“Nhìn thấy tiềm năng và thế mạnh của tỉnh trên lĩnh vực NN, ngay từ năm 2000, Tập đoàn Nam Việt đã mạnh dạn đầu tư Xí nghiệp Chế biến thủy sản đông lạnh Nam Việt (chuyên sản xuất cá tra Fillet xuất khẩu). Từ 1 xí nghiệp ban đầu, đến nay Nam Việt đã có 3 nhà máy chế biến cá tra Fillet xuất khẩu với công suất gần 1.500 tấn nguyên liệu/ngày.
Ngoài ra, Nam Việt còn sở hữu 2 nhà máy chế biến dầu cá, bột cá và 1 nhà máy bao bì; đồng thời xây dựng 10 vùng nuôi với diện tích 130ha mặt nước…” - ông Doãn Tới, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nam Việt thông tin.
An Giang có hệ thống cảng, thuận lợi cho xuất khẩu nông sản
Có thể thấy, trên lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, An Giang có sông Tiền, sông Hậu chảy qua, lưu tốc dòng chảy khá lớn. Đây chính là nguồn cung cấp ô-xy dồi dào để nuôi thủy sản nước ngọt, phục vụ tiêu thụ ở thị trường nội địa và xuất khẩu.
“Chưa nơi nào có lợi thế về nước ngọt như ở An Giang. Chỉ tính riêng lưu vực của sông Tiền, sông Hậu, ngư dân đã biết lợi dụng dòng chảy của nước để làm giàu, phát triển nuôi cá bè, như: cá hú, cá he, cá basa, điêu hồng, lăng nha, cá chình, cá trạch lấu… 43 năm kể từ ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, nhiều làng bè đã hình thành và phát triển. Ngư dân nơi đây có kỹ thuật nuôi cá rất cao, từ con giống đến nuôi thịt, chúng tôi rất cần các nhà đầu tư về đây xây dựng nhà máy chế biến, cùng với nông dân làm giàu…” - ông Trần Minh Hải (ngư dân làng bè Vĩnh Nguơn, TP. Châu Đốc) mời gọi.
Ngoài nuôi trồng thủy sản, An Giang còn có thế mạnh trong lĩnh vực trồng trọt, phát triển NN hữu cơ, NN du lịch. Địa phương có thế mạnh 2 lĩnh vực này là huyện Tịnh Biên và Tri Tôn. Ở đây, nông dân có tập quán canh tác lúa mùa nổi và giống lúa Nàng Nhen. Đây là giống trồng trong thời gian 8 tháng, gạo thơm, ngọt, mềm, ngon cơm, dễ nấu. Loại gạo này đã nổi tiếng từ lâu và có thị trường rất rộng lớn. Riêng sản xuất lúa chất lượng cao, nông dân trong tỉnh đã áp dụng khoa học - kỹ thuật vào đồng ruộng nên vừa đảm bảo chất lượng hạt gạo, vừa hạ giá thành sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế.
Hiện, trên địa bàn tỉnh có đến 90% diện tích sản xuất được áp dụng các tiến bộ kỹ thuật. Toàn tỉnh có 93 hợp tác xã (HTX) NN, trong đó nhiều HTX là lá cờ đầu trong phong trào kinh tế hợp tác của cả nước như: HTXNN Phú Thạnh (Phú Tân), HTXNN Tân Phú A1 (TX. Tân Châu). Bình quân, mỗi HTXNN có diện tích đất sản xuất từ 1.800ha trở lên. Đây là điều kiện lý tưởng để doanh nghiệp hợp tác, thực hiện vùng nguyên liệu lúa, nếp xuất khẩu thông qua mô hình “Cánh đồng lớn”…
“Để phát huy tiềm năng, thế mạnh trên lĩnh vực NN, An Giang đang thực hiện cuộc cách mạng trong NN, đó là NN ứng dụng công nghệ cao. Ứng dụng những công nghệ tiên tiến, hiện đại nhằm tạo ra bước đột phá về năng suất, cải thiện chất lượng nông sản. Thời gian qua, tỉnh đã thực hiện các mô hình: cơ giới hóa các khâu từ nhân giống, chăm sóc, thu hoạch đến chế biến. Tự động hóa quy trình bằng máy móc, công nghệ thông tin. Đưa công nghệ sinh học vào sản xuất giống cây trồng, vật nuôi chất lượng cao. Hình thành các mô hình sản xuất NN tiên tiến để đạt hiệu quả kinh tế cao...” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Nưng chia sẻ.
Bài, ảnh: MINH HIỂN