làm/ Đã đi là đến, đã bàn là thông/ Đã quyết là dốc một lòng/ Quê hương vẫy gọi, Đảng mong, dân chờ ”. Qua đó, đặt niềm tin vào truyền thống đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường, Đảng bộ và nhân dân chung sức, đồng lòng xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; xây dựng An Giang - quê hương Chủ tịch Tôn Đức Thắng ngày càng văn minh, giàu đẹp.

NGÔ CHUẨN