Giải bài toán tiêu thụ lúa, gạo
Nhiều năm nay, điệp khúc “được mùa, mất giá” là một trong những nỗi lo canh cánh của ND khi lúa vàng đồng. Mô hình CĐL liên kết SX gắn với tiêu thụ lúa đã và đang là cách làm mang lại hiệu quả. Cùng với chủ trương xây dựng vùng nguyên liệu, mô hình CĐL đã tạo ra được sản lượng lúa hàng hóa đủ lớn, đồng nhất, tiết kiệm chi phí. Quan trọng hơn là giải quyết vấn đề khó khăn trong tiêu thụ lúa, gạo cho ND nên được chính quyền địa phương và người dân đồng tình ủng hộ.
Khi tham gia CĐL, ND được tập huấn kỹ thuật, áp dụng các biện pháp canh tác mới nhằm giảm giá thành SX, tăng năng suất và chất lượng lúa thu hoạch. Nhờ áp dụng tốt các kỹ thuật được hướng dẫn, như: sạ hàng, tưới tiết kiệm nước, bón phân cân đối... dù năng suất tương đương với SX truyền thống, nhưng chi phí SX trong CĐL giảm từ 15 - 20% và lợi nhuận tăng hơn 15%...
Mô hình công nghệ sinh thái kết hợp bảo vệ môi trường
Thời gian qua, với chính sách hỗ trợ của tỉnh, mục tiêu nâng diện tích thực hiện liên kết SX và tiêu thụ theo hợp đồng lên 80.000ha vào năm 2020 và 127.000ha vào năm 2025 hoàn toàn có thể thực hiện được.
Có thể nói, Quyết định số 945/QĐ-UBND ngày 15-4-2016 của UBND tỉnh về việc phê duyệt kế hoạch xây dựng CĐL lúa, nếp tỉnh An Giang (giai đoạn 2016-2025) như tiếp thêm động lực để các DN mạnh dạn đầu tư, triển khai liên kết với ND, tổ hợp tác (THT), hợp tác xã (HTX).
Nhờ quyết liệt hỗ trợ, diện tích ký hợp đồng liên kết SX và tiêu thụ giữa DN với ND từ 13.150ha (năm 2011) tăng lên 33.531ha (2017). Riêng vụ đông xuân 2017-2018, đã có 19 DN và các công ty giống ký hợp đồng với diện tích 16.102ha và tiến độ thu mua lúa đạt 100% diện tích ký hợp đồng. Đây được coi là điểm sáng trong mối liên kết bền vững giữa ND và DN trong thực hiện CĐL.
Hướng đến mối liên kết bền vững
Là DN tiên phong trong xây dựng mô hình CĐL, Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời đã mở rộng diện tích liên kết qua từng năm. Có thể nói, Tập đoàn Lộc Trời có cách liên kết bền vững bởi DN triển khai mô hình liên kết toàn chuỗi SX - tiêu thụ.
Đầu tiên, công ty đầu tư cho ND giống xác nhận, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón vào từng thời điểm sử dụng, cho ND nợ không tính lãi trong vòng 120 ngày.
Tiếp đó, trong quá trình canh tác, lực lượng “3 cùng” của công ty xuống hỗ trợ ND quy trình canh tác “hiệu quả - bền vững”, lên lịch thu hoạch và vận chuyển lúa về nhà máy...
Bên cạnh đó, việc hình thành các HTX kiểu mới là một bước tiến trong việc liên kết SX trong xây dựng mô hình CĐL. Trong mô hình này, HTX đóng vai trò là tổ chức đại diện cho hộ SX ký hợp đồng với DN, SX theo đơn đặt hàng, theo nhu cầu thị trường. HTX dẫn dắt ND SX theo quy trình DN đưa ra, tạo sản phẩm có chất lượng đồng nhất, số lượng lớn và có nơi tiêu thụ.
Điển hình, HTX Nông nghiệp Vinacam Tri Tôn ra đời như mở ra hướng đi mới cho mô hình kinh tế hợp tác, giúp xây dựng CĐL bền vững hơn. HTX được thành lập với sự tham gia của các thành viên là DN và bà con ND để cùng nhau liên kết xây dựng CĐL, thống nhất SX lúa, gạo chất lượng cao, góp phần xây dựng thương hiệu cho hạt gạo Việt Nam.
Ông Lâm Thành Kiệt, Tổng Giám đốc Công ty Agricam kiêm Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX Nông nghiệp Vinacam Tri Tôn cho biết, HTX thu hút được nhiều ND đăng ký làm thành viên, được nhiều đơn vị DN quan tâm hỗ trợ. Bên cạnh đó, HTX còn được nhiều DN tham gia hỗ trợ, chẳng hạn như Công ty CP Vinacam cung ứng phân bón nhập khẩu chất lượng cao với giá đại lý cho thành viên và tiến hành bao tiêu đầu ra với giá ổn định...
“Yên tâm nhất là khi ND tham gia vào HTX không phải lo đầu ra, được mua phân bón giá của đại lý cấp I, bán ưu đãi nợ 4 tháng, được hướng dẫn kỹ thuật SX nhằm giảm giá thành thấp nhất, tạo ra được hạt gạo đồng nhất, chất lượng cao… Đó là những giải pháp bền vững nhằm tăng lợi nhuận, giảm chi phí tối đa cho ND”- ông Kiệt thông tin.
ÁNH NGUYÊN