Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng
Năm 2024, công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị và dân vận của tỉnh đạt những kết quả tích cực, toàn diện. Các cấp ủy, tổ chức Đảng, MTTQ và các đoàn thể đã không ngừng nỗ lực, triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, tạo nên những chuyển biến rõ rệt. Công tác quán triệt, học tập và triển khai các nghị quyết, chỉ thị của Đảng được thực hiện nghiêm túc. Các cấp ủy Đảng đã tổ chức quán triệt sâu rộng các nghị quyết Trung ương, đặc biệt là Kết luận 21-KL/TW về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị. Chất lượng sinh hoạt chi bộ, đảng bộ cơ sở không ngừng được nâng cao, ý thức trách nhiệm của đảng viên được tăng cường. Việc tổ chức các hội nghị quán triệt Quy định 144-QĐ/TW về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên và Chỉ thị 35-CT/TW về Đại hội Đảng các cấp đã góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên.
Các cấp ủy Đảng quan tâm, chăm lo đời sống Nhân dân
Công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật được tăng cường. Các cấp ủy, ủy ban kiểm tra đã chủ động, tích cực trong việc kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của Đảng, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được quan tâm chỉ đạo, các vụ việc được giải quyết kịp thời, đúng quy định, góp phần tạo môi trường làm việc trong sạch, vững mạnh. Công tác dân vận mang lại những hiệu quả thiết thực, góp phần quan trọng vào sự thành công của nhiều nhiệm vụ chính trị. Nhờ việc lắng nghe, thấu hiểu và giải quyết kịp thời những tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân, đã tạo được sự đồng thuận cao trong xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện các chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước. Việc tổ chức thành công Đại hội MTTQVN tỉnh lần thứ XI và Đại hội Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh lần thứ IX đã tạo động lực mới cho các phong trào thi đua yêu nước, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân.
Kinh tế khởi sắc
Theo đánh giá, KTXH của tỉnh đạt những thành tựu đáng kể, tạo nên động lực mới cho sự phát triển. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt 7,16%, tuy chưa đạt kế hoạch đề ra (7,5 - 8,5%), nhưng cao hơn mức bình quân chung cả nước (ước tăng 7%), cho thấy sự nỗ lực không ngừng của tỉnh trong việc vượt qua khó khăn, nắm bắt cơ hội để phát triển. Các khu vực kinh tế đều có sự tăng trưởng tích cực. Sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản được duy trì ổn định, góp phần đảm bảo an ninh lương thực. Sản xuất công nghiệp - xây dựng phát triển khá tốt, đặc biệt là các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Thương mại - dịch vụ và du lịch tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ, doanh thu bán buôn, bán lẻ hàng hóa và dịch vụ ước đạt 225.631 tỷ đồng (tăng 15,45% so cùng kỳ); đón khoảng 9,1 triệu lượt khách tham quan (tăng 7,06%), doanh thu từ hoạt động du lịch ước đạt 10.250 tỷ đồng (tăng 73,73%). Kim ngạch xuất khẩu cũng tăng trưởng tốt, góp phần mở rộng thị trường và nâng cao vị thế của tỉnh trong nền kinh tế quốc gia.
Thương mại - dịch vụ tăng trưởng mạnh mẽ
Một trong những điểm sáng của năm là việc Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Sự kiện này không chỉ khẳng định giá trị văn hóa độc đáo của tỉnh, mà còn góp phần quảng bá hình ảnh du lịch của địa phương. Bên cạnh đó, việc hoàn thành các công trình giao thông trọng điểm, như: Cầu Châu Đốc, tuyến nối Quốc lộ 91 và tuyến tránh TP. Long Xuyên đã góp phần cải thiện hạ tầng giao thông, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển KTXH.
Công tác phòng, chống dịch bệnh được kiểm soát tốt, tạo môi trường ổn định để phát triển kinh tế. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội cũng được quan tâm, đặc biệt là công tác chăm lo cho người có công, người nghèo. Việc triển khai chương trình “Xóa nhà tạm, nhà dột nát” đã đạt những kết quả bước đầu rất khả quan. Bên cạnh đó, tỉnh đã tổ chức nhiều sự kiện quan trọng, kỷ niệm những dấu mốc lịch sử của tỉnh, như: Lễ công bố Quy hoạch tỉnh An Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện Thoại Sơn đạt chuẩn huyện nông thôn mới nâng cao năm 2023; Lễ kỷ niệm 200 năm hoàn thành kênh Vĩnh Tế (1824 - 2024), tưởng niệm 198 năm Ngày mất bà Châu Thị Tế (1826 - 2024); Hội thảo khoa học cấp quốc gia “200 năm kênh Vĩnh Tế - Giá trị lịch sử và tầm nhìn tương lai”... Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng về truyền thống văn hóa và lịch sử của địa phương.
Những thành tựu đạt được trong năm 2024 đã khẳng định được vị thế và tiềm năng phát triển của mình. Đồng thời, khơi dậy niềm tin và tạo nên một động lực mạnh mẽ để tỉnh nhà tiếp tục đổi mới, sáng tạo, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, hướng tới mục tiêu xây dựng một tỉnh An Giang giàu mạnh, văn minh, hiện đại và trở thành một trong những tỉnh phát triển năng động của khu vực ĐBSCL, góp phần vào sự phát triển chung của cả nước.
Để hoàn thành thắng lợi mục tiêu nhiệm vụ đề ra trong năm 2025, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh An Giang Lê Văn Nưng yêu cầu các cấp ủy Đảng, chính quyền và các cấp, ngành, nhất là người đứng đầu nêu cao tinh thần trách nhiệm, năng động, sáng tạo; thực hiện nghiêm quy chế, nền nếp làm việc, kỷ cương, kỷ luật, đạo đức công vụ... Quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị năm 2025 và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI (nhiệm kỳ 2020 - 2025). Tổ chức chu đáo các hoạt động mừng Đảng, mừng Xuân Ất Tỵ năm 2025; lập thành tích thi đua chào mừng Đại hội Đảng bộ các cấp và Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII gắn với kỷ niệm các ngày lễ lớn trong năm 2025..
|
THU THẢO