Tập trung khống chế dịch tả heo Châu Phi

27/06/2019 - 07:59

 - Do các đường lây nhiễm phức tạp, chưa có vaccine phòng ngừa cũng như thuốc điều trị đặc hiệu, biện pháp hiệu quả nhất để ngăn bệnh dịch tả heo Châu Phi lan rộng là tổ chức chăn nuôi an toàn sinh học. Cùng với tăng cường kiểm soát giết mổ, vận chuyển, mua bán, cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức cộng đồng để cùng chung sức khống chế dịch.

Người chăn nuôi sẽ được hỗ trợ khi heo bị tiêu hủy

Vẫn còn tình trạng vứt xác heo bừa bãi

Đến nay, bệnh dịch tả heo Châu Phi đã lan ra 8 huyện, thị xã, thành phố, gồm: TP. Long Xuyên, TX. Tân Châu và các huyện: An Phú, Châu Phú, Chợ Mới, Thoại Sơn, Tịnh Biên, Tri Tôn. Trong đó TP. Long Xuyên là điểm xuất phát dịch và là địa phương có số điểm dịch nhiều nhất (13 điểm), số heo bị tiêu hủy lớn nhất (596 con). Ở huyện Thoại Sơn, tuy mới phát hiện ổ dịch sau các địa phương khác nhưng lại xuất hiện đến 10 điểm dịch, trải đều trên địa bàn rộng, gồm 7/17 xã, thị trấn là: thị trấn Phú Hòa, Óc Eo, các xã: Vĩnh Chánh, Vọng Thê, Vọng Đông, Phú Thuận và Tây Phú (các huyện, thị xã, thành phố khác chỉ có từ 1-4 xã có dịch). Điều đáng lưu ý là trong số 1.870 con heo bị tiêu hủy, có 11 con heo bị phát hiện chết trên sông không rõ nguyên nhân, gồm: 9 con ở huyện Thoại Sơn và 2 con ở TP. Long Xuyên. Điều này cho thấy, ý thức của một bộ phận người dân trong phòng, chống dịch là chưa tốt bởi nếu heo bị vứt bừa bãi xuống sông, ra môi trường mà dương tính với virus dịch tả heo Châu Phi sẽ là nguồn lây nhiễm rất nguy hiểm. Trong số 59 điểm dịch phát hiện trên địa bàn tỉnh, TP. Long Xuyên và huyện Thoại Sơn là 2 địa phương dẫn đầu. Để hạn chế bệnh lây nhiễm qua đường nước uống, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Võ Thị Thanh Vân khuyến cáo người chăn nuôi nên sử dụng nước máy, nước giếng, tuyệt đối không sử dụng nước từ sông, kênh, rạch trong chăn nuôi heo.

Các ngành chức năng tỉnh và các địa phương thường xuyên nhắc nhở, vận động người chăn nuôi, buôn bán thực hiện nghiêm túc nguyên tắc “5 không” là: không giấu dịch; không mua bán, vận chuyển heo bệnh, heo chết; không giết mổ, tiêu thụ thịt heo bệnh, heo chết; không vứt heo chết ra môi trường; không sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt. “Qua kiểm tra, kiểm soát của các chốt kiểm dịch tạm thời do tỉnh, huyện thành lập, đã phát hiện 24 trường hợp vận chuyển gia súc, gia cầm vi phạm và phạt tiền 75 triệu đồng. Các lỗi vi phạm chủ yếu là trốn tránh chốt kiểm dịch và vận chuyển động vật, sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc” - Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Sĩ Lâm thông tin.

Tăng cường hỗ trợ người dân

Ông Nguyễn Sĩ Lâm cho biết, ngay khi xảy ra ổ dịch tả heo Châu Phi đầu tiên ở TP. Long Xuyên, Sở NN&PTNT đã tham mưu Ban Chỉ đạo (BCĐ) phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm tỉnh tổ chức họp BCĐ tỉnh với BCĐ TP. Long Xuyên để triển khai công tác chống dịch trên địa bàn thành phố. Mới đây, Sở NN&PTNT đã tham mưu UBND tỉnh ban hành quyết định thành lập BCĐ, các tiểu ban và tổ giúp việc thực hiện công tác phòng, chống bệnh dịch tả heo Châu Phi trên địa bàn An Giang. BCĐ do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Thư làm Trưởng ban, thành viên gồm lãnh đạo các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố. Đặc biệt, với sự tham gia của lãnh đạo các sở, ngành trong vai trò trưởng và phó trưởng các tiểu ban như: Tiểu ban xử lý dịch bệnh, Tiểu ban vệ sinh môi trường, Tiểu ban kinh phí; Tiểu ban thông tin - tuyên truyền, công tác ứng phó với bệnh dịch tả heo Châu Phi sẽ được vận hành thống nhất hơn.

Theo ông Nguyễn Sĩ Lâm, đến nay, kinh phí phòng bệnh khi không xảy ra dịch bệnh (gần 1,6 tỷ đồng) và chống dịch khi dịch bệnh xảy ra (gần 17 tỷ đồng) đã được phân bổ cho 11 trạm chăn nuôi và thú y cấp huyện. Riêng số hóa chất dùng để tiêu độc sát trùng có thể được đảm bảo đủ để phòng, chống dịch đến cuối năm 2019. Tỉnh đã cấp hơn 4 tỷ đồng cho các chốt kiểm dịch tạm thời và động viên các lực lượng hoàn thành nhiệm vụ. “Rút kinh nghiệm từ công tác quản lý vịt chạy đồng, các đơn vị chuyên môn của ngành nông nghiệp sẽ thành lập các đoàn công tác, thường xuyên xuống cơ sở hỗ trợ các địa phương phòng, chống bệnh dịch tả heo Châu Phi. Sở NN&PTNT cũng xây dựng kế hoạch chi tiết xử lý bệnh”-ông Lâm nhấn mạnh.

Bài, ảnh: NGÔ CHUẨN