Theo TechCrunch, chủ sở hữu bản quyền của video clip hiện có một số cách để bảo vệ nội dung của họ. Tuy nhiên, tính năng Copyright Match (đối chứng bản quyền) có khả năng tự động quét mọi video mới tải lên để kiểm tra các đoạn video này có phải là một video tải lên lại từ một video có sẵn hoặc “rất giống” với một video đã có trên YouTube.
Đôi lúc, những đoạn video được upload lại có lượt xem còn nhiều hơn đoạn video gốc ẢNH CHỤP MÀN HÌNH
YouTube cũng lưu ý rằng công cụ mới sẽ không hoạt động đối với các đoạn clip nhỏ, mà chỉ với các video đầy đủ. YouTube cũng nhấn mạnh tầm quan trọng khi là người đầu tiên tải video lên YouTube của người sáng tạo nội dung vì đó là cách công cụ này có thể hiển thị kết quả phù hợp.
Khi công cụ tìm thấy kết quả vi phạm bản quyền, người tạo có thể chọn một trong các hình thức gồm: không làm gì và để đoạn clip tiếp tục “sống”; liên lạc với người sáng tạo nội dung khác; hoặc yêu cầu YouTube xóa video vi phạm. YouTube sẽ xem xét các yêu cầu gỡ xuống để đảm bảo chúng tuân thủ chính sách bản quyền.
YouTube cũng lưu ý rằng trong một số trường hợp, các clip video được đăng lại hoặc được sửa lại có thể được coi là sử dụng hợp lý và do đó sẽ không cấu thành việc vi phạm bản quyền. Ngoài ra, người sáng tạo nội dung không nên gửi yêu cầu gỡ xuống nội dung mà ban đầu họ không tạo hoặc không độc quyền.
Thoạt nhìn công cụ này có vẻ giống với chương trình Content ID hiện có của YouTube vì sử dụng công nghệ tương tự nhưng YouTube cho biết rằng Copyright Match tập trung vào việc nhận ra các video được tải lên lại trái phép; trong khi đó Content ID dành cho những người sở hữu bản quyền âm nhạc, video âm nhạc, trailer và các bản thu âm buổi trình diễn.
Tính năng này sẽ được YouTube phân phối trong vài ngày tới và bắt đầu với những người sáng tạo nội dung có hơn 100.000 người đăng ký theo dõi. YouTube có kế hoạch triển khai đến lượng người dùng lớn hơn trong vài tháng tới.
Theo THÀNH LUÂN (Thanh Niên)