Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì và phát biểu bế mạc Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng giữa nhiệm kỳ khóa XIII, tại Trụ sở Trung ương Đảng, sáng 17/5/2023. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN
* Lựa chọn cán bộ có thể được coi là “gốc của gốc rễ”
Thiếu tá Cao Văn Đường, Chính trị viên Tàu 383, Lữ đoàn 167, Vùng 2 Hải quân cho rằng, cán bộ là gốc thành công của cách mạng Việt Nam thì việc lựa chọn cán bộ có thể được coi là “gốc của gốc rễ”. Bởi vì khâu lựa chọn cán bộ để đưa vào quy hoạch, bổ nhiệm cũng như việc người nông dân gieo trồng. Chọn được giống tốt, sạch bệnh thì cây lúa khỏe, trổ những bông lúa mẩy, thơm. Giống xấu, nhiễm bệnh thì cây lúa còi cọc, hạt sẽ lép và người nông dân thất thu. Tương tự, chọn nhầm cán bộ thì hiệu quả công việc sẽ kém. Nguy hại hơn, điều này tác động tới niềm tin của nhân dân đối với Đảng, chính quyền, cơ quan, địa phương…
Hiện nay, bên cạnh đại đa số cán bộ, đảng viên có phẩm chất đạo đức, nhiệt tình phục vụ nhân dân thì có một bộ phận cán bộ, đảng viên phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí, ngại khó, ngại khổ, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, như văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã chỉ rõ.
Theo Thiếu tá Cao Văn Đường, tác hại của việc tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ rất trầm trọng. Hậu quả nhìn thấy được là công việc ngưng trệ, nội bộ mất đoàn kết, cán bộ mất động lực phấn đấu. Nhưng hậu quả lớn hơn là mất niềm tin đối với Đảng, chính quyền, ảnh hưởng đến vận mệnh quốc gia thì khó nhận ra vì điều này xảy ra từ từ, thông qua nhiều hệ lụy khác nhau.
Ngày 11/7/2023, Bộ Chính trị ban hành Quy định số 114-QĐ/TW về việc kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ. Quy định này ra đời trong thời điểm hiện nay là rất kịp thời được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, ủng hộ và đặt nhiều kỳ vọng.
* Quy định 114-QĐ/TW hợp lòng dân
Ông Nguyễn Quang Vịnh (40 năm tuổi Đảng, phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội) rất tâm đắc với Quy định mới của Bộ Chính trị vừa ban hành về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền… là việc làm ý nghĩa.
Theo ông Nguyễn Quang Vịnh, mối nguy hại từ nạn tha hóa quyền lực trong đội ngũ cán bộ, là nguyên nhân gây rạn nứt mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân. Ngoài ra, tha hóa, thoái hóa quyền lực dẫn tới lạm quyền, lộng quyền, thậm chí đoạt quyền lực. Từ sở hữu quyền lực tới buôn bán quyền lực là một bước chuyển hóa rất ngắn, chỉ trong gang tấc và hiểm họa khôn lường...
Quy định 114-QĐ/TW nêu rõ các hành vi lợi dụng, lạm dụng chức vụ quyền hạn như: Dùng uy tín, ảnh hưởng của bản thân và người có quan hệ gia đình gợi ý, tác động, gây áp lực để người khác quyết định, chỉ đạo, tham mưu, đề xuất, nhận xét, đánh giá, biểu quyết, lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu giới thiệu nhân sự, bỏ phiếu bầu theo ý mình; để người có quan hệ gia đình, người có mối quan hệ thân quen lợi dụng chức vụ, quyền hạn, uy tín của bản thân tác động, thao túng, can thiệp vào các khâu trong công tác cán bộ; lồng ghép ý đồ cá nhân khi thực hiện các khâu trong công tác cán bộ vì động cơ, mục đích vụ lợi hoặc có lợi cho nhân sự trong quá trình thực hiện công tác cán bộ đều sẽ có những biện pháp xử lý nghiêm minh và hết sức đúng đắn.
Ông Nguyễn Quang Vịnh nêu quan điểm, tình trạng lộng quyền, tham nhũng, tiêu cực, ảnh hưởng đến nhiều mặt của đời sống xã hội, gây bất bình trong nhân dân. Nhưng dưới sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự ủng hộ tuyệt đối của nhân dân, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với tinh thần "trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt" góp phần củng cố niềm tin yêu của nhân dân đối với Đảng, với chế độ.
Bà Đặng Thị Hoè (71 tuổi, 50 năm tuổi đảng, Phó Bí thư Chi bộ địa bàn dân cư số 3, phố Lạc Trung, phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội) cho rằng, Quy định 114-QĐ/TW nêu rõ các biện pháp xử lý của cấp có thẩm quyền khi có cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức vi phạm. Các hành vi tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ có kết luận vi phạm sẽ chuyển hồ sơ đến các cơ quan chức năng để xem xét, xử lý theo quy định. Dư luận trong nhân dân đánh giá cao về Quy định 114-QĐ/TW hợp lòng dân, đúng kỷ cương, phép nước.
Bà Hòe chia sẻ, việc phát hiện và xử lý các vụ việc có liên quan đến việc lạm dụng, tha hóa quyền lực của người đứng đầu thường rất khó khăn, phức tạp, vì nó gắn với người có chức vụ, có quyền hạn nên có mối quan hệ chằng chịt, đa dạng. Không ít trường hợp được bao che, thậm chí phản ứng quyết liệt với lực lượng kiểm tra, thanh tra, giám sát, các cơ quan thực thi, bảo vệ pháp luật.
Ngoài ra, những vấn đề trước đây có phần né tránh. Hiện tại quy định đã rõ ràng và công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đặc biệt là kiểm soát quyền lực phải thực hiện kiên quyết hơn nữa, phát huy vai trò gắn với kiểm soát quyền lực của người đứng đầu.
* Tăng cường trách nhiệm kiểm soát quyền lực
Đảng viên Nguyễn Văn Khang, xã Xuân Nộn, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội đánh giá cao Quy định 114-QĐ/TW của Bộ Chính trị trong kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ, nhấn mạnh Quy định mới của Bộ Chính trị đã nêu rõ hơn về trách nhiệm kiểm soát quyền lực. Như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần nhắc đến vấn đề mọi quyền lực phải được kiểm soát chặt chẽ bằng cơ chế, được ràng buộc bằng trách nhiệm, "phải nhốt quyền lực trong lồng cơ chế". Lạm dụng, lợi dụng quyền lực cũng phải bị truy cứu trách nhiệm và xử lý vi phạm.
Theo Đảng viên Nguyễn Văn Khang, phải có "lồng cơ chế" đủ sức, đủ tầm để bao trùm lên mọi quyền lực. Trao quyền cho người đứng đầu là đúng, trao quyền cho cơ quan thanh kiểm tra là đúng, vì như vậy họ mới có đủ thẩm quyền trong xử lý mọi việc. Tuy nhiên, cùng với trao quyền lực, phải kiểm soát được bằng cơ chế, tránh lạm quyền.
Đảng viên Nguyễn Văn Khang chia sẻ, mỗi đảng viên cần "giám sát", trao đổi, tuyên truyền thêm đối với những người trong gia đình nếu họ giữ chức vụ trong các tổ chức Đảng, Nhà nước, chính quyền, để quán triệt nói không với tham nhũng, tiêu cực.
Theo TTXVN