Yên Bái tích cực xây dựng xã hội học tập

01/11/2020 - 08:53

Trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, các cấp Hội Khuyến học trong tỉnh Yên Bái có bước phát triển cả về quy mô, chất lượng và hiệu quả hoạt động, đóng góp tích cực vào việc phát triển toàn diện giáo dục và đào tạo của tỉnh.

Giờ học tại Trường tiểu học và THCS Bản Hát, xã Hát Lừu, huyện Trạm Tấu (Yên Bái). Ảnh: ÐĂNG KHOA

Ðến nay, hệ thống tổ chức Hội Khuyến học đã phủ khắp tất cả các xã, phường, thị trấn, thôn, bản, tổ dân phố, trường học với hơn 1.800 chi hội, hơn 400 ban khuyến học; tỷ lệ hội viên đạt 24% dân số toàn tỉnh (tăng 7% so với đầu nhiệm kỳ). Nhiều mô hình học tập, mô hình khuyến học, khuyến tài tiêu biểu ở các địa phương, cơ quan, đơn vị với cách làm hay, sáng tạo, có sức lan tỏa lớn đã động viên đông đảo cán bộ, hội viên và nhân dân tích cực học tập, nâng cao dân trí, phát triển kinh tế - xã hội. Tiêu biểu như các mô hình: "Kho thóc khuyến học" ở các huyện Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Văn Chấn; "Dòng họ học tập" ở huyện Mù Cang Chải, Trung tâm Học tập cộng đồng ở huyện Yên Bình, Cộng đồng học tập cấp xã ở huyện Trấn Yên…

Các mô hình đã góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, giáo dục vùng cao và chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh. Trong 5 năm qua, Quỹ khuyến học, khuyến tài cấp tỉnh cũng đã vận động ủng hộ hàng chục tỷ đồng, giúp đỡ hàng nghìn học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, động viên, khen thưởng kịp thời học sinh và giáo viên có thành tích xuất sắc trong học tập.

Từ nay đến năm 2025, Hội Khuyến học tỉnh Yên Bái sẽ thu hút thêm hội viên với mục tiêu tỷ lệ hội viên đạt hơn 25% dân số toàn tỉnh; tiếp tục phát huy hiệu quả hoạt động và nhân rộng các mô hình học tập hay, sáng tạo. Hằng năm, tất cả hội khuyến học các huyện, thị xã, thành phố đạt đơn vị khuyến học tiên tiến; hơn 65% số gia đình, dòng họ, cộng đồng thôn/tổ dân phố đạt danh hiệu học tập; ít nhất 10 nghìn học sinh, sinh viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được hỗ trợ học tập… Tỉnh khuyến khích, vận động các cá nhân, đơn vị tham gia ủng hộ Quỹ khuyến học, khuyến tài của tỉnh, góp phần tích cực xây dựng xã hội học tập.

★ Tỉnh Hậu Giang đang tập trung nghiên cứu xây dựng Ðề án Hậu Giang xanh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, nhằm cụ thể hóa chương trình hành động về môi trường và nội dung nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh lần thứ 14, góp phần kiểm soát tình trạng ô nhiễm và cải thiện cảnh quan môi trường của tỉnh. Tỉnh đã tổ chức tham vấn ý kiến của các nhà quản lý, nhà khoa học, trong đó tập trung đánh giá hiện trạng công tác bảo vệ môi trường, cập nhật các nguồn khí thải, nguồn thải từ chăn nuôi và rà soát tất cả các nguồn thải. Trên cơ sở đó, bổ sung nội dung đánh giá nguy cơ, thách thức trong công tác bảo vệ môi trường của tỉnh trong thời gian tới; đề ra mục tiêu, nhiệm vụ phù hợp thực tế và các quy định pháp luật hiện hành.

Theo đánh giá, Hậu Giang đang đối mặt với nguy cơ ô nhiễm môi trường tại khu vực các cơ sở sản xuất, kinh doanh có nguy cơ ô nhiễm thuộc danh mục các loại hình sản xuất công nghiệp; ô nhiễm tại lưu vực sông Hậu, sông Cái Lớn, sông Ba Láng và các kênh, rạch; ô nhiễm môi trường cục bộ do xử lý rác sinh hoạt và do ngành nghề truyền thống. Do đó, tỉnh xác định cách tiếp cận trong giải quyết vấn đề môi trường là sử dụng hỗn hợp các công cụ quản lý môi trường gồm pháp lý, kinh tế, kỹ thuật, giáo dục và truyền thông; quy hoạch môi trường gắn với phân vùng phát thải khí thải và xả nước thải... Trước mắt, tỉnh tập trung nâng cao ý thức người dân trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường, ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường; phấn đấu 90% lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh ở đô thị được thu gom và xử lý bảo đảm quy định pháp luật về bảo vệ môi trường. Bên cạnh việc giải quyết dứt điểm tình trạng chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản tự phát trên sông, kênh, rạch không phù hợp quy hoạch, làm cản trở giao thông, dòng chảy, gây ô nhiễm môi trường, còn phải nâng cao tỷ lệ che phủ cây xanh ở các tuyến đường giao thông tại đô thị, nông thôn, khu vực công cộng và khu dân cư; phấn đấu 100% tuyến đường xã, liên xã được trồng cây xanh. Tỉnh phấn đấu đến năm 2030, tất cả lượng chất thải rắn sinh hoạt đô thị được thu gom và xử lý; duy trì và mở rộng thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn tỉnh; 100% bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng được thu gom, xử lý đúng quy định.

Theo Báo Nhân Dân

 

Liên kết hữu ích