Phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững

26/12/2024 - 07:57

 - Năm 2025, An Giang tiếp tục hướng tới mục tiêu phát triển nông nghiệp hiện đại, bền vững và tăng trưởng hợp lý. Tỉnh tập trung phát triển sản xuất hàng hóa lớn, tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp, nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của nông sản nhằm nâng cao thu nhập cho nông dân.

Khẳng định vai trò

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Trần Thanh Hiệp, năm 2024, ngành nông nghiệp tiếp tục khẳng định vai trò “trụ đỡ” nền kinh tế tỉnh, với mức tăng trưởng GRDP khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản ước đạt 3,72%, chiếm tỷ trọng 34,74% trong tổng cơ cấu kinh tế tỉnh An Giang. Kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng chủ lực tiếp tục có tín hiệu khả quan, như: Gạo đạt 340 triệu USD (tăng 0,29%); thủy sản đông lạnh đạt 370 triệu USD (tăng 3,06%); rau quả đông lạnh đạt 66 triệu USD (tăng 10% so cùng kỳ).

Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp An Giang không ngừng nâng cao chất lượng nông sản, nhiều sản phẩm đạt các chứng nhận VietGAP, GlobalGAP và có truy xuất nguồn gốc, mã số vùng trồng đáp ứng yêu cầu khắt khe của các thị trường khó tính, như: Hoa Kỳ, Hàn Quốc, EU. Điển hình, tỉnh đã xuất khẩu hơn 30 tấn xoài hạt lép và xoài keo sang Hàn Quốc trong năm 2024, đánh dấu bước tiến mới trong quá trình đưa nông sản An Giang vươn ra thị trường thế giới. Đồng thời, tích cực ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, như: Sử dụng Drone bón phân, xịt thuốc bảo vệ thực vật; ứng dụng hệ thống tưới tiêu tự động; triển khai các phần mềm quản lý hiện đại.

Lúa gạo tiếp tục là ngành hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh An Giang

Đặc biệt, tỉnh đã triển khai 22 mô hình trên diện tích 1.117ha trong khuôn khổ Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL”, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng lúa gạo. Trong đó có 4 mô hình thực hiện triệt để theo các tiêu chí của Bộ NN&PTNT, với diện tích 52ha ở 4 huyện: Tri Tôn, Châu Thành, Thoại Sơn và Phú Tân. Đồng thời, ngành nông nghiệp cũng triển khai thực hiện hiệu quả công tác giới thiệu tiềm năng và xúc tiến đầu tư, Chương trình OCOP, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), góp phần quan trọng trong việc cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập cư dân nông thôn.

 Những kết quả trên đến từ sự quan tâm lãnh, chỉ đạo sát sao của Bộ NN&PTNT, Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh đối với sự phát triển của ngành nông nghiệp địa phương. Trong đó, Sở NN&PTNT với vai trò định hướng, hỗ trợ, đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp quan trọng, như: Tăng cường tuyên truyền, đổi mới tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp; ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất, gắn với liên kết tiêu thụ theo chuỗi giá trị; đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững, gắn với xây dựng NTM; vận dụng nhiều cơ chế, chính sách, các chương trình, dự án để hỗ trợ hợp tác xã, nông dân phát triển sản xuất.

Nỗ lực phấn đấu

Phát huy kết quả đạt được, ngành nông nghiệp An Giang tiếp tục tận dụng cơ hội, nỗ lực vượt qua khó khăn để phát triển nền nông nghiệp hiện đại, bền vững và tăng trưởng hợp lý. Trong đó, sẽ tập trung phát triển sản xuất hàng hóa lớn trên cơ sở tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm nông sản trên thị trường. Đồng thời, quá trình tái cơ cấu ngành phải gắn liền với xây dựng NTM, nâng cao đời sống người dân, ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường.

Trái xoài keo An Giang chinh phục thị trường Hàn Quốc

Để thực hiện thắng lợi mục tiêu trên, Sở NN&PTNT tiếp tục tuyên truyền đổi mới tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, nông nghiệp xanh, nông nghiệp tuần hoàn gắn với nhu cầu thị trường. Đẩy mạnh việc thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm gắn với xây dựng NTM; triển khai kế hoạch phát triển vùng sản xuất chuyên canh và xúc tiến tiêu thụ cho 12 ngành hàng thế mạnh của tỉnh; tập trung thực hiện hiệu quả Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL” tại An Giang.

Tiếp tục đào tạo, nâng cao năng lực cho các hợp tác xã, tổ khuyến nông cộng đồng tham gia sâu vào Đề án phát triển 1 triệu ha lúa chất lượng cao trên địa bàn tỉnh An Giang. Thực hiện phát triển đồng bộ lĩnh vực chăn nuôi, thủy sản, tiếp tục triển khai các mô hình nông nghiệp thông minh, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp số và kế hoạch phát triển kinh doanh, kết nối thị trường theo chuỗi giá trị. Nghiên cứu, chuyển giao các mô hình sản xuất hiệu quả; xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu nông sản An Giang; tăng cường mời gọi doanh nghiệp liên kết sản xuất và đầu tư vào chế biến nông sản. Cùng với đó, Sở NN&PTNT tăng cường phối hợp các sở, ngành liên quan cùng các địa phương thúc đẩy phát triển các sản phẩm nông nghiệp chất lượng, sản phẩm OCOP, sản phẩm chế biến có giá trị song song với việc mở rộng thị trường, góp phần xây dựng NTM, gia tăng thu nhập và nâng cao đời sống Nhân dân.

THANH TIẾN