Yêu cầu xét lại việc làm sai lệch hồ sơ

09/05/2022 - 06:45

 - Cho rằng bản thân không vi phạm, nhưng lại bị ngân hàng khởi kiện đến Tòa án nhân dân (TAND) huyện; quá trình tố tụng, thư ký tòa án làm sai lệch hồ sơ, gây thiệt hại nặng cho gia đình, bạn đọc gửi đơn khiếu nại nhiều nơi, trong đó có Báo An Giang.

Ông Châu Văn Tuấn (sinh 1957) cùng vợ (bà Neang Khen, sinh năm 1966, ngụ tổ 5, ấp An Lợi, xã An Hảo, huyện Tịnh Biên) cho biết, họ không biết chữ. Muốn vay vốn ở ngân hàng để nuôi bò, canh tác lúa, nhiều lần họ phải nhờ ông Lục Tà Dung phiên dịch. Ngày 12/5/2011, bà Neang Khen vay 168 triệu đồng ở Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tịnh Biên chi nhánh Chi Lăng, đứng tên Hợp đồng tín dụng 293/HĐTD, làm hợp đồng thế chấp tài sản. Việc nhận tiền được ghi rõ trong phụ lục của hợp đồng, có dấu lăn tay của bà Neang Khen và chữ ký của kế toán ngân hàng.

“Vợ chồng tôi trả gốc và lãi hàng tháng, sau đó nhiều lần trả thêm nợ gốc để bớt đi lãi. Tuy nhiên, đến đầu tháng 3/2016, gia đình tôi bất ngờ nhận giấy triệu tập của TAND huyện Tịnh Biên, đề nghị “7 giờ 30 phút, ngày 3/3/2016 có mặt”. Tại đây, ông M.V.K (thư ký tòa án) cho biết, vợ chồng tôi bị ngân hàng khởi kiện đòi nợ, nhưng cho gia hạn đến 6 tháng. Thực hiện theo yêu cầu của ông K., chúng tôi phải làm một số thủ tục, ký một số giấy tờ”- ông Tuấn cho biết.

Ông Châu Văn Tuấn trình bày vụ việc

Ngày 22/11/2016, Chi cục Thi hành án Dân sự huyện Tịnh Biên gửi Quyết định 139/QĐ-CCTHA (nội dung “thi hành án chủ động” theo Quyết định 13/2016/QĐST-DS ngày 11/3/2016 của TAND huyện Tịnh Biên) cho gia đình ông Tuấn. Tá hỏa, vợ chồng ông nhờ luật sư tìm hiểu vụ việc, tham gia tố tụng. Theo hồ sơ vụ việc, ngoài Hợp đồng tín dụng 293/HĐ-TD, ngày 12/5/2011, họ còn có trách nhiệm thanh toán Hợp đồng tín dụng 200/HĐ-TD, ngày 15/6/2011, trị giá 300 triệu đồng, trong khi gia đình ông không biết, không ký kết hợp đồng và không nhận tiền. “Nhờ luật sư, tôi mới biết mình có thêm hợp đồng tín dụng vay, trong đó có rất nhiều chữ ký. Phụ lục của hợp đồng tín dụng không có chữ ký nhận tiền của người vay và của ngân hàng, đặc biệt không có người phiên dịch nhưng chúng tôi vẫn buộc thanh toán số nợ rất lớn. Vợ chồng tôi khiếu nại, tố cáo đã lâu nhưng vụ việc chưa ngã ngũ, gây thiệt hại lớn cho gia đình tôi” - ông Châu Văn Tuấn phản đối.

Tìm hiểu vụ việc cho thấy, ngày 4/2/2016, TAND huyện Tịnh Biên thụ lý vụ án dân sự sơ thẩm số 13/2016/TLST-DS. Sau khi thực hiện các bước, ngày 3/3/2016 lập biên bản hòa giải thành. Ngày 11/3/2016, tòa án quyết định công nhận thỏa thuận của các đương sự (số 13/2016/QĐST-DS). Theo đó, ngân hàng và gia đình ông Tuấn thống nhất nợ gốc 468 triệu đồng, nợ lãi đến 19/1/2016 là 406 triệu đồng, đến ngày 3/9/2016 bị đơn trả một lần đủ số tiền 874 triệu đồng. Ngân hàng duy trì Hợp đồng thế chấp 293/HĐTC, ngày 13/6/2009; Hợp đồng thế chấp 235/HĐTC, ngày 27/6/2016 để bảo đảm nghĩa vụ thanh toán cho hợp đồng tín dụng. Ngoài quyết định thi hành án chủ động, Chi cục Thi hành án Dân sự huyện Tịnh Biên thông báo việc cưỡng chế thi hành án; ngày 13/12/2016 ra Quyết định 05/QĐ-CCTHA về việc cưỡng chế kê biên quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất (nếu có).

Liên quan đến vụ việc, đại diện UBND xã An Hảo thông tin, việc này xảy ra khá lâu nhưng chưa dứt điểm. Ngày 16/9/2020, địa phương dự buổi làm việc về món nợ 300 triệu đồng giữa ngân hàng với vợ chồng ông Châu Văn Tuấn. Gia đình ông Tuấn khẳng định không nợ 300 triệu đồng. Đối với quyết định công nhận sự thỏa thuận, gia đình ông không biết, đang khiếu nại việc này. Họ chỉ thừa nhận khoản vay 168 triệu đồng, sẽ trả theo quy định, đề nghị trả 4 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho gia đình ông. Qua khiếu nại của vợ chồng ông Tuấn, ngân hàng thông tin: Đơn vị đã xác minh, trả lời trực tiếp và bằng văn bản vào tháng 7, tháng 8/2020. Thực hiện Văn bản 390/NHNo-KTNB của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh An Giang ngày 29/3/2022, ngân hàng đã kiểm tra, rà soát chứng từ giao dịch, hồ sơ vay. Tuy nhiên, việc cung cấp này chưa thực hiện ngay được, do liên quan đến một vụ án đang chờ cơ quan công an điều tra, làm rõ.

Luật sư Trần Ngọc Phước (Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh An Giang) cho biết, về tội làm sai lệch hồ sơ vụ án, Bộ luật Hình sự 2017 quy định điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán, hội thẩm nhân dân, thư ký tòa án, người khác có nhiệm vụ, quyền hạn trong hoạt động tư pháp, người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự thêm, bớt, sửa đổi, đánh tráo, hủy hoặc làm hư hỏng tài liệu, vật chứng của vụ án, vụ việc hoặc bằng thủ đoạn khác nhằm làm sai lệch nội dung vụ án, vụ việc thì bị phạt tù từ 1-5 năm. Phạm tội có tổ chức, thiệt hại từ 500 triệu đồng đến dưới 1 tỷ đồng thì bị phạt tù từ 5-10 năm. Làm sai lệch hồ sơ dẫn đến việc kết án oan người vô tội, bỏ lọt tội phạm hoặc người phạm tội; làm người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, người bị kết án, người phải chấp hành án, người bị hại, đương sự tự sát; gây thiệt hại 1 tỷ đồng trở lên thì bị phạt tù từ 10-15 năm. Trường hợp tố cáo của vợ chồng ông Tuấn, cần phải có chứng cứ, cơ sở đầy đủ.

N.R