Pháp phóng vệ tinh thám hiểm hệ hành tinh bí ẩn

13/01/2018 - 10:41

Pháp vừa phóng một vệ tinh cỡ nano để nghiên cứu hệ hành tinh Beta Pictoris, qua đó nghiên cứu cơ chế Hệ Mặt Trời phát triển.

Ảnh minh họa vệ tinh PicSat khi đi vào quỹ đạo - Ảnh: CNN

Ngày 12-1, Pháp đã phóng một vệ tinh cỡ nano có tên là PicSat vào quỹ đạo Trái đất nhằm nghiên cứu một hệ hành tinh trẻ và bí ẩn trong Dải ngân hà.

Theo CNN, vệ tinh này có đường kính khoảng 5,8cm, dùng khoảng 5 watt điện - cỡ một bóng đèn tiết kiệm. 

PicSat do các nhà khoa học và kỹ sư tại Trung tâm Quốc gia về Nghiên cứu Khoa học và Đài quan sát Paris, Pháp thiết kế và chế tạo. Nó được trang bị một kính viễn vọng để quan sát và các tấm pin mặt trời để nạp năng lượng vận hành hệ thống. 

Nhệm vụ của nó là nghiên cứu hệ hành tinh Beta Pictoris - cách Trái đất khoảng 63,4 năm ánh sáng, trong thời gian 1 năm.

Ảnh minh họa hành tinh Beta Pictoris b quay quanh ngôi sao chủ Beta Pictoris - Ảnh: CNN

Hệ hành tinh Beta Pictoris gồm ngôi sao khổng lồ Beta Pictoris và hành tinh Beta Pictoris b của nó. 

Các nhà khoa học cho biết ngôi sao Beta Pictoris rất sáng, nhưng nó được bao quanh bởi một đĩa khổng lồ gồm bụi, khí và các mảnh vụn. Với các nhà thiên văn học, ngôi sao 23 triệu năm tuổi này còn khá trẻ.

Còn hành tinh Beta Pictoris b là một hành tinh lớn gấp 7 lần sao Mộc, nó quay quanh ngôi sao chủ ở khoảng cách tương tự như sao Thổ quay quanh Mặt trời của chúng ta, mặc dù quỹ đạo của Beta Pictoris b nằm trong đĩa mảnh vụn.

Nếu mọi thứ diễn ra theo đúng kế hoạch, PicSat sẽ giúp các nhà khoa học xác định được kích thước chính xác của hành tinh này, khí quyển và thành phần hóa học của nó.

Việc nghiên cứu hệ Beta Pictoris sẽ giúp các nhà khoa học nghiên cứu cơ chế Hệ Mặt Trời phát triển.

Theo MINH ANH (Tuổi Trẻ)