Giao thông An Giang tạo đà kết nối, vận chuyển hàng hóa

14/12/2018 - 07:52

 - Giám đốc Sở Giao thông-Vận tải (GT-VT) Nguyễn Việt Trí cho biết: “An Giang đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông phù hợp quy hoạch. Đổi mới mạnh mẽ phương thức kêu gọi đầu tư trong phát triển hạ tầng, hình thành hệ thống giao thông liên hoàn, có khả năng kết nối giao thông thủy-bộ và liên kết với hệ thống giao thông các tỉnh, khu vực ĐBSCL, cả nước và Campuchia, đáp ứng nhu cầu vận chuyển hành khách, hàng hóa, kết nối các vùng kinh tế”.

Kết nối Campuchia

An Giang là 1 trong 4 tỉnh của vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL, trung tâm sản xuất lúa, gạo, thủy sản có 2 cửa khẩu quốc tế và 2 cửa khẩu quốc gia kết nối với Campuchia, cùng với thế mạnh du lịch thì việc lập mạng lưới giao thông thông suốt, liên hoàn có ý nghĩa rất lớn thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Ông Trí thông tin: “Dọc theo hướng Tây Bắc - Đông Nam có các trục đường kết nối An Giang với Campuchia và các tỉnh, thành phố lân cận thông qua các tuyến đường chính: Quốc lộ 91, Quốc lộ 91C, Quốc lộ 80B cơ bản đáp ứng nhu cầu vận chuyển, giao thương phát triển kinh tế - xã hội. Nằm trên tuyến hành lang GT-VT có vai trò lớn trong phát triển kinh tế là: TP. Cần Thơ - Quốc lộ 91 - Cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên - Campuchia, dài 93,1km; TP. Châu Đốc - Quốc lộ 91C (An Phú) - Cửa khẩu quốc gia Khánh Bình - Campuchia, dài 35,5km; Tri Tôn - Kiên Giang - Tỉnh lộ 958, dài 18,8km; Tịnh Biên - Quốc lộ N1 - Kiên Giang, dài 23,3km; Chợ Mới - Cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương - Quốc lộ 80B, dài 90km”.

Kết nối Kiên Giang, Đồng Tháp và TP. Cần Thơ

Theo ông Trí, An Giang có hệ thống giao thông liên hoàn kết nối với Kiên Giang bao gồm: Tỉnh lộ 960 (Thoại Sơn) - Tỉnh lộ 961 (Tân Hiệp, Kiên Giang). Tỉnh lộ 945 (Tri Tôn) kết nối Tỉnh lộ 969 (Hòn Đất, Kiên Giang), dài 42km, kết nối từ Quốc lộ 91 gần cầu Vịnh Tre đến cầu ranh Kiên Giang đã được Trung ương cấp vốn đầu tư 820 tỷ đồng. Tuyến Tỉnh lộ 958 (Tri Tôn) kết nối Tỉnh lộ 970 (Nam Thái Sơn, Kiên Giang) dài 18,8km kết nối từ thị trấn Tri Tôn đến TP. Hà Tiên (Kiên Giang). 

An Giang kết nối giao thông với TP. Cần Thơ bằng tuyến Quốc lộ 91, kết nối với Cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên, là tuyến giao thông huyết mạch của An Giang. Kết nối tỉnh Đồng Tháp thông qua các tuyến: Tỉnh lộ 942 (huyện Chợ Mới) - Tỉnh lộ 848 (Lấp Vò, Đồng Tháp), cùng với Tỉnh lộ 954, Tỉnh lộ 952 đang được Trung ương xem xét chuyển đổi thành Quốc lộ 80B. Trục giao thông này có hướng tuyến chạy song song với nhiều nhánh lớn của sông Tiền nên thuận tiện cho việc kết hợp khai thác giao thông thủy - bộ.

Giao thông An Giang tạo đà kết nối, vận chuyển hàng hóa

Phối cảnh cầu Nguyễn Thái Học (TP. Long Xuyên)

Thuận lợi giao thông đối nội

An Giang có hệ thống giao thông đường bộ dài 5.600km (4 tuyến Quốc lộ dài 152km, 18 tuyến Tỉnh lộ 513km, còn lại giao thông đô thị, nông thôn); 2.430km sông, kênh, rạch. Hai tuyến sông Tiền và sông Hậu đặc biệt quan trọng, thuộc hệ thống sông Mekong, dài 112km. Trục Quốc lộ 91 từ Cần Thơ - Long Xuyên qua TP. Châu Đốc - Cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên dài 93km, trục Tỉnh lộ 943 dài 64km kết nối Long Xuyên - Thoại Sơn - Tri Tôn, tạo trục kết nối liên hoàn tuyến Tỉnh lộ 943, Tỉnh lộ 948 - Quốc lộ 91 từ Long Xuyên - Thoại Sơn - Tri Tôn - Tịnh Biên - Châu Đốc, nối các trung tâm kinh tế và nối với tỉnh Kiên Giang.

Trục Tỉnh lộ 942, 954, 952 đến Cửa khẩu Vĩnh Xương dài 90km, được tỉnh quy hoạch nâng cấp từ các tuyến Tỉnh lộ 848 (Đồng Tháp), Tỉnh lộ 942, 954, 952 chạy dọc sông Tiền, đảm nhận vai trò vận chuyển hàng hóa bằng đường bộ, giảm áp lực Quốc lộ 91, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội giữa các tỉnh ĐBSCL với Campuchia.

Phát huy vai trò giao thông thủy

Ông Trí chia sẻ: “Với hệ thống giao thông sông Mekong dài 112km, An Giang có nhiều lợi thế, điểm nhấn thu hút đầu tư. Hiện, kết cấu hạ tầng trung tâm logistics đã hình thành tại cảng Mỹ Thới, cảng Bình Long và khu vực Cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên. An Giang đang định hướng đầu tư hạ tầng giao thông để phát triển hệ thống logistics, Sở GT-VT đã phối hợp nhà đầu tư khảo sát khu vực Cửa khẩu Tịnh Biên để đầu tư cảng thủy nội địa vận chuyển chuỗi hàng hóa logistics từ cảng Cát Lái về An Giang, qua Xuân Tô, lên phương tiện đường bộ đi Phnom Penh (Campuchia)”.

Nhằm liên kết các phương thức vận chuyển hạ giá thành theo hình thức vận tải đa phương thức đến Cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên và phát huy hiệu quả của cảng Vĩnh Tế khi được hình thành (đầu tư với hình thức xã hội hóa), ông Trí đề xuất: “Cần nạo vét thông luồng kênh Vĩnh Tế, kêu gọi xã hội hóa đầu tư các bến bãi tập kết hàng hóa để phát triển vận tải đa phương thức”.

 Bài, ảnh: HẠNH CHÂU