Yêu thương “thế giới ngày mai”

01/06/2023 - 04:52

 - Trẻ em là hạnh phúc của gia đình, là tương lai của đất nước, đúng như câu nói “Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai”. Nhưng chăm bồi, vun đắp như thế nào, để “thế giới” ấy thật sự bền vững, thật sự là tương lai của chúng ta, là câu chuyện rất dài.

Những vòng tay rộng

An Giang có 445.923 trẻ, trong đó, 4.652 trẻ có hoàn cảnh đặc biệt theo Luật Trẻ em (85% được chăm sóc); 36.826 trẻ có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt (63% được chăm sóc). Hiện nay, 164.064 trẻ dưới 6 tuổi được thụ hưởng chính sách bảo hiểm y tế (BHYT), đạt 100%. Trẻ em hộ nghèo, cận nghèo, mồ côi không nơi nương tựa, bị bỏ rơi, khuyết tật nặng, nhiễm chất độc hóa học, nhiễm HIV/AIDS thuộc diện hộ nghèo… được bảo trợ xã hội thường xuyên tại cộng đồng; địa phương đảm bảo kinh phí mua BHYT cho tất cả.

Cha mất đột ngột 7 năm trước, Mai Ngọc Như Ý (lớp 2C Trường Tiểu học Lê Văn Nhung, TP. Long Xuyên) lớn lên cùng quán nước nhỏ ven đường của mẹ. Nguồn thu chẳng bao nhiêu, hai mẹ con cứ chật vật từng ngày. Mỗi năm, chi phí học tập của bé càng tăng, cơ hội đến trường càng hẹp. “Biết cảnh nhà khó khăn, Như Ý cố gắng học giỏi, vừa được nhận học bổng 3 triệu đồng/năm, tôi đỡ lo phần nào. Bây giờ, ai giúp gì, tôi mang ơn nấy, mong tới ngày con lớn khôn” - chị Trần Thị Sinh Kiều (mẹ Như Ý) tâm sự.

Nhiều mô hình chăm sóc, bảo vệ trẻ em hoạt động hiệu quả. Hệ thống bảo vệ trẻ em dựa vào cộng đồng được triển khai tại 74/156 xã, phường, thị trấn. Mỗi nơi đều bố trí cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, cùng 1.714 cộng tác viên khóm, ấp. Hội liên hiệp phụ nữ các cấp nỗ lực bảo vệ an toàn cho phụ nữ, trẻ em, thông qua duy trì 192 địa chỉ tin cậy, nhà tạm lánh cộng đồng (782 thành viên tham gia); 20 tổ an toàn cho phụ nữ và trẻ em (286 thành viên tham gia).

Năm 2022, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội An Giang tham mưu UBND tỉnh triển khai mô hình “Kết nối, chuyển gửi, tìm gia đình chăm sóc thay thế cho các đối tượng trẻ em bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi, và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt”, thí điểm tại 11 huyện, thị xã, thành phố. Qua khảo sát, 184 trẻ có nhu cầu chăm sóc thay thế; 44 cá nhân, gia đình có nhu cầu nhận chăm sóc thay thế.

Tháng hành động cho chuỗi ngày dài

Vẫn còn đó tiếng thở dài. Lo cái ăn, cái mặc, nhu cầu thiết yếu cho trẻ tạm ổn, phát sinh nguy cơ trẻ bị xâm hại trên môi trường mạng, khi sớm tiếp cận với thiết bị công nghệ. Cuộc sống khó khăn, người lớn lo mưu sinh, cố gắng để con mình no bụng, lại quên rằng trẻ cần lấp đầy tâm hồn bằng nhiều hành động yêu thương khác.

Từng lúc, từng nơi, quyền trẻ em vẫn bị xâm phạm, như: Bạo lực, xâm hại trẻ em, bị lạm dụng sức lao động... Đặc biệt, trẻ vi phạm pháp luật có xu hướng gia tăng, khi mạng xã hội “dạy” các em nhiều điều tiêu cực hơn những điều tích cực mà thầy cô, gia đình mang đến. 

Chính vì thế, Tháng hành động vì trẻ em năm nay (từ ngày 1/6 đến 30/6) nhấn mạnh chủ đề “Chung tay bảo vệ trẻ em, hãy lên tiếng phòng, chống xâm hại, bạo lực trẻ em”, cho thấy tính bức thiết của vấn đề.

“Thiết nghĩ, các cấp, ngành cần tích cực tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong thực hiện chủ trương, pháp luật về trẻ em; hạn chế tình trạng trẻ em rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, bị xâm hại, bị bạo lực, bị tử vong do tai nạn thương tích... Đồng thời, tổ chức hiệu quả Tháng hành động vì trẻ em, huy động sự vào cuộc tích cực của toàn xã hội, để trẻ em có điều kiện phát triển toàn diện” - Trưởng phòng Bảo vệ, chăm sóc trẻ em và bình đẳng giới (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) Đặng Huy Châu chia sẻ.

Hoạt động chuyên môn liên quan mật thiết đến trẻ em, Sở Giáo dục và Đào tạo An Giang đề nghị toàn ngành hưởng ứng “Chung tay giảm thiểu tổn hại trẻ em” bằng nhiều hình thức linh hoạt, phù hợp điều kiện thực tế. Theo Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Võ Bình Thư, nhà trường, gia đình và xã hội cùng phối hợp quản lý, giám sát, hướng dẫn trẻ em vui chơi an toàn, bổ ích; phòng, chống bạo lực, xâm hại, tai nạn, thương tích, đuối nước cho trẻ; lồng ghép thực hiện Tháng hành động vì trẻ em vào kế hoạch sinh hoạt hè, giúp trẻ trải qua mùa hè lành mạnh, ý nghĩa.

Chính sách mới cho tình hình mới

 Quyền trẻ em, đặc biệt quyền được sống an toàn, lành mạnh, được bảo vệ khỏi xâm hại trở thành một trong những vấn đề toàn cầu, được Đảng, nhà nước và xã hội quan tâm. Trong 2 năm gần đây, Chính phủ trình Quốc hội thông qua 2 luật, ban hành 12 nghị định; Thủ tướng Chính phủ ban hành 2 nghị quyết, 2 chỉ thị, 15 quyết định, 1 công điện liên quan đến trẻ em. Thủ tướng Chính phủ còn ban hành Quyết định 830/QĐ-TTg, ngày 1/6/2021, phê duyệt Chương trình bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021 - 2025, thể hiện quyết tâm chăm lo cho trẻ em thời kỳ mới.

Sáng 31/5, tại nghị trường kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, nhắc đến phòng, chống bạo lực học đường, đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Cảnh (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định) cho rằng: “Thầy cô có kỹ năng sư phạm, cần ưu tiên dạy điều hay lẽ phải, để trẻ có suy nghĩ, lối sống, sinh hoạt hàng ngày chuẩn mực. Cha mẹ cần chăm sóc, làm gương tốt, theo dõi, nhắc nhở con thực hiện những gì thầy cô dạy. Giữa nhà trường và gia đình cần đồng thuận, phối hợp chặt chẽ để trẻ được phát triển toàn diện”.

Công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em đang đứng trước nhiều thách thức mới, như: Tác động của tình hình kinh tế - xã hội trong nước, quốc tế; sự phân hóa giàu nghèo; kinh tế thị trường gây sức ép đến việc làm và thu nhập nhiều gia đình, nhất là hậu COVID-19; giá trị văn hóa gia đình truyền thống dần mai một, thay đổi theo chiều hướng khác.

Điều này đặt ra yêu cầu hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách giải quyết các vấn đề về trẻ em. Ngoài việc lấp đầy khoảng trống hiện hữu, tạo hành lang pháp lý chặt chẽ để phòng, chống xâm hại trẻ em, xây dựng nền tư pháp thân thiện với trẻ em, còn phải nghĩ đến trợ giúp trẻ em dân tộc thiểu số, miền núi; trẻ di cư và sống trong gia đình công nhân tại khu công nghiệp; trẻ bị ảnh hưởng thiên tai, thảm họa; khám, chữa bệnh, cung cấp thẻ BHYT cho từng độ tuổi trẻ em...

Nhân dịp Quốc tế thiếu nhi, tỉnh An Giang trích ngân sách tặng 887 phần quà cho trẻ có hoàn cảnh đặc biệt (250.000 đồng/phần). Trong đó, ưu tiên tặng trẻ mồ côi do COVID-19, trẻ bị nhiễm HIV/AIDS, bị xâm hại… Quà nhỏ, nhưng là nguồn động viên to lớn, chăm sóc đời sống vật chất lẫn tinh thần cho trẻ.

GIA KHÁNH - PHƯƠNG LAN