Ngay khi dịch bệnh Covid-19 mới khởi phát ở Vũ Hán (Trung Quốc), ngày 29-1-2020, trong Công văn số 79-CV/TW của Ban Bí thư đã nêu rõ: “Lãnh đạo, chỉ đạo công tác truyền thông đến từng cán bộ, đảng viên và nhân dân để mọi người đều nhận rõ tính chất nguy hiểm và tác hại nghiêm trọng của dịch do chủng mới virus Corona gây ra, thông tin kịp thời, chính xác để nâng cao nhận thức, ý thức và trách nhiệm cho người dân tự dự phòng là chính… Người đứng đầu cấp ủy trực tiếp chỉ đạo và chịu trách nhiệm về công tác phòng, chống dịch”.
Tiếp đó, ngày 21-3, Bộ Chính trị đã ban hành Thông báo số 172-TB/TW yêu cầu các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể tập trung phòng, chống dịch bệnh với tinh thần trách nhiệm cao nhất, kiên quyết không để dịch bệnh bùng phát, đồng thời thực hiện các nhiệm vụ cấp bách, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, duy trì sản xuất - kinh doanh chăm lo cho người dân, chủ động chuẩn bị các phương án phục hồi nền kinh tế.
Lãnh đạo phường Mỹ Quý (TP. Long Xuyên) tham gia tuyên truyền lưu động phòng, chống dịch bệnh Covid-19
Ngày 31-3, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg thực hiện cách ly toàn xã hội trong vòng 15 ngày kể từ 0 giờ ngày 1-4-2020 trên phạm vi toàn quốc. Cán bộ, đảng viên tích cực tuyên truyền để nhân dân thực hiện theo nguyên tắc “gia đình cách ly với gia đình, thôn bản cách ly với thôn bản, xã cách ly với xã, huyện cách ly với huyện, tỉnh cách ly với tỉnh, phân xưởng, nhà máy sản xuất phải bảo đảm khoảng cách an toàn, đeo khẩu trang, thực hiện khử trùng, diệt khuẩn theo quy định”.
Trong lúc này, trách nhiệm, vai trò của cán bộ, đảng viên đối với việc phòng, chống dịch bệnh Covid-19 là rất quan trọng. Những đồng chí Trưởng ban Nhân dân khóm, ấp, cán bộ phụ trách địa bàn không quản ngày đêm “đi từng ngõ, gõ từng nhà” tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực thực hiện “giãn cách xã hội”, chấp nhận hy sinh một phần lợi ích riêng để cùng cả nước chống dịch…
Những doanh trại bộ đội được trưng dụng để đảm bảo cho bà con có nơi ở cách ly an toàn tuyệt đối về điều kiện ăn, ở, sinh hoạt, chăm sóc y tế. Nơi tuyến đầu biên giới, Bộ đội Biên phòng tỉnh đã phối hợp tổ chức hàng trăm chốt dã chiến, tổ kiểm soát cố định và lưu động… không quản ngại mưa nắng để đảm bảo kiểm soát, chốt chặn biên giới nghiêm ngặt 24/24 giờ.
Là một trong nhiều người tham gia từ những ngày đầu chống dịch, đại úy Hoàng Minh Tuấn (Trưởng trạm Kiểm soát Biên phòng Cửa khẩu Khánh Bình, Đồn Biên phòng Cửa khẩu Long Bình, An Phú, An Giang) cho biết: “Những ngày đầu tiếp nhận, phân loại, đưa đi cách ly người dân Việt Nam nhập cảnh về nước gần cả ngàn người, thực sự rất căng thẳng. Với quyết tâm ngăn chặn dịch bệnh ngay từ cửa ngõ quốc gia, phải đảm bảo tính mạng, sự an toàn của người dân lên trên hết, tôi và đồng đội cố gắng vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ”.
Anh Tuấn nhớ lại: “Hơn 3 tháng phòng, chống dịch bệnh, mình chưa về nhà thăm vợ con 1 lần, dù nhà chỉ cách đơn vị 15km. Con nhớ ba đòi lên tận đơn vị thăm nhưng mình ngăn không cho vì bản thân làm việc ở cửa khẩu, hàng ngày tiếp xúc với rất nhiều người ở rất nhiều nơi; đồng thời vì thực hiện nhiệm vụ nên tạm gác tình riêng. Rất may là có zalo, facebook nên lúc nghỉ ngơi, tôi có thể gọi video coi như là đang ở bên vợ, con nên cũng đỡ nhớ và giải quyết công việc gia đình”.
Song song đó, các địa phương tăng cường tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh, bố trí xe tuyên truyền thông tin lưu động 3 lần/ngày (6 giờ sáng, 14 giờ 30 phút, 19 giờ) để tuyên truyền đến các địa bàn dân cư… Qua đó, giúp người dân dễ dàng nắm bắt và thực hiện tự phòng, chống dịch cho chính bản thân, bảo vệ cộng đồng. “Muốn làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh trước hết phải gần dân, sát dân, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân để tuyên truyền, vận động, tạo nên sự đồng thuận cao. Khi “ý Đảng, lòng dân” cùng là một thì công việc mới hoàn thành” - Bí thư Huyện ủy An Phú Ngô Công Thức chia sẻ.
Ngày 24-4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành Chỉ thị số 19/CT-TTg, trong đó yêu cầu: “Thống nhất nhận thức và hành động, quán triệt sâu sắc quan điểm “Chống dịch như chống giặc”, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và mọi người dân, đề cao kỷ luật, kỷ cương, trách nhiệm của người đứng đầu, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ…
Ngày 9-5, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình ký ban hành Công văn số 492/UBND-KGVX thực hiện Thông báo số 177/TB-VPCP ngày 8-5-2020 về phòng, chống dịch bệnh Covid-19, yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố, các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp cần xác lập tình trạng bình thường mới trong các hoạt động kinh tế - xã hội để dần đưa xã hội trở lại bình thường trên tinh thần tập trung đẩy mạnh các hoạt động phục hồi kinh tế; đồng thời luôn đề cao cảnh giác, không lơ là, chủ quan trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Để ứng phó nguy cơ dịch bệnh xâm nhập có khả năng gia tăng, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã yêu cầu toàn bộ hệ thống phòng, chống dịch bệnh và mỗi người dân không được chủ quan, lơ là, không được có tâm lý “coi như đã hết dịch”. Tiếp tục quản lý chặt chẽ người nhập cảnh để bảo đảm an toàn, mới có thể nới lỏng được ở bên trong để thực hiện mục tiêu kép là vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội. Các lực lượng phòng, chống dịch bệnh như: y tế, quân đội, công an… phải luôn trong trạng thái sẵn sàng; ngành y tế tiếp tục triển khai nghiên cứu vaccine, phác đồ điều trị, lập hồ sơ sức khỏe điện tử từng người dân để kiểm soát, giám sát chặt chẽ…
HỮU HUYNH