Xuôi dòng Vĩnh Tế, nhớ bậc tiền nhân

19/07/2024 - 06:34

 - Bắt nguồn từ hữu ngạn dòng Mekong, kênh Vĩnh Tế có chiến lược quan trọng bậc nhất trong hệ thống kênh đào miền châu thổ Cửu Long. Giờ đây, ven bờ Vĩnh Tế, nhà cửa khang trang, tạo nên sức sống phồn thịnh, cư dân biên giới luôn ghi nhớ công ơn mở mang bờ cõi của bậc tiền nhân.

Nhớ thời thắp đuốc đào kênh

Tháng bảy, dòng kênh Vĩnh Tế “chuyển mình”, chở nặng phù pha tắm mát ruộng đồng. Ven theo tuyến kênh, lúa vàng trĩu hạt, máy gặt đập liên hợp chạy xình xịch, vui như ngày hội. Dưới kênh, ghe, xuồng xuôi ngược tấp nập. Những chiếc ghe lườn mũi đỏ miệt dưới hối hả chở lúa hè thu nối đuôi nhau theo thủy trình về cân cho thương lái. Chúng tôi lân la tìm về nơi đầu tuyến kênh Vĩnh Tế. Theo ước tính, kênh Vĩnh Tế cách núi Sam khoảng 1km về hướng Tây Nam, với chiều dài hơn 90km nối từ sông Châu Đốc tại vàm Vĩnh Nguơn đến sông Giang Thành và chảy ra biển Hà Tiên.

Bao đời nay, ông Nguyễn Văn Tích (60 tuổi) luôn ghi nhớ công ơn đào kênh của danh thần Thoại Ngọc Hầu. Mỗi khi nhắc về bậc tiền hiền, ông Tích luôn kính cẩn, nghiêng mình khâm phục trước cái tài của danh thần Thoại Ngọc Hầu. Bởi, thời xưa vùng đất này còn hoang hóa, phương tiện kỹ thuật chưa phát triển, việc đào kênh chủ yếu bằng sức người.

“Ngày xưa làm gì có máy móc đào kênh như bây giờ. Cha ông dùng leng, cuốc, ky xeo nại từng thớ đất đá, rất cực công. Đêm xuống, họ dùng cây đuốc cắm hai đầu. Nhìn theo ánh sáng mà nhắm hướng đào. Con kênh thẳng băng, không uốn cong bất cứ đoạn nào” - ông Tích quả quyết.

Dòng kênh Vĩnh Tế chở nặng phù sa

Thuở trước, tại khu vực đầu kênh Vĩnh Tế còn sót lại những lưu dân đào kênh ở lại lập nghiệp, rồi sinh con cháu bám đất, bám làng. Tuy nhiên, trải qua hàng trăm năm, dân cư ngày càng đông đúc, người dân không nắm rõ được địa chỉ cụ thể con cháu họ. Gặp lão nông Ba Bưng (81 tuổi), đang nằm vắt vẻo trên chiếc võng bên bờ kênh Vĩnh Tế. Bao đời nay, Ba Bưng chứng kiến nhiều lớp người đến sinh sống, rồi đi tại dòng kênh huyền thoại này.

“Lâu quá mất dấu rồi chú em ơi! Thuở trước, nơi đây vắng vẻ, cách xa mới có vài căn nhà sàn. Những năm lũ lớn, nhà cửa nơi đây chìm trong biển nước. Dần dà sau này, bờ kênh được tôn cao vượt lũ, người dân sinh sống, đi lại bớt vất vả. Bây giờ, dọc theo bờ kênh, chạy tuốt qua Hà Tiên, đường sá tôn cao, thảm nhựa phẳng phiu, lưu thông thẳng tắp” - Ba Bưng chậm rãi nói.

Chưa tin lời ông Bưng, chúng tôi men theo con lộ nhựa (Đường tỉnh 955A), dân cư sống dọc theo tuyến kênh phát triển đông vui. Ngày nay, dòng kênh Vĩnh Tế mang sức hút mãnh liệt đối với biết bao người dân, bởi hội đủ điều kiện thuận lợi, nhất là giao thông nông thôn. Nhiều nhà máy mọc lên tận vùng trong để “đón đầu” nguồn lúa vô tận tại cánh đồng Tứ giác Long Xuyên.

Trưa nắng gắt, chúng tôi chạy tuốt trong vùng sâu, gặp nông dân Nguyễn Trung Ngãi (Út Ngãi, 56 tuổi) đang hì hục sửa chiếc máy cày, tay chân lấm lem dầu nhớt. Hiện nay, Út Ngãi canh tác 600 công ruộng trên cánh đồng Tứ giác Long Xuyên. Quê gốc ở thị trấn Cái Dầu (huyện Châu Phú), Út Ngãi đến cánh đồng hoang vắng này cách đây hơn 20 năm để lập nghiệp. Nhờ dòng nước kênh Vĩnh Tế mà Út Ngãi đã tháo chua, rửa phèn, canh tác lúa thành công.

“Vụ hè thu này, ruộng lúa nhà tôi đạt năng suất khoảng 10 tấn/ha. Trên vùng rốn phèn thuở nào, bây giờ nhiều nông dân bám đất canh tác lúa vươn lên giàu có nhờ dòng kênh Vĩnh Tế. Nhiều nông dân mạnh dạn đầu tư mở rộng diện tích đất hàng trăm đến hàng ngàn công, danh tiếng lẫy lừng” - Út Ngãi tâm sự.

Chúng tôi gặp ông Bảy Nhị (Nguyễn Minh Nhị, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh An Giang), người từng gắn bó vùng đất phèn Tứ giác Long Xuyên, rất rành về con kênh Vĩnh Tế. Khi nhắc đến con kênh huyền thoại này, ông Bảy Nhị rất tự hào, khâm phục trước bậc tiền nhân danh thần Thoại Ngọc Hầu đã có công khai phá vùng cương thổ Tây Nam. Ông Bảy Nhị nói rằng, Thoại Ngọc Hầu là vị quan của triều đình nhà Nguyễn thời bấy giờ. Ông có công tổ chức đắp đường đào kênh, mở mang xóm ấp, phát triển sản xuất, bảo vệ cương thổ, đem lại cuộc sống an lành, sung túc cho lưu dân.

Thuở trước, kênh Vĩnh Tế do ông Thoại Ngọc Hầu chỉ huy đào từ năm 1819 đến 1824, với trên 80.000 lượt nhân công. “Công trình này rất gian khổ, phải gián đoạn nhiều lần và nhiều người mất mạng vì thú dữ, bệnh tật, tai nạn. Ngày xưa, người ta rẽ lối rạch hoang, dùng những cây sào lửa thắp vào ban đêm để điều chỉnh cho tuyến kênh được thẳng tắp như bây giờ” - ông Bảy Nhị bồi hồi kể.

ông Bảy Nhị khẳng định, kênh Vĩnh Tế, ngoài mang sứ mệnh bảo vệ quốc phòng - an ninh, còn tạo điều kiện thuận lợi cho người dân giao thương và làm thủy lợi nội đồng. Về mặt thương mại, con kênh này là đường xuôi ngược cho những ghe thương hồ từ vùng biển Hà Tiên sầm uất vào sâu trong nội địa đồng bằng, rồi xuôi dòng sông Hậu hoặc qua sông Tiền về Sài Gòn và ngược lại... Về mặt giao thông, con kênh này quan trọng, vì lượng tàu bè tấp nập qua lại trên dòng kênh bất kể ngày đêm.

“Nối tiếp các bậc tiền nhân, sau này, để khai hoang vùng kinh tế mới Tứ giác Long Xuyên, Nhà nước tiến hành đào kênh T4, T5, T6 dẫn nước ngọt từ kênh Vĩnh Tế vào ruộng tháo chua, rửa phèn. Đất cúi đầu phục người, nông dân canh tác lúa 2 vụ, trúng mùa qua các năm” - ông Bảy Nhị cười khà.

Tên gọi kênh Vĩnh Tế được đặt theo tên vợ của ông Thoại Ngọc Hầu là bà Châu Thị Tế. Tương truyền, bà là người hiền đức, tận tụy, đảm đang đã góp phần không nhỏ trong sự nghiệp của chồng. Vì bà Châu Thị Tế có công tận tụy giúp đỡ chồng trong việc xây dựng công trình thủy lợi này nên vua Minh Mạng cho lấy tên bà đặt cho kênh.

HOÀNG MỸ