Hơn 40 năm gắn bó với đồng ruộng để làm khoa học

25/12/2024 - 07:50

 - Hơn 40 năm gắn bó với đồng ruộng, mang kiến thức khoa học hướng dẫn nông dân chọn tạo giống lúa, PGS. TS Huỳnh Quang Tín, Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL (MDI) là người hết lòng vì một nền nông nghiệp Việt.

PGS. TS Huỳnh Quang Tín đang cùng các cộng sự thực hiện chọn tạo giống lúa chất lượng cao để phục vụ cho chương trình xuất khẩu lúa gạo của quốc gia

Đam mê

Những giống lúa được PGS. TS Huỳnh Quang Tín chọn tạo có đặc tính thích nghi với đồng ruộng, thích ứng với biến đổi khí hậu, phù hợp xu hướng tiêu dùng của thị trường xuất khẩu… Mục đích của việc làm này là để cùng nông dân và ngành nông nghiệp thực hiện chính sách tam nông một cách hiệu quả nhất, góp phần xây dựng nền nông nghiệp Việt Nam sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh. Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, những tố chất của người làm khoa học đã bộc lộ ở PGS. TS Huỳnh Quang Tín, đó là đức tính đam mê, ham học hỏi, không ngừng tìm tòi, sáng tạo; chịu thương chịu khó, kiên trì và nhẫn nại… “Nhiều năm làm việc với thầy, tôi thấy ở ông có rất nhiều cái hay, bên cạnh việc chịu khó, kiên trì theo đuỗi những đam mê, ở ông còn có một tinh thần sáng tạo và tư duy phản biện” - ông Trần Thanh Hùng (nông dân xã Núi Voi, TX. Tịnh Biên) chia sẻ.

PGS. TS Huỳnh Quang Tín luôn đưa ra những ý tưởng, phương pháp mới để giải quyết vấn đề cây lúa, hạt giống. Bằng tư duy phản biện, tư duy này đã giúp ông đánh giá thông tin một cách khách quan, trung thực, phân tích vấn đề từ nhiều góc độ, đưa ra kết luận dựa trên bằng chứng khoa học. Từ đó, ông đã giúp ích rất nhiều cho ngành nông nghiệp trên phương diện chọn tạo giống lúa để trồng xuất khẩu, góp phần nâng cao đời sống nông dân.

Tốt nghiệp đại học ngành trồng trọt năm 1983 (khóa 5), đến nay, ông đã có hơn 40 năm gắn bó với đồng ruộng, mang kiến thức khoa học đến với nông dân để góp phần hiện thực hóa chủ trương “Tri thức hóa nông dân” theo tinh thần Nghị quyết 46-NQ/TW về tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng về “Phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”.

Ngay từ khi ra trường, công việc của ông là thực hiện các nghiên cứu chọn giống lúa mùa và phục tráng các giống lúa triển vọng, như: Nàng Tây đùm (tại xã Thạnh Mỹ Tây, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang; huyện Thốt Nốt, TP. Cần Thơ); giống Nàng thơm Chợ Đào và Tàu Hương (xã Mỹ Lệ, huyện Cần Đước và xã Nhật Ninh huyện Tân Trụ, tỉnh Long An); giống Nàng Nhuận (Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng) và sưu tập tất cả giống lúa mùa ở các tỉnh ĐBSCL (1985 - 1995). Giai đoạn này, ông đã hợp tác với nông dân tại những điểm nghiên cứu và hướng dẫn nông dân cách phục tráng giống lúa mùa, đạt năng suất cao và chất lượng gạo ngon.

Trước xu thế sử dụng giống lúa cao sản ngắn ngày, thay thế các giống lúa mùa, ông cùng cán bộ của Viện MDI, cán bộ địa phương sưu tập tất cả các giống lúa ở ĐBSCL. Kết quả, đã có 750 giống lúa được bảo tồn tại ngân hàng giống Trường Đại học Cần Thơ để sử dụng cho phục tráng và làm nguồn vật liệu lai tạo giống lúa mới.

Phụng sự

Thời gian qua, để giúp nông dân hiểu và thực hiện tốt công việc chọn tạo giống lúa, PGS. TS Huỳnh Quang Tín hợp tác các tổ chức quốc tế, tìm nguồn tài chính thực hiện các dự án tại ĐBSCL và Việt Nam. Các tổ chức ông hợp tác, gồm: Tổ chức Nâng cao năng lực cộng đồng vùng Đông Nam Á (SEARICE - Philippines), Tổ chức Oxfam Novid (Hà Lan), DANIDA (Đan Mạch), Viện Nghiên cứu Lúa Quốc tế (IRRI), World Bank (WB), Environmental Defense Fund (EDF - Hoa Kỳ) và The Global Crop Diversity Trust (Đức)... Đây là những tổ chức góp phần giúp ông thực hiện công việc nâng cao năng lực cho nông dân về chọn tạo giống lúa và canh tác giảm phát thải khí nhà kính ở các tỉnh ĐBSCL, miền Trung - Tây nguyên và các tỉnh phía Bắc Việt Nam.

Ở các lớp tập huấn do PGS. TS Huỳnh Quang Tín và các cộng sự thực hiện, đã có trên 50.000 nông dân tham dự. Riêng tại An Giang, đã có 224 lớp FFS-PPB được mở trong giai đoạn năm 2000 - 2005, với khoảng 6.500 người tham dự. “Qua chương trình đào tạo này, người trồng lúa đã nâng cao kiến thức và áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất lúa thịt, lúa giống, góp phần cải thiện chất lượng hạt giống ở nông hộ, giúp tăng năng suất, thu nhập cho nhà nông…” - nông dân Hoa Sỹ Hiền (xã Tân An, TX. Tân Châu) chia sẻ.

Kết quả, đến nay, đã có 6 giống lúa mới được Cục Trồng trọt công nhận và cấp Bằng bảo hộ giống cây trồng. Ở tỉnh An Giang, đã đặt tên cho chương trình này là “Xã hội hóa công tác giống”. Kết quả, những giống lúa này góp phần gia tăng năng suất lúa (1 tấn/ha), sản xuất và cung cấp đủ nhu cầu giống chất lượng cho sản xuất của tỉnh và cung cấp lúa giống cho các tỉnh ở ĐBSCL.

Bên cạnh cải tiến chất lượng lúa giống, nhiều nông dân tiên tiến đã chọn tạo thành công nhiều giống lúa mới được Cục Trồng trọt công nhận, như: Giống NV1, AG1 (nông dân Trần Thanh Hùng, phường Núi Voi, TX. Tịnh Biên), giống TC7 (ông Hoa Sỹ Hiền, xã Tân An, TX. Tân Châu); giống HNOE1 (ông Danh Văn Dưỡng, thị trấn Óc Eo, huyện Thoại Sơn) và nhiều nông dân khác đã lai chọn thành công các giống lúa đang sản xuất thử ở địa phương…

“Tri thức hóa cho nông dân” cần được phát triển mạnh hơn với nhiều tổ chức, cơ quan cùng đồng hành, bản thân tôi sẽ tiếp tục đóng góp thông qua các đề tài, dự án hợp tác quốc tế và trong nước để phối hợp các trường đại học, viện nghiên cứu, cơ quan nông nghiệp địa phương thực hiện nhiều lớp tập huấn hơn nữa để góp phần vào đề án 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao và phát thải thấp ở ĐBSCL…” -  PGS. TS Huỳnh Quang Tín chia sẻ.

MINH HIỂN