Lấy mèo để ngợi khen
Trong ca dao, tục ngữ, con mèo (mão, miêu) luôn ẩn mình là hình ảnh của sự tế nhị, nhẹ nhàng, từ tốn, nhỏ nhẻ: “Ăn như mèo hửi” (ăn ít, không muốn ăn), còn đàn ông ăn như hổ, phụ nữ ăn như mèo: “Nam thực như hổ, nữ thực như miêu”. Khi qua được nghịch cảnh, cơn bĩ cực, dân gian mượn con mèo cả đời ăn nhạt để san sẻ tình yêu thương, cảm thông đến những hoàn cảnh khó khăn, sự thiếu thốn: “Ăn nhạt mới biết thương mèo”. Còn trong câu “Rình như mèo rình chuột”, người nghe tưởng đối tượng là “đào tường khoét vách”, nhưng tiền nhân lại hạ bút ngợi ca về lòng kiên nhẫn, tính siêng năng, làm công việc đến tận cùng của loài “lim dim ngủ” nhưng động thái ở xung quanh đều biết.
Trong cuộc mưu sinh vất vả, người lượng được sức của mình, biết làm được sự việc, không mạo hiểm và liều mạng, người xưa mô phỏng là “Mèo nhỏ bắt chuột con”. Với tuổi trẻ tài cao, có khí phách, làm sự việc lớn lao được ví von là “Mèo con bắt chuột cống”. Thông qua hình ảnh này, dân gian gửi thông điệp: “Mọi người có thể làm được mọi sự việc, chiến thắng được những đối thủ, khi bản thân dũng cảm đối đầu với nó, cũng như đối phương đã từng làm”. Đến khi việc hanh thông, đời sống viên mãn, khuyến cáo người đời không tiêu tốn phung phí nên tiết kiệm, chi tiêu đúng chỗ để về sau không túng bấn, khó khăn vì “Mèo uống nước bể chẳng bao giờ cạn”.
Trong mối quan hệ của con người, ở mọi thời kỳ và mọi nơi, mọi lúc, tính khiêm nhường, sự cẩn trọng là cần thiết, quý giá nên không được xem thường người khác. Bởi trong đời người, sẽ khó hoặc không thể biết ai tài giỏi hơn ai, chưa biết “Mèo nào cắn mỉu (mèo) nào” vì núi cao có núi cao hơn. Nói đến người từng trải, lão luyện sự đời, dân gian ám chỉ “Mèo già hóa cáo”, ngụ ý người sống lâu năm đúc kết nhiều kinh nghiệm, còn người mới vào nghề rụt rè, nhút nhát nhưng sau đó tinh ranh, ma mãnh không thua gì con cáo. Người nghe ẩn dụ này thấy thô thiển nhưng ý nghĩa nhân sinh sâu sắc, khó tìm câu hay hơn thay thế.
Lấy con mèo để “đùa giỡn, châm biếm”
Mèo có công bắt chuột bảo vệ mùa màng, giữ bồ lúa, bếp ăn của mỗi gia đình, điều này ai cũng biết. Nhưng người xưa, nhiều khi đứng về phía họ nhà chuột nên hình ảnh mèo trong mắt chuột là ghê gớm, hung bạo. Vận dụng điều này, dân gian phán cho “Mèo khóc chuột” là hành vi ngụy tạo, xót thương nhưng tiêu diệt đối thủ khi có thể, bởi bao giờ “Mèo thương chuột” nói chi đến anh em hay bạn bè. “Mèo khóc chuột” chẳng qua là chiêu trò dỗ ngọt, vì thịt chuột là món ăn mèo khoái khẩu nhất. Câu ngụ ngôn có màu sắc hài hước, dí dỏm nhưng thâm thúy và triết lý, khuyên con người không được quá cả tin, phải có cách đối phó, ứng xử phù hợp.
Bản thân thường nằm khoanh nên mèo bị coi là hiện thân của sự lười biếng, không vận động và có tính “Ăn vụng thành tinh”. Ca dao, dân gian chế giễu: “Mèo nằm bồ lúa khoanh đuôi - Vợ anh đẹp lắm, đuổi ruồi không bay” và chê trách “Chồng người đi ngược về xuôi - Chồng tôi ngồi bếp sờ đuôi con mèo”. Với những người thường khoe khoang, tự mãn về bản thân, người xưa cho “Mèo khen mèo dài đuôi”, còn “Chó chê mèo lắm lông”, ám chỉ bản thân không ra gì nhưng luôn thấy cái xấu ở người khác. Với người đần độn, tục ngữ nói “Chó gio, mèo mù” hay “chó khô, mèo lạc” là ám chỉ người vô dụng, không làm được công việc.
Dù dân gian đùa giỡn, chế giễu nhưng sau những nụ cười vẫn thương cảm hình ảnh của con mèo. Đã vậy, con mèo không ít lần phải đại diện cho hạng người vô lại: Đàn ông trộm cắp, phụ nữ không đàng hoàng là “Mèo mả gà đồng”, “Mèo hoang lại gặp chó hoang - Anh đi ăn trộm gặp nàng bứt khoai”. Những hình ảnh này không chỉ là chê trách, phê phán nhưng người xưa gửi khát vọng của con người trong thời đó, mong thoát kiếp sống bức bách.
NGUYỄN RẠNG