“An Giang - Kết nối cơ hội, hợp tác thành công”

14/12/2018 - 07:00

 - Đó là chủ đề chính của Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh An Giang năm 2018. Với những tiềm năng, lợi thế to lớn, tỉnh An Giang đang “trải thảm đỏ” mời gọi nhà đầu tư với nhiều chính sách ưu đãi hấp dẫn. Đến với An Giang là thêm cơ hội thành công cho doanh nghiệp.

Vị thế “trời cho”

An Giang là tỉnh có vị trí khá đặc biệt trong vùng ĐBSCL, vừa có đồng bằng, vừa có đồi núi với nhiều cảnh quan đẹp, hấp dẫn. Tỉnh còn có tuyến biên giới giáp Campuchia dài gần 100km với các cửa khẩu (CK) quốc tế, quốc gia, CK phụ, thuận tiện cả đường thủy lẫn đường bộ.

Về mặt địa- kinh tế, An Giang được xem là trung tâm kinh tế thương mại kết nối giữa 3 thành phố lớn: TP. Hồ Chí Minh, TP. Cần Thơ và TP. Phnom Penh (Campuchia), là cửa ngõ giao thương quan trọng của quốc gia, các tỉnh, thành phố trong vùng ĐBSCL với Vương quốc Campuchia và các nước thành viên ASEAN.

Thành phố Long Xuyên. Ảnh: DUY ANH

Với điều kiện tự nhiên thuận lợi, tài nguyên phong phú, An Giang có lợi thế trong phát triển kinh tế nông nghiệp (NN), du lịch (DL), công nghiệp chế biến nông sản thực phẩm, thương mại biên giới.

Nhằm tăng cường thu hút đầu tư, khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương, tỉnh đã từng bước hoàn thiện quy hoạch, tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, phát triển mạnh khoa học- công nghệ, tiếp cận trình độ công nghệ tiên tiến; đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao, đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, xem đây là ưu tiên hàng đầu để thực hiện các mục tiêu, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, nhằm đưa An Giang trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư. An Giang cam kết tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư khi đến đăng ký và triển khai thực hiện dự án trên địa bàn tỉnh.

Cơ hội phát triển

Với tiềm năng và vị thế đặc biệt, An Giang được Chính phủ chọn là 1 trong 4 tỉnh, thành phố thuộc vùng kinh tế trọng điểm vùng ĐBSCL (An Giang, Kiên Giang, Cà Mau và TP. Cần Thơ). Trong đó, An Giang giữ vị trí quan trọng ở vùng Tây Nam của đất nước, là tỉnh đầu nguồn sông Cửu Long, phía Đông giáp tỉnh Đồng Tháp, Đông Nam giáp TP. Cần Thơ, phía Tây giáp tỉnh Kiên Giang và Tây Bắc giáp Campuchia, cách TP. Hồ Chí Minh 190km, cách TP. Phnom Penh (Campuchia) 120km.

An Giang có 11 đơn vị hành chính trực thuộc, gồm 2 thành phố, 1 thị xã và 8 huyện, trong đó TP. Long Xuyên là tỉnh lỵ. An Giang có diện tích tự nhiên rộng (3.537km2), lực lượng lao động dồi dào (1,23 triệu người, chiếm hơn 50% trong dân số hơn 2,16 triệu người).

Năm 2017, kinh tế của tỉnh đạt tăng trưởng khá (GRDP tăng 5,11%), kim ngạch xuất khẩu 820 triệu USD, GRDP bình quân đầu người 34,333 triệu đồng, có 8.568 doanh nghiệp (DN) với tổng vốn đăng ký 49.297 tỷ đồng. Đến nay, có 37 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài còn hiệu lực, tổng vốn 260 triệu USD.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thăm gian hàng của một doanh nghiệp chế biến gạo. Ảnh: N.C

Nếu như lâu nay, giao thông cách trở là một trong những nguyên nhân gây ngán ngại cho các nhà đầu tư đến An Giang, sắp tới đây, yếu tố này phần nào được giải quyết.

Khi cầu Vàm Cống đưa vào sử dụng, nối liền bờ Đồng Tháp với TP. Cần Thơ. Lưu thông từ An Giang qua cầu Vàm Cống sẽ rút ngắn hơn 1 giờ khi di chuyển lên TP. Hồ Chí Minh và ngược lại.

Trên địa bàn tỉnh có các tuyến quốc lộ (QL) đi ngang qua là: QL 91, QL9 1C, QL N1 và QL 80, trong đó QL 91 có chiều dài 91km, nối với QL 2 của Campuchia qua CK Tịnh Biên; QL 91C nối TP. Châu Đốc với CK Khánh Bình (cách thủ đô Phnom Penh khoảng 70km).

Ngoài ra, tỉnh còn có 14 tuyến tỉnh lộ với tổng chiều dài 404km. Đến nay, hệ thống giao thông đường bộ được nhựa hóa và bê-tông hóa, đảm bảo 100% số xã có đường ôtô đến trung tâm.

Đối với đường hàng không, An Giang nằm trong khu vực Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ với khoảng cách 50km và cách Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất khoảng 190km. Về tiếp nhận hàng hóa, tỉnh có cảng Mỹ Thới nằm cách trung tâm TP. Long Xuyên 10km, có khả năng tiếp nhận tàu 10.000 tấn, hàng năm tiếp nhận hàng hóa trên 1,5 triệu tấn.

Sở Công thương cho biết, trên địa bàn An Giang hiện có 6.097 trạm biến áp, với công suất 924.331KVA, đảm bảo cung cấp nguồn điện cho nhu cầu sinh hoạt, hoạt động sản xuất - kinh doanh của DN trên địa bàn. Định hướng đến năm 2020, An Giang sẽ có 8.057 trạm biến áp, với công suất 1.384.331KVA, đáp ứng tốt nhu cầu năng lượng cho các mục tiêu phát triển của tỉnh.

Về nguồn nhân lực, trong tổng số 1,23 triệu lao động sẵn có, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 56,6%. Trên địa bàn tỉnh có Trường Đại học An Giang đào tạo đa ngành, là một trong những trung tâm đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực cho vùng ĐBSCL.

Mới đây, Trường Đại học Tôn Đức Thắng đã khởi công xây dựng cơ sở đào tạo tại An Giang. Những trường đại học này với hệ thống các trường trung học chuyên nghiệp, trường nghề, trung tâm dạy nghề tại các địa phương trong tỉnh sẽ là nơi đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn lao động, đáp ứng yêu cầu DN.

An Giang là một trong những địa bàn có tăng trưởng tín dụng tốt nhất ĐBSCL khi trên địa bàn tỉnh hiện có 61 tổ chức tín dụng, với 352 điểm giao dịch. Hầu hết các ngân hàng lớn trong nước đã có mặt tại An Giang, đáp ứng nhu cầu về vốn sản xuất- kinh doanh và cung cấp đầy đủ các dịch vụ ngân hàng.

Vực dậy tiềm năng

Nằm ở thượng nguồn sông Cửu Long, nước ngọt quanh năm, đất đai màu mỡ, An Giang là tỉnh sản xuất NN trọng điểm của cả nước. Đối với lúa, gạo là sản phẩm NN chủ lực của tỉnh, với diện tích canh tác trên 250.000ha, sản xuất 3 vụ với hệ số sử dụng đất 2,43 lần. Là tỉnh có sản lượng lúa đứng nhất, nhì cả nước, An Giang đang đẩy mạnh liên kết sản xuất, xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị.

Cùng với lúa, rau màu cũng là loại cây trồng có thế mạnh của An Giang, với diện tích khoảng 60.000ha, sản lượng thu hoạch trên 1 triệu tấn/năm. Tỉnh đang xây dựng các vùng màu chuyên canh, hướng đến tiêu chuẩn sạch, an toàn.

Hiện nay, An Giang đang tập trung phát triển mạnh các vùng cây ăn trái, nhiều nhất là xoài, chuối, cam, quýt… ở các vùng đồng bằng, cù lao cùng các loại đặc sản vùng Bảy Núi. Cây ăn trái đang được nhiều DN quan tâm đầu tư, liên kết xây dựng vùng nguyên liệu.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc (thứ 4, bên trái) cùng lãnh đạo tỉnh thăm vùng lúa khảo nghiệm ở Trung tâm Nghiên cứu nông nghiệp Định Thành (Thoại Sơn) của Tập đoàn Lộc Trời

Thủy sản được xem là ngành kinh tế mũi nhọn của An Giang, với tổng diện tích thu hoạch 2.700ha/năm, sản lượng đạt trên 379.000 tấn/năm, gồm: các loại cá tra, basa, lóc, rô phi, tôm càng xanh, lươn… với gần 50% diện tích nuôi đạt tiêu chuẩn GlobalGap, ASC, VietGAP…

Trong đó, cá tra và basa được xác định là sản phẩm chiến lược của tỉnh, với diện tích nuôi khoảng 1.734ha, sản lượng hơn 287.000 tấn/năm. Đây là nguồn nguyên liệu dồi dào, đáp ứng nhu cầu chế biến xuất khẩu của các DN trên địa bàn An Giang và các tỉnh lân cận.

Toàn tỉnh hiện có 17 DN, với 23 nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu, tổng công suất thiết kế 400.000 tấn/năm. Ngoài ra, còn có hơn 100 cơ sở chế biến khô các loại với công suất tiêu thụ nguyên liệu thô trung bình 30.000 tấn/năm.

An Giang có đồng bằng, đồi núi với hệ sinh thái môi trường phong phú, có dãy Thất Sơn huyền bí, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, hữu tình, nhiều danh thắng nổi tiếng, sản phẩm DL phong phú, đa dạng, như: DL tham quan, DL nghỉ dưỡng, DL sinh thái, DL thể thao, vui chơi giải trí, DL cộng đồng, DL văn hóa, DL tâm linh (tín ngưỡng). An Giang có sức hút rất lớn với du khách trong và ngoài nước.

Năm 2017, tỉnh đón 7,3 triệu lượt khách, doanh thu từ DL đạt 3.700 tỷ đồng. Đối với loại hình DL gắn với văn hóa tín ngưỡng, lễ hội, nổi tiếng nhất là lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam (TP. Châu Đốc), tiếp đến là lễ Dolta gắn với đua bò Bảy Núi của đồng bào dân tộc thiểu số Khmer, lễ hội văn hóa dân tộc thiểu số Chăm, lễ khai sáng đạo Phật giáo Hòa Hảo, các lễ giỗ danh nhân (Trần Văn Thành, Nguyễn Hữu Cảnh, Thoại Ngọc Hầu...).

Đến An Giang, du khách có thể trải nghiệm các tour DL trên sông Hậu tham quan làng bè; tour DL trên sông Tiền tham quan cù lao Giêng, làng lụa Tân Châu; tour tham quan rừng tràm Trà Sư, vùng Thất Sơn; tour DL homestay đồng quê tại cù lao Ông Hổ, cù lao Giêng; tour tham quan búng Bình Thiên...

Bên cạnh khám phá văn hóa truyền thống của các dân tộc: Kinh, Khmer, Chăm, Hoa, du khách còn bị hấp dẫn bởi nhiều loại đặc sản truyền thống nổi tiếng được chế biến từ các loại nông, thủy sản tự nhiên như: mắm Châu Đốc, các loại khô, bánh phồng, cá linh, xôi chiên phồng, gỏi sầu đâu, gà hấp lá trúc, côn trùng Bảy Núi, bánh bò đường thốt nốt, lạp xưởng bò...

Ngành DL An Giang đã và đang từng bước xây dựng hình ảnh thân thiện với du khách, nâng cao chất lượng dịch vụ, đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng và đa dạng sản phẩm phục vụ DL kết hợp bảo vệ môi trường. Đây là cơ hội lớn cho các DN trong và ngoài nước khi quan tâm đầu tư phát triển DL An Giang.

Khai thác thêm thế mạnh

Song song với thế mạnh NN và DL, An Giang có một thị trường năng động khi tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ năm 2017 đạt 94.967 tỷ đồng. Đến nay, hàng hóa của An Giang đã có mặt tại 133 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Tỉnh có lợi thế phát triển kinh tế biên mậu khi có 2 CK quốc tế (Tịnh Biên và Vĩnh Xương), 2 CK chính (Khánh Bình và Vĩnh Hội Đông) và 1 CK phụ (Bắc Đai).

Với toàn tuyến biên giới dài gần 100km, lưu lượng hàng hóa mua bán, trao đổi qua các CK biên giới luôn ổn định ở mức cao, nhịp độ tăng trưởng hàng năm gần 30%; nhiều hoạt động giao thương, kết nối thương mại với thị trường Campuchia thường xuyên diễn ra.

An Giang đang hoàn thiện hạ tầng giao thông, mời gọi đầu tư vào 3 khu vực kinh tế CK gồm: khu vực CK Tịnh Biên (Tịnh Biên), diện tích tự nhiên 10.100ha, cách thủ đô Phnom Penh (Campuchia) khoảng 120km; khu vực CK Vĩnh Xương (TX. Tân Châu) có diện tích tự nhiên 12.487ha, cách Phnom Penh khoảng 110km; khu vực CK Khánh Bình (An Phú), diện tích tự nhiên 8.140ha, cách Phnom Penh khoảng 75km.

Để bắt kịp nền kinh tế cả nước, An Giang quan tâm phát triển các ngành công nghiệp chủ lực như: chế biến lương thực- thực phẩm, thủy sản, cơ khí, may mặc, vật liệu xây dựng... Năm 2017, giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh đạt 36.609,5 tỷ đồng (giá so sánh năm 2010).

Hiện nay, có 3 khu công nghiệp (KCN) đã hoàn chỉnh hạ tầng, đưa vào sử dụng là: Bình Hòa (Châu Thành) 132ha, Bình Long (Châu Phú) 30,57ha và Xuân Tô (Tịnh Biên) 57,4ha. Các KCN đang mời gọi đầu tư cơ sở hạ tầng, gồm: Vàm Cống (TP. Long Xuyên) 200ha, Hội An (Chợ Mới) 120ha, Bình Hòa mở rộng 100ha, Bình Long mở rộng 120ha. Đây là quỹ đất sạch công nghiệp có sẵn, đang chờ đón nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Bài, ảnh: NGÔ CHUẨN