Trồng hoa Tết giúp nông dân có cuộc sống khấm khá hơn
Hối hả chuẩn bị
Hàng năm, vào tháng 7 (âm lịch), các hộ nông dân trên địa bàn tỉnh tất bật xuống giống các loại hoa phục vụ thị trường Tết Nguyên đán. Năm nay, nhận thấy tình hình kinh tế được phục hồi, bà con nông dân mạnh dạn mở rộng diện tích xuống giống, quy mô sản xuất với tâm lý phấn khởi, hy vọng vụ hoa Tết bội thu.
Hơn 10 năm qua, ông Phan Minh Mẫn (ngụ Thị trấn An Châu, huyện Châu Thành) đã duy trì và xây dựng thương hiệu Trại hoa giống Tám Mẫn, với hơn 20 loại hoa các loại, như: Hoa cúc, vạn thọ, hướng dương, cúc mâm xôi... cung cấp cây giống cho người trồng hoa kiểng trên địa bàn huyện nói riêng và các vùng lân cận nói chung.
Năm nay, ông Mẫn chuẩn bị khoảng 10.000 chậu hoa các loại, như: Vạn thọ, cúc Tiger, hướng dương, dạ yến thảo, mâm xôi... phục vụ nhu cầu người dân. Ngoài việc cung cấp hoa cho thị trường và cây giống cho nông dân, ông Mẫn còn đầu tư, phát triển thêm dịch vụ du lịch, tạo điểm đến thú vị cho các bạn trẻ gần xa. Với khu vực rộng khoảng 2ha, ông Mẫn trồng nhiều giống hoa, xây dựng nhiều tiểu cảnh mới lạ để du khách đến tham quan, chụp ảnh… “Tôi hy vọng năm nay, thị trường hoa Tết sẽ sôi động, kỳ vọng giá bán ổn định thì nông dân lãi khá...” - ông Mẫn chia sẻ thêm.
Theo nhiều nông dân, để hoa đạt chất lượng cao, bông to, thân mập cần phải chăm sóc kỹ lưỡng cây ngay từ khi xuống giống. Trong quá trình sinh trưởng của cây, nông dân hết sức tỉ mỉ, cẩn thận trong từng thời điểm, từng khâu chăm sóc để cho ra sản phẩm chất lượng. Ngoài ra, nông dân còn chủ động, thường xuyên theo dõi tình hình thời tiết để có những biện pháp bảo vệ vụ hoa Tết kịp thời. Nhiều hộ còn sử dụng đèn chiếu sáng vào ban đêm, nhất là đối với cúc pha lê để đảm bảo ánh sáng phù hợp giúp điều chỉnh thời gian cho hoa nở đúng dịp Tết…
Tín hiệu vui cho người trồng hoa
Ông Hồ Tấn Phong (phường Châu Phú B, TP. Châu Đốc) cho biết, mấy ngày nay, thời tiết có mưa, khiến cho việc canh tác gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, nhờ kinh nghiệm nhiều năm trong việc trồng cúc pha lê nên vườn hoa không bị ảnh hưởng. Ngược lại, nhờ chăm sóc thường xuyên nên các cây hoa cúc đang phát triển tốt, hứa hẹn một vụ mùa khả quan. Ông Phong còn cho biết, hiện nay, tình hình phân bón, vật tư nông nghiệp tăng cao. Tuy nhiên, không vì vậy mà nông dân bị ảnh hưởng. Bởi, trồng cúc pha lê chủ yếu dựa vào kỹ thuật canh tác, công chăm sóc, chi phí phân bón hầu như không đáng kể.
Năm nay, gia đình ông Huỳnh Ngọc Diện (xã Mỹ Hòa Hưng, TP. Long Xuyên) xuống giống khoảng 500 chậu hoa cúc để cung ứng thị trường Tết Nguyên đán. Cùng với cúc pha lê, năm nay, ông Diện trồng thêm cúc Đài Loan, loại hoa đang được thị trường ưa chuộng. Nhờ mua nguồn giống từ địa chỉ uy tín nên cây sinh trưởng và phát triển mạnh, chất lượng hoa đảm bảo. Từ việc trồng hoa Tết, mỗi năm, gia đình ông Diện lợi nhuận 50 - 60 triệu đồng.
Đánh giá về thị trường năm nay, ông Diện cho biết, do thời tiết biến động thất thường, chất lượng cây giống không đạt yêu cầu, nhiều khu vực trồng hoa trong cả nước sụt giảm sản lượng và chất lượng hoa nên dự báo nguồn cung năm nay sẽ giảm. Điều này sẽ kéo theo giá hoa Tết năm nay dự báo sẽ tăng cao hơn so năm trước. Đây là tín hiệu vui đối với bà con nông dân trồng hoa Tết trong bối cảnh khó khăn như hiện nay. Tuy nhiên, với việc giá vật tư và công lao động tăng nên việc hoa hút hàng chỉ bù đắp một phần chi phí sản xuất.
Theo nhiều nông dân chia sẻ, trồng hoa bán Tết khá vất vả và mất rất nhiều công sức. Những chậu cúc đạt chất lượng đòi hỏi bông phải to, hoa nở đều vào đúng dịp Tết. Chính vì vậy, người trồng phải tỉ mỉ, dày công chăm sóc và phải biết áp dụng kỹ thuật. Hoa Tết là mùa được người trồng hoa trông đợi nhất trong năm. Do đó, chủ vườn vẫn không khỏi lo ngại trước những biến đổi khó lường của thời tiết và sự bấp bênh của thị trường. Người trồng hoa chỉ mong mưa thuận gió hòa, thị trường ổn định để có được một mùa Xuân vui tươi, đầm ấm.
MINH ĐỨC