Ý thức phòng, chống dịch bệnh trong cộng đồng

24/03/2020 - 05:54

 - Trong thời điểm cả nước đang chung lòng “Chống dịch như chống giặc”, đòi hỏi mỗi cá nhân phải nêu cao tinh thần chủ động bảo vệ bản thân và cộng đồng. Đặc biệt, chúng ta phải chủ động chống dịch ngay từ trong ý thức!

Khi dịch bệnh Covid-19 đang “tàn phá” Châu Âu, xâm lấn Châu Mỹ, gây thiệt hại nặng nề cho Trung Quốc và đe dọa vùng Trung Đông thì nước ta vẫn đang kiểm soát tốt tình hình, với số cas dương tính Covid-19 là 123 trường hợp và đã chữa trị khỏi bệnh 17 cas (tính đến 0 giờ ngày 24-3-2020). Thực tế, Việt Nam đã chủ động các biện pháp phòng, chống dịch bệnh ngay từ khi cả thế giới còn “lơ là” với Covid-19. Nhờ đó, chúng ta chữa trị khỏi hẳn cho 16 cas bệnh đầu tiên, mang đến sự yên tâm cho xã hội và đang tiếp tục triển khai các biện pháp chống dịch giai đoạn 2.

Chuyện đeo khẩu trang khi đến nơi công cộng, thường xuyên rửa tay với nước sát khuẩn, xà bông hay hạn chế đến nơi đông người, tránh tiếp xúc gần với người nghi nhiễm bệnh… đã xuất hiện dày đặc trên các phương tiện truyền thông và mạng xã hội bằng nhiều hình thức, nhằm đảm bảo tất cả người dân dù ở đâu, làm gì vẫn có thể tiếp cận thông tin để hiểu rõ hơn tác hại của dịch bệnh. Tuy nhiên, đâu đó vẫn có những trường hợp quá thờ ơ trước dịch bệnh Covid-19 mà có những hành động gây ảnh hưởng tới những người xung quanh.

An Giang chủ động các biện pháp phòng dịch, đặc biệt là khu vực biên giới

Việc một cô gái sử dụng 2 hộ chiếu để nhập cảnh vào nước ta nhằm trốn khai báo y tế đã cho thấy sự thấp kém trong nhận thức chống dịch bệnh. Rồi đến 1 doanh nhân ở Bình Thuận cũng phát tán dịch bệnh Covid-19 ra cộng đồng nhưng khai báo “nhỏ giọt” thông tin về lịch trình của mình, gây khó khăn cho ngành chức năng trong việc nỗ lực khoanh vùng dịch bệnh, đối tượng nhiễm bệnh. Bức xúc hơn nữa là 1 doanh nhân dùng cấp dưới để “đóng thế” mình nhằm trốn cách ly, khi bị phát hiện mới chịu thực hiện theo yêu cầu của ngành chức năng và chính quyền địa phương.

Cần phải hiểu rằng, việc cách ly chỉ là để bảo vệ an toàn cho bản thân, gia đình và cộng đồng. Nếu trốn cách ly mà bản thân đang nhiễm dịch bệnh Covid-19 chẳng khác nào đã trực tiếp gây hại cho gia đình, người thân của mình và xã hội. Thực tế, việc cách ly chỉ là “14 ngày cô đơn nhưng cả đời hạnh phúc”. Mặt khác, thời gian cách ly cũng chính là lúc chúng ta nhận được sự chăm sóc y tế đặc biệt. Nếu chẳng may nhiễm bệnh sẽ được chữa trị kịp thời. Ngược lại, nếu đã mắc bệnh thì có tránh được việc phải vào bệnh viện hay không, đó là chưa nói đến chuyện gây nguy hiểm cho rất nhiều người xung quanh.

Chuyện trong nơi cách ly thì đã quá rõ. Từ việc ăn, ngủ cho đến chế độ sinh hoạt đều rất ổn. Cách ly là để đảm bảo an toàn, bảo vệ sức khỏe chính bản thân của người bị nghi ngờ mắc bệnh, người đi về từ vùng dịch. Sau 14 ngày nếu không có bệnh sẽ được trở về với gia đình, cộng đồng nên chẳng có việc gì phải trốn tránh.

Hiện, An Giang đã thực hiện cách ly xong đối với 233 công dân trở về từ vùng dịch tại Trường Quân sự tỉnh (thị trấn Óc Eo, Thoại Sơn) và 33 cá nhân có tiếp xúc với người bị nhiễm Covid-19 tại Đại đội Bộ binh 6 (xã Vĩnh Hòa, TX. Tân Châu). Những cá nhân này được chăm sóc đầy đủ về điều kiện y tế, sinh hoạt trong thời gian cách ly và đã trở về nhà. Như vậy, chuyện cách ly không “khủng khiếp” như nhiều người lầm tưởng và đó chỉ đơn giản là bảo vệ cộng đồng.

Thời gian qua, An Giang đã chủ động triển khai các biện pháp phòng dịch chặt chẽ tại các địa phương. Trong đó, khu vực biên giới được xem là “nóng” nhất bởi tình hình người dân qua lại khá phức tạp. Do đó, trách nhiệm của mỗi người là thực hiện nghiêm túc những khuyến cáo của ngành y tế về các biện pháp phòng dịch, chủ động khai báo y tế để ngành chức năng dễ dàng quản lý, không đi ra nước ngoài, không đến khu vực biên giới nếu không quá cần thiết.

Đặc biệt, người dân không nên quá hoang mang, lo lắng về diễn biến của dịch bệnh trong thời gian qua, bởi sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành từ Trung ương đến địa phương. Trong đó, sự chủ động và ủng hộ của người dân đối với các biện pháp của Chính phủ và chính quyền địa phương về các biện pháp phòng, chống dịch đóng vai trò rất quan trọng.

Ngoài ra, người dân không nên đổ xô mua nhu yếu phẩm tạm trữ, bởi sự chỉ đạo quyết liệt từ Chính phủ, sự vào cuộc của Bộ Công thương và các ngành liên quan cũng như sự đồng lòng, ủng hộ của các doanh nghiệp sẽ không xảy ra hiện tượng thiếu hàng hóa. Do đó, việc tranh thủ tích trữ nhu yếu phẩm lúc này là không cần thiết và gây ra tâm lý hoang mang, lo lắng trong cộng đồng.

Thời điểm này, mỗi người dân cần nâng cao ý thức, sống có trách nhiệm hơn, đừng chủ quan để bảo vệ sức khỏe cho mình, cho gia đình và toàn xã hội. Đồng thời, hãy kêu gọi mọi người tham gia tự bảo vệ mình và bảo vệ lẫn nhau, góp phần thiết thực vào mục tiêu đẩy lùi dịch bệnh Covid-19 mà cả nước đang đồng lòng thực hiện.

THANH TIẾN